Ngày 10/1, tại nhà Tế Tửu - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế) tổ chức khai mạc Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi - Cuộc đời và nghệ thuật”.
Không gian trưng bày giới thiệu đến công chúng hình ảnh về cuộc đời của vua Hàm Nghi từ khi lên ngôi, giai đoạn chống Pháp, giai đoạn lưu đày tại Alger (Thủ đô nước Algérie); 31 bản sao các tác phẩm nghệ thuật là tranh, tượng do nhà vua sáng tác ở Alger và đặc biệt là một bức tranh gốc của vua Hàm Nghi (tựa đề tạm dịch: Hồ trên dãy núi Alps) do một cá nhân hiến tặng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Tại không gian này, ngoài nội dung trưng bày trực quan, du khách còn được tìm hiểu, khám phá thông qua thiết bị trình chiếu cảm biến không dây, sách tương tác giới thiệu các thông tin, hình ảnh, video clip giới thiệu về cuộc đời của vua Hàm Nghi. Không gian triển lãm nhằm giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và di sản nghệ thuật của một vị vua yêu nước, một nghệ sĩ tài hoa, nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của vua Hàm Nghi (1944 - 2023).
Cùng ngày, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Tiến sĩ Amandine Dabat, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi tổ chức buổi giới thiệu “Cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi”. Tiến sĩ Amandine Dabat đã từng làm luận án tiến sĩ về cuộc đời làm nghệ thuật của vua Hàm Nghi.
Tiến sĩ Amandine Dabat cho biết, bà rất vinh dự có mặt tại buổi giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Trong quá trình nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ, thông qua các tài liệu, nguồn lưu trữ khác nhau, có thể thấy được sự gắn bó của vua Hàm Nghi đối với Việt Nam.
Các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi phản ánh sự mong mỏi của ông và tình yêu đối với Việt Nam. Có thể nói rằng, Việt Nam luôn chiếm phần quan trọng trong trái tim của vua Hàm Nghi. Thời gian tới, bà sẽ trao tặng nhiều tác phẩm nghệ thuật, vật ngự dụng của vua Hàm Nghi cho Việt Nam. Đặc biệt, mong muốn lớn nhất của bà là làm sao đưa thi hài vua Hàm Nghi về an táng tại cố hương. Đây cũng là ước muốn cuối cùng của vua Hàm Nghi trước khi mất.
Buổi giới thiệu “Cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra nhiều cơ hội giao giao lưu văn hóa và đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế với các đơn vị đối tác đến từ Pháp. Đặc biệt, 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, cũng như kỷ niệm 10 năm thiết lập đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp.
Nhân dịp này, Tiến sĩ Amandine Dabat đã hiến tặng “ống điếu hút thuốc” của vua Hàm Nghi cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ống điếu được làm từ gỗ khảm xà cừ, có chiều dài hơn 20 cm và đường kính gần 9 cm; được chế tác tại Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 19.
(Nguồn: Ngày Nay)