Người dân bất an vì sạt lở bờ sông

Hiếu Giang |

Do tác động của mưa lũ nên những năm gần đây, sạt lở bờ sông Thạch Hãn qua địa bàn một số xã ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về cả phạm vi lẫn mức độ.

Tình trạng sạt lở không chỉ làm mất đất sản xuất mà còn đe dọa đến nhà cửa, tài sản của người dân và đường giao thông nông thôn, các công trình thờ

Đợt mưa lũ xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022 đã làm tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Giang càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các thôn Trà Liên Tây, Phú Mỹ Kiên đã tăng chiều dài sạt lở thêm 1.500m. Tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng đã uy hiếp trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hàng chục hộ dân ven sông.

Sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang - Ảnh: H.G
Sạt lở bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang - Ảnh: H.G

Có nhà nằm sát ngay bờ sông Thạch Hãn nhưng trước tình hình sạt lở ngày càng ăn sâu vào đất nhà mình, anh Hồ Trường Lâm ở thôn Trà Liên Tây tỏ ra hết sức lo lắng. Chỉ tay ra phía bờ sông bị sạt lở nham nhở, nhìn những thớ đất còn màu tươi mới lở dần và bị cuốn trôi, anh Lâm than thở: “Người ta thường nói có an cư mới lạc nghiệp, nhưng đối với gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân sinh sống ở dọc sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Giang thời gian qua hết sức lo lắng do sạt lở xảy ra ngày càng mạnh. Hiện nay sạt lở đã ăn vào sát nhiều nhà cửa của chúng tôi, có ai yên tâm mà làm ăn được đâu, lo lắng lắm”.

Tình trạng sạt lở trên sông Thạch Hãn đến nay đã ở mức rất đáng báo động. Có những nơi sạt lở tạo thành hàm ếch đã ăn sâu vào chỉ còn cách nhà dân vài mét. Người dân rất lo lắng vì sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất của họ. Người dân thôn Trà Liên Tây sống dọc sông Thạch Hãn cho biết, hằng năm mưa lũ đã gây sạt lở và lấn sâu từ bờ vào khu dân cư khoảng 2 - 5m, cuốn trôi nhiều đất đai và vườn tược của nhiều hộ dân. Để khắc phục những vị trí sạt lở, chính quyền địa phương và người dân đã tiến hành bồi đắp đất, gia cố bằng cọc tre, bao cát… nhưng đều bị cuốn trôi sau những trận mưa lớn.

Trưởng thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang Trịnh Đình Thạnh đề xuất: “Hiện tại đã có một số con đường liên thôn ở Trà Liên Tây có nguy cơ bị mất nếu thời gian tới xảy ra khoảng 2 trận mưa lũ lớn tương đương như năm 2020. Trước nguy cơ mất đất sản xuất, nhà cửa bị đe dọa, mất đường giao thông, người dân thôn chúng tôi tha thiết mong quý cấp xem xét, quan tâm xây dựng một tuyến kè kiên cố dọc sông Thạch Hãn đoạn qua thôn để đảm bảo cho người dân sinh sống an toàn, yên tâm sản xuất”.

Theo anh Thạnh, sạt lở tại địa phương kéo dài qua nhiều năm, gây hoang mang lo lắng cho người dân. Ngoài phương án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, địa phương cũng mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đến việc di dân để người dân ổn định cuộc sống.

Chung tình cảnh, hàng chục hộ dân sinh sống dọc tuyến sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Long, đặc biệt là tại thôn Đại Thượng Hạ thời gian qua cũng hoang mang vì tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nặng. Sông Thạch Hãn đoạn đi qua xã Triệu Long có chiều dài khoảng 4 km, thời gian qua đã ghi nhận xuất hiện khoảng 5 điểm sạt lở nặng. Các điểm sạt lở dù đã được be, kè phần móng nhưng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là do tác động của các đợt mưa lũ bất thường xảy ra vào tháng 3 - 4/2022 vừa qua đã làm tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn. Sạt lở tại đây đã làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống, trực tiếp uy hiếp nhà cửa của người dân, đường giao thông liên thôn, các công trình đình làng, nhà thờ họ…

Được biết, mỗi mùa mưa lũ đi qua, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Triệu Phong lại diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Đến nay, qua thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng sạt lở trên tuyến sông Thạch Hãn qua địa bàn huyện đã có hơn 10 điểm. Để bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản Nhân dân, các công trình công cộng, người dân và chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng cần sự hỗ trợ nguồn lực để khắc phục tình trạng sạt lở vốn đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường như hiện nay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Công an tỉnh kiến nghị phòng ngừa tình trạng sạt lở tại các dự án điện gió

Lê Trường |

Công an tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị phòng ngừa tình trạng sạt lở, ô nhiễm môi trường tại các dự án điện gió.

Báo động tình trạng sạt lở sông biên giới Sê Pôn

Phan Phước Trung |

Tỉnh Quảng Trị có đường biên giới trên sông Sê Pôn giáp với tỉnh Savannakhet, Lào dài khoảng 59,771km, qua địa bàn 7 xã, thị trấn thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Với đặc điểm địa hình sông Sê Pôn ngắn và dốc, có nhiều đoạn gấp khúc, không liền mạch, vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao từ 5 đến 6m, nước chảy xiết làm sạt lở bờ sông và thay đổi dòng chảy.

Khoảng 500 mét kè ở khu phố Lập Thạch bị sạt lở nghiêm trọng

Nhơn Bốn |

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ hàng năm nên hiện nay tuyến kè dọc theo đường Trần Thánh Tông, đoạn đi qua khu phố Lập Thạch, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà (Quảng Trị) có một đoạn bị sạt lở nghiêm trọng.

Đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng kè chống sạt lở bờ sông biên giới Sê Pôn phía Việt Nam

Mai Lâm |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để đầu tư dự án Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông biên giới Sê Pôn phía Việt Nam, đoạn qua thị trấn Lao Bảo và xã Tân Thành (huyện Hướng Hóa) với chiều dài 2.150 m, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 150 tỉ đồng.