Nghị quyết 128 là điều mà người dân và doanh nghiệp mong chờ

Nhóm PV |

Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (NQ128) đã đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch áp dụng thống nhất trên toàn quốc; là một chiến lược ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ trong tình hình mới được nhiều người dân và doanh nghiệp hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

Nghị quyết hợp lý, đúng đắn

Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Tài, trú tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng cho rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ngay cả các quốc gia phát triển có độ bao phủ vaccine rất cao, hệ thống y tế hiện đại, đáp ứng tốt các loại thuốc đặc trị và thuốc điều trị mà vẫn chưa thể nào khống chế được hoàn toàn dịch bệnh. Nhiều nước trên thế giới hiện tại vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề sau các đợt bùng phát dịch bệnh mới do các biến thể gây ra.

“Ở nước ta, tình hình dịch bệnh nhìn chung đã được kiểm soát, số ca nhiễm giảm tại đa số các địa phương, đòi hỏi Chính phủ phải linh hoạt, đặt ra những biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế của cả nước. Trong đó, việc ban hành nghị quyết, chỉ thị mới để thực hiện là hợp lý, đúng đắn, bước đầu được đa số người dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ, trong đó có cá nhân tôi - một người dân đang sinh sống tại địa phương chịu tác động nặng nề của dịch bệnh trong một thời gian dài”, ông Tài cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tài, người dân tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Ông Nguyễn Văn Tài, người dân tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Trong NQ128 của Chính phủ có nhiều nội dung quan trọng, phù hợp, khoa học, làm cơ sở, nền tảng, mang tính định hướng rõ ràng, minh bạch để giúp các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát dịch một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Ngoài ra, bảo đảm từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội như vận tải hàng hóa giữa các vùng miền, các địa phương được thông suốt; hạn chế được sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giải quyết đầu vào và đầu ra của sản phẩm hàng hóa trên nhiều lĩnh vực như, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ; hoạt động vận chuyển hành khách cũng thuận tiện hơn, kích thích nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều nơi; từng bước khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Quan điểm và giải pháp trong Nghị quyết mở ra một bước ngoặt, giúp người dân được đi lại thuận tiện, tạo ra những cơ hội để người dân tiếp cận được nhiều việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt, giúp cho chính quyền địa phương, những người thực thi nhiệm vụ, và người dân thay đổi nhận thức trong công tác phòng, chống dịch, từ đó, hình thành nên ý thức, trách nhiệm, thấy rõ vai trò quan trọng của từng thành phần tham gia vào công cuộc thích ứng lâu dài, linh hoạt, phòng ngừa và kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, sớm đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường mới", ông Nguyễn Văn Tài cho biết.

Mẫu số chung cho toàn quốc về phòng, chống dịch

Là một trong những người tích cực tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại địa phương, ông Nguyễn Văn Bao, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho rằng, NQ128 có thể được coi là một chiến lược ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ trong tình hình mới, trong đó xác định phòng dịch là một chiến lược cơ bản và lâu dài, ưu tiên đặt sức khỏe nhân dân lên trên hết và huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ông Nguyễn Văn Bao khẳng định: “Tôi hoàn toàn đồng tình với các biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch, dựa trên những tiêu chí, căn cứ khoa học, điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình chung hiện nay”.

Theo ông Bao, trước đây, mỗi địa phương một cách làm, một số địa phương lúng túng trong việc triển khai biện pháp chống dịch, nhiều biện pháp thái quá dẫn đến quá khắt khe và cực đoan. Ví dụ như nhiều người bị cách ly nhầm, cách ly không dựa trên cơ sở khoa học gây đảo lộn cuộc sống, nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly; nhiều khu vực nguy cơ thấp như “vùng xanh”, “vùng vàng”... cũng có quá nhiều khu vực rào chắn, cản trở lưu thông hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Bao, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang
Ông Nguyễn Văn Bao, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang

Chính vì vậy, NQ128 quy định các biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch, quy định rõ ràng những việc làm được phép và không được phép đối với tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh hoạt động dịch vụ... là mẫu số chung để toàn quốc cùng thống nhất thực hiện. Các cá nhân, đơn vị sẽ không còn đắn đo, thắc mắc về việc đi lại giữa các địa phương, việc cách ly khi đi từ tỉnh này đến tỉnh khác, nhờ đó việc lưu thông hàng hóa sẽ không bị đứt gãy.

