Tin lời một chủ cửa hàng kinh doanh thuốc tây, anh P đã bỏ ra hơn 30 tỉ đồng, góp vốn vào kinh doanh nhà thuốc tây. Tuy nhiên, theo phản ánh của anh, sau khi "ôm" được số tiền lớn này, giám đốc một công ty kinh doanh dược này đã "lặn sâu".
"Ôm" tiền góp vốn để rồi "lặn mất tăm"?
Gửi đơn đến Báo Lao Động, anh T.C.P (Phường Phước Long A, Thành phố Thủ Đức) trình bày câu chuyện của mình vì tin lời mời góp vốn vào kinh doanh nhà thuốc mà mất khoảng 30 tỉ đồng. Anh P mong muốn Báo Lao Động đăng tải vấn đề này như một lời cảnh báo đến nhiều người, nhằm tránh đi vào vết xe đỗ như anh.
Theo đơn anh P trình bày, bà N.B.N (SN 1976, quê Phú Thọ, trú Phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) là giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm tại TPHCM. Bà N giới thiệu mình là chủ nhiều cửa hàng bán thuốc tây nổi tiếng tại nhiều quận, kinh doanh rất hiệu quả, rồi mời anh P góp vốn vào đây để kinh doanh tân dược và sẽ được bà N chia lợi nhuận. Tin lời, anh P đã đồng ý góp vốn cho bà N. Câu chuyện "tiền chục tỉ ra đi không trở lại" của anh bắt đầu từ đây.
Theo đó, từ tháng 9.2019, bà N trao đổi với anh P cần vốn để kinh doanh hệ thống nhà thuốc tây. Lần góp vốn đầu tiên, anh P đã góp khoảng 1 tỉ đồng và được bà N chia lợi nhuận đúng hạn và đầy đủ. Sau đó, cũng lấy lý do cần vốn mở thêm cửa hàng kinh doanh thuốc Tây và nhập hàng về, bà N đã nhiều lần nhận tiền của anh P với mỗi lần từ 2 - 6 tỉ đồng.
Mỗi lần nhận tiền của anh P, bà N đều ký tên với chức danh là bác sĩ và đóng dấu Công ty Cổ phần đầu tư thương mại dược phẩm P.R.C và Công ty TNHH dược phẩm T.N.
Khoảng thời gian đầu từ tháng 9.2019 đến tháng 1.2020, bà N chuyển trả tiền lợi nhuận đầy đủ; sau đó, bắt đầu chậm trả và nhiều lần hứa trả lợi nhuận và một phần tiền gốc nhưng không thực hiện.
Tính đến tháng 7.2020, anh P đã chuyển cho bà N tổng cộng số tiền 36 tỉ đồng. Thế nhưng, gần 2 năm trôi qua nhưng bà N vẫn nhiều lần thất hứa và không trả tiền cho anh P.
Nhiều lần đòi nợ nhưng bà N không trả, nhận thấy bà N không trả tiền lợi nhuận, tiền gốc và lẩn tránh gặp mình, anh P đi tìm hiểu về hoạt động kinh doanh nhà thuốc bà N, thì phát hiện bà N có dấu hiệu lừa đảo mình và một số người khác, khi lập ra cửa hàng thuốc tây chỉ để huy động vốn, sau đó sang cửa hàng thuốc này cho người khác rồi "lặn sâu".
Dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nhận được đơn trình bày của anh P, PV Báo Lao Động đã đi tìm hiểu thực tế để xác minh thông tin. Theo đó, PV đến cửa hàng thuốc Tây của bà N trên đường 3/2, quận 10 thì nhận được thông tin cửa hàng đã sang lại cho một chủ khác. Tiếp tục đến địa chỉ cửa hàng thuốc tây của bà N trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 thì cửa hàng này cũng không còn và được chuyển sanh kinh doanh lĩnh vực khác.
Chúng tôi đến văn phòng Công ty kinh doanh dược của bà N, trên đường Cống Quỳnh, quận 1 thì không có văn phòng công ty của bà N tại đây vì đã chuyển đi nơi khác. Quá trình xác minh, chúng tôi biết được công ty bà N được chuyển đến một địa chỉ trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Chúng tôi đã nhiều lần đến địa chỉ này để liên hệ bà N làm việc xoay quanh đơn thư phản ánh của anh P. Tuy nhiên, bà N không gặp và không có bất kỳ phản hồi nào về vấn đề này.
Ngoài gửi đơn đến Báo Lao Động, hiện anh P đang làm đơn gửi đến cơ quan chức năng để tố cáo bà N có dấu hiệu "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Thông qua câu chuyện này, anh P muốn gửi thông điệp cảnh báo đến mọi người cần cảnh giác và thận trọng với vấn đề kêu gọi góp vốn mở nhà thuốc, để tránh đi vào vết xe đỗ của anh.
(Nguồn: Báo Lao Động)