Nỗ lực khởi nghiệp thành công

Thanh Lê |

Bắt tay vào khởi nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vượt lên tất cả, các chị đã phát huy tính cần cù, chịu khó, tích cực lao động sản xuất đạt kết quả xuất sắc để khởi nghiệp thành công.

Vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống

Mục đích ban đầu là chọn cho mình một nghề phụ để làm trong thời điểm nông nhàn nhằm tăng thêm thu nhập, nhưng cơ duyên đưa nghề làm hương thảo mộc trở thành nghề có thu nhập tốt đối với chị Đoàn Thị Vân, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Năm 2018, với số vốn 3 triệu đồng, chị Vân đã đầu tư một máy đạp bằng chân để làm hương truyền thống.

“Với tinh thần thích tìm hiểu cái mới, thông qua người dân địa phương, tôi biết đến cây hương bài có mùi thơm rất đặc biệt. Ban đầu tôi bàn với gia đình đi tìm cây hương bài về trồng thử. Sau một năm trồng và chăm sóc, hương bài phát triển rất tốt trên vùng đất đầy sỏi đá. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, tôi bắt tay vào sản xuất mẻ hương thảo mộc đầu tiên từ cây hương bài và kết quả mang lại ngoài sự mong đợi.

Chị Đoàn Thị Vân (hàng trước, bên phải) nhận giải tại cuộc thi “Đề xuất ý tưởng/dự án khởi nghiệp” -Ảnh: T.L
Chị Đoàn Thị Vân (hàng trước, bên phải) nhận giải tại cuộc thi “Đề xuất ý tưởng/dự án khởi nghiệp” -Ảnh: T.L
Sản phẩm hương sạch đầu tiên ra đời đã được mọi người đón nhận bởi mùi thơm dịu, dễ chịu khác hẳn với những sản phẩm hương tẩm hương liệu trên thị trường. Với sản phẩm có chất lượng, giá cả phải chăng nên hương thảo mộc của tôi đã được người tiêu dùng xa gần đón nhận. Thành công bước đầu đã tiếp thêm động lực giúp tôi thực hiện ý tưởng mở rộng mô hình trồng cây hương bài để sản xuất hương nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sống”, chị Vân cho biết.

Để thuận lợi cho việc sản xuất, tháng 11/2022, chị Vân đứng ra thành lập HTX Hương thảo mộc VT với 15 thành viên, hoạt động với nhiều ngành, nghề nhưng trọng tâm là sản xuất, kinh doanh hương sạch. Trung bình mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường từ 15 - 20 ngàn hộp hương cây và 3.000 hộp hương nụ, sau khi trừ chi phí HTX lãi 100 triệu đồng. Hiện HTX đã mở rộng quy mô trồng cây hương bài với diện tích khoảng 3 ha để tiện cho việc sản xuất hương theo hướng sạch.

Ghi nhận những kết quả đạt được, dự án “Sản xuất hương từ thảo mộc thiên nhiên” của chị Đoàn Thị Vân đã đoạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh năm 2023. Trao đổi thêm với chúng tôi, chị Vân cho hay: “Hiện nay, xu hướng khách hàng có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, đối với hương cũng vậy.

Quá trình sản xuất, chúng tôi đã sử dụng cây hương bài để làm nguyên liệu chính và dùng keo bời lời làm chất kết dính, không sử dụng hóa chất hay hương liệu tổng hợp. Thành công lớn nhất của chúng tôi là đã tạo ra một sản phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ địa phương”.

Đưa đặc sản của quê hương vươn xa

Với mô hình sản xuất, chế biến cà phê chất lượng cao, chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đã đoạt giải Đặc biệt tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023.

Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh Nguyễn Thị Hằng (đứng giữa) giới thiệu về quá trình thực hiện chuỗi cà phê sạch đưa sản phẩm ra thị trường -Ảnh: T.L
Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh Nguyễn Thị Hằng (đứng giữa) giới thiệu về quá trình thực hiện chuỗi cà phê sạch đưa sản phẩm ra thị trường -Ảnh: T.L
Cà phê chất lượng cao hiện nay đang là xu thế cho nhiều lứa tuổi, mọi đối tượng không chỉ ở Việt Nam mà còn cả nước ngoài. Với lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu, nguồn lực, chị Hằng đã cùng tập thể HTX Nông sản Khe Sanh đưa sản phẩm đặc sản của quê nhà vươn tầm ra thị trường trong nước. Vượt qua những khó khăn ban đầu khi mới thành lập, đến nay, HTX đã đi vào hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả khá cao.