“Bên cạnh đó, NQ128 thể hiện rất rõ quan điểm về tầm quan trọng của việc huy động toàn thể lực lượng nhân dân, các tầng lớp xã hội. Với vai trò người công tác tại một cơ quan hội đoàn thể cấp cơ sở, tôi nhận thấy việc huy động các lực lượng hội, đoàn thể ở Đà Nẵng cũng như cả nước trong những thời khắc dịch bệnh bùng phát cao điểm đã được thực hiện rất tốt. Chính vì thế, quan điểm này hoàn toàn đúng đắn và cần chú trọng để tận dụng được sự đoàn kết trong nhân dân.

Thời gian tới, ông Bao bày tỏ mong các bộ, ngành, địa phương sớm có những hướng dẫn cụ thể, phù hợp để triển khai chủ trương này của Chính phủ, sớm đưa các hoạt động kinh tế, sinh hoạt hằng ngày được trở lại bình thường trong điều kiện mới.

NQ128 là điều mà doanh nghiệp mong chờ

Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho hay: “Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là có quy định, biện pháp áp dụng thống nhất về công tác phòng, chống dịch, chứ không phải mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu. Do đó, chúng tôi rất đồng tình khi Chính phủ ban hành NQ128 quy định về giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh một cách thống nhất trên cả nước, là tín hiệu tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Ông Hà Đức Hùng chia sẻ, trong thời gian qua, Chính phủ đã những có chính sách hỗ trợ về tài chính như giảm thuế, giảm lãi vay, bảo hiểm xã hội... giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng đây là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, doanh nghiệp rất trông chờ về mặt cơ chế để phục hồi sản xuất, kinh doanh và NQ128 cơ bản đáp ứng giải quyết vấn đề này. Đây là giải pháp mà doanh nghiệp rất cần.

“Tôi đánh giá cao việc NQ128 quy định các mức phòng, chống dịch khác nhau, bảo đảm tính linh hoạt và hiệu quả; phạm vi ở quy mô cấp xã, khuyến khích áp dụng quy mô nhỏ hơn như thôn, tổ dân phố”, ông Hùng cho hay.

Nghị quyết cũng quy định rõ, các địa phương căn cứ theo tỉ lệ ca mắc mới trong cộng đồng/số dân/thời gian cũng như khả năng thu dung, điều trị để áp dụng cấp độ kiểm soát dịch phù hợp. Quy định này giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt được thông tin ở những nơi nào, địa phương nào đang có dịch và áp dụng biện pháp kiểm soát dịch tương đương với tỉ lệ ca mắc để chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, đi lại. 

Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nói: “Trước đây, chúng tôi thường xuyên rơi vào thế bị động khi triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đi lại vì phụ thuộc rất lớn vào quy định phòng, chống dịch của địa phương. Các quy định thì thay đổi liên tục khiến chúng tôi không thể xoay chuyển kịp. Tuy nhiên, trong NQ128 quy định rõ các tỉnh, thành phố chuyển cấp độ kiểm soát dịch phải thông báo tối thiểu trước 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tôi cho rằng đây là điểm mới và cần thiết để những người có nhu cầu đi lại nắm được thông tin và có sự chuẩn bị trước”.

“Chúng tôi đề nghị ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác kiểm soát dịch, tạo điều kiện cho hoạt động giao thương, buôn bán. Khi cần thông tin, chúng tôi sẽ biết phải truy cập vào địa chỉ nào để tra cứu, đơn cử như tra cứu bản đồ nguy cơ (xanh, vàng, cam, đỏ) và việc áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát y tế ở khu vực/địa phương đó. Như vậy, chúng ta sẽ không bị gây phiên hà bởi các quy định riêng lẻ, giấy phép con”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng bày tỏ.

Để NQ128 được áp dụng hiệu quả vào thực tế, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm có hướng dẫn, quy định cụ thể áp dụng trong các ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý theo hướng đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên tỉnh, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm vừa phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện cho việc đi lại, phát triển sản xuất-kinh doanh, làm ăn buôn bán…, không còn tình trạng mỗi địa phương mỗi kiểu như thời gian qua.

(Nguồn: Chính phủ)

Kịp thời trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Tân Nguyên |

Từ đầu năm 2021, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, phòng, chống COVID-19, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm tháo gỡ.

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu

Diệu Anh |

Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đang khẩn trương lên kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả song song với bảo đảm phòng, chống dịch.

Các doanh nghiệp ở Bình Dương cần khoảng 50.000 lao động

Huyền Trang |

Ngày 6/10, đại diện Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, với sự khởi động của thị trường tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất trong trạng thái "bình thường mới", dự báo lượng các doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 50.000 người lao động.

Xử phạt nhiều doanh nghiệp không báo cáo tiến độ triển khai dự án

Thanh Tuyền |

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều doanh nghiệp không thực hiện báo cáo tiến độ triển khai dự án đầu tư định kỳ theo quy định của pháp luật.