Những trường hợp người dùng Bluezone ngồi cách nhau một bức tường, dừng chờ đèn đỏ đều sẽ nằm trong danh sách tiếp xúc gần với những người xung quanh.
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm và truy vết người nghi nhiễm Covid-19, nếu tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm, ứng dụng sẽ tự động phát đi cảnh báo. Hiện Bộ TT&TT đang tích cực vận động người dân tải và sử dụng ứng dụng Bluezone .
Tuy nhiên nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về việc cài đặt ứng dụng này vì họ sợ bị cách ly oan dù không tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Bởi khi Bluezone xác định tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm thông qua bluetooth, những người ngồi cách xa nhau như qua bức tường hay ngồi trên xe ô tô và người dừng đèn đỏ vẫn có thể sẽ bị ứng dụng xếp vào danh sách tiếp xúc gần với những người xung quanh.
Các loại kính hay bức tường, khả năng lây nhiễm gần như bằng 0 trong những trường hợp đó. Thực tế này khiến nhiều người cảm thấy lo ngại bởi việc bị xác định nhầm là người nghi nhiễm Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt thường ngày.
Ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), Bluezone có thể ghi nhận tiếp xúc nếu cách nhau bức vách thạch cao, lớp kính dù không tiếp xúc gần. Nhưng đây chỉ là một trong những dữ liệu đầu vào để tìm ra người có khả năng nghi nhiễm Covid-19.
Nếu người dùng tiếp xúc gần ca mắc bệnh thì dữ liệu này sẽ được phân tích bằng cách phối hợp với điều tra dịch tễ sau đó mới đưa ra kết luận. Người dùng không cần lo lắng về việc có thể bị cách ly oan dù không tiếp xúc trực tiếp với người mang bệnh.
Việc sử dụng Bluezone rất có giá trị trong trường hợp hai người có tiếp xúc nhưng không quen biết nhau (ví dụ: khi cùng đi vào quán ăn, siêu thị...). Vì nếu chỉ dựa vào phương pháp điều tra dịch tễ, rất khó xác định được những người có tiếp xúc gần với ca nhiễm bệnh.
Nếu mọi người cùng dùng ứng dụng sẽ giảm bớt nguy cơ bỏ sót người nhiễm trong cộng đồng.
(Nguồn: Phụ nữ mới)