Tính đến cuối năm 2023, HTX Nông sản Khe Sanh đã liên kết với 115 hộ để trồng 168 ha cà phê chất lượng cao, tiêu thụ 3.000 tấn cà phê tươi cho người dân để chế biến cà phê sạch. Đồng thời, thực hiện chế biến sâu và tiêu thụ 16 tấn cà phê chất lượng cao ra thị trường. Cùng với đó, HTX đã sản xuất 150 tấn phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê cung ứng cho người dân chăm sóc cây trồng... Song song với việc hỗ trợ nông dân trồng và chăm sóc cây cà phê theo hướng hữu cơ, HTX thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Chia sẻ về những điểm mới của mô hình, Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh Nguyễn Thị Hằng thông tin: “HTX đã thực hiện mô hình khép kín từ vùng sản xuất đến khâu chế biến sâu nên đảm bảo được chất lượng sản phẩm, nguyên liệu ổn định, giá sản phẩm bán ra thấp hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Cùng với 30 thành viên góp vốn của HTX, chúng tôi còn có đội ngũ thành viên liên kết ổn định, HTX có hợp đồng liên kết thu mua thường xuyên, cam kết thu mua nguyên liệu với mức giá cao hơn giá thị trường 30% cho người dân.

Điều này đảm bảo yếu tố về nguồn nguyên liệu cho HTX sản xuất, đồng thời tạo cho người dân sự yên tâm tham gia phát triển vùng cà phê Hướng Hóa. Cùng với đó, HTX tận dụng vỏ cà phê để chế biến phân hữu cơ vi sinh, bán với giá rẻ nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện sản xuất hữu cơ đối với cây cà phê sạch cho sản phẩm đạt chất lượng cao.

Đây là yếu tố tuần hoàn mà HTX đã áp dụng thành công, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho thành viên HTX mà còn làm giảm chi phí cho người sản xuất, tăng chất lượng và sản lượng cây trồng. Đồng thời, dự án góp phần cải thiện sinh kế cho 30 thành viên HTX và hàng trăm hộ dân liên kết, góp phần giảm áp lực dựa vào rừng, hạn chế phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí Carbon”.

Xác định chiến lược cạnh tranh của HTX là tạo thương hiệu sản phẩm cà phê Khe Sanh đạt chất lượng cao nhờ vào hoạt động sản xuất kinh doanh khép kín, có sự tham gia thống nhất từ cộng đồng, đến nay, cà phê Khe Sanh đã được Hiệp hội cà phê Việt Nam cấp chứng nhận đạt chuẩn cà phê chất lượng cao số 1 tại Việt Nam; đạt OCOP 4 sao, hiện đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao trong năm 2024.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Liên hiệp hợp tác xã để phát triển nông nghiệp bền vững

Mai Lâm |

Khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể dưới nhiều hình thức liên kết, hợp tác gắn sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị là định hướng của tỉnh Quảng Trị để chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết để thành lập liên hiệp hợp tác xã (HTX) đang được các địa phương quan tâm thực hiện.

Thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Lúa hữu cơ Vĩnh Linh

Nguyên Đồng |

Ngày 24/10, UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức hội nghị thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Lúa hữu cơ Vĩnh Linh với sự tham gia của 881 thành viên thuộc 4 hợp tác xã (HTX), gồm: Đức Xá, Thuỷ Ba Đông (xã Vĩnh Thủy); Thượng Hòa (xã Vĩnh Long); Đặng Xá (xã Vĩnh Lâm).

Tiếp tục đổi mới hoạt động hợp tác xã nông nghiệp ở Cam Lộ

Thanh Hải |

Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) hiện có 15 hợp tác xã (HTX) hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số 3.090 thành viên; số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 136 người.

Hợp tác xã Nông sản sen Triệu Sơn cần được tiếp sức

Đan Tâm |

Đón đầu Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai trên địa bàn, Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông sản sen Triệu Sơn (gọi tắt là HTX Nông sản sen Triệu Sơn) được thành lập từ đầu tháng 9/2022.