Tiếp tục đổi mới hoạt động hợp tác xã nông nghiệp ở Cam Lộ

Thanh Hải |

Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) hiện có 15 hợp tác xã (HTX) hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số 3.090 thành viên; số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 136 người.

Trong những năm gần đây, hầu hết các HTX trên địa bàn huyện hoạt động và chấp hành tốt Luật HTX năm 2012, trong đó đã xuất hiện một số HTX tổ chức sản xuất có hiệu quả theo mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên HTX.

HTX Dược liệu Trường Sơn, xã Cam Thành được UBND tỉnh phê duyệt tham gia đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trong cả nước giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một trong những HTX hoạt động rất tốt về lĩnh vực cây dược liệu, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Ngày mùa trên đồng ruộng Cam Lộ -Ảnh: N.T.H
Ngày mùa trên đồng ruộng Cam Lộ -Ảnh: N.T.H

Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ chia sẻ, sau khi thành công với các sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, nhất là 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh là tinh chất dược liệu dưỡng da cho mẹ và bé Peamom, tinh dầu tràm ngâm củ ném Mộc San, hiện nay HTX Dược liệu Trường Sơn đang triển khai thực hiện đề án liên kết với nông hộ trồng cây tràm năm gân theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế với diện tích khoảng 80 ha.

Đây là giống tràm mới, hàm lượng tinh dầu đạt từ 1,5%-2%, cao gấp 2-2,5 lần so với giống tràm gió địa phương. HTX thực hiện phương thức hợp đồng liên kết cùng với các hộ dân trồng cây tràm năm gân và thu mua làm nguyên liệu đầu vào cho HTX; HTX hướng dẫn quy trình, giám sát quá trình sản xuất.

Cùng với việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị hiện đại chưng cất, phân đoạn tinh dầu tạo ra sản phẩm có độ tinh khiết cao.

“Với ưu thế về công nghệ, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp nguyên liệu chất lượng cao, gia công sản phẩm từ thiên nhiên cho các doanh nghiệp dược liệu, dược phẩm lớn. Hằng năm, doanh thu của HTX đạt trên 5 tỉ đồng, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho gần 30 lao động cùng hàng trăm lao động thời vụ khác”, ông Huệ cho biết.

Toàn huyện Cam Lộ hiện có 6 HTX tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, hợp đồng thu mua sản phẩm của thành viên và hộ nông dân (HTX Dược liệu Trường Sơn, HTX Hồ tiêu Cùa, HTX nông nghiệp Hiếu Bắc, HTX nông nghiệp Cam An, HTX nông nghiệp Thủy Đông, HTX nông nghiệp Hiếu Nam); 4 HTX tham gia chương trình OCOP (HTX Dược liệu Trường Sơn, HTX nông nghiệp Cam An, HTX Hồ tiêu Cùa, HTX nông nghiệp Hiếu Nam).

Nhiều HTX đã triển khai hình thành một số mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình liên kết giữa Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị với các HTX Hiếu Bắc, Hiếu Nam (xã Cam Hiếu), sản xuất 32 ha giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ và hữu cơ; mô hình liên kết giữa Công ty Giống cây trồng Quảng Trị với HTX Hiếu Bắc để sản xuất 20 ha lúa giống; mô hình liên kết giữa Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế với HTX Cam An sản xuất 30 ha gạo Bắc Thơm 7 theo hướng gạo sạch; liên kết giữa HTX Dược liệu Trường Sơn với các hộ dân xã Cam Thủy trồng 20 ha tràm năm gân để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất tinh dầu tràm...

Nhờ đổi mới hoạt động, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực hiện tốt các khâu dịch vụ nông nghiệp cho xã viên, nên hoạt động của các HTX chuyển biến tích cực. Doanh thu bình quân của các HTX ước đạt 530 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân ước đạt 85 triệu đồng/HTX/năm. Trên địa bàn huyện Cam Lộ hiện nay không còn HTX yếu kém.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025, năm 2023, UBND huyện Cam Lộ phân khai nguồn vốn hỗ trợ về cho các chủ đầu tư là UBND các xã Thanh An, Cam Nghĩa và Cam Thành triển khai hỗ trợ cho các HTX xây dựng các hạng mục công trình như: hỗ trợ HTX nông nghiệp Cam An xây dựng tuyến đường giao thông nội đồng tuyến Đìa - Sao, kinh phí 350 triệu đồng; hỗ trợ HTX lâm nghiệp bền vững Keo Sơn đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ vườn ươm giống lâm nghiệp chất lượng cao, kinh phí 550 triệu đồng; hỗ trợ HTX Dược liệu Trường Sơn đầu tư nhà kho phục vụ sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu, kinh phí 600 triệu đồng.

Về chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh, đợt 1 năm 2023, UBND huyện đã phân khai nguồn vốn hỗ trợ 1,317 tỉ đồng triển khai thí điểm mô hình trồng cây quế hồi để hỗ trợ trực tiếp cho người dân thực hiện việc chi trả cho Công ty sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam theo hợp đồng liên kết sản xuất, thu mua giữa hộ dân với công ty.

Từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ, huyện phân khai thực hiện nội dung hỗ trợ các dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cho các HTX thực hiện liên kết, bao gồm: dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ tràm năm gân của HTX Dược liệu Trường Sơn với các hộ dân xã Cam Thủy, quy mô diện tích 10,4 ha, gồm 58 hộ tham gia; kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ gỗ rừng trồng của HTX lâm nghiệp bền vững Keo Sơn với các hộ dân trồng rừng tại xã Cam Nghĩa với quy mô diện tích 89 ha (keo lai sản xuất bằng phương pháp cấy mô), gồm 40 hộ dân tham gia, kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng...

Với sự đầu tư hỗ trợ khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào những trang thiết bị trong lĩnh vực công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, cải tiến chất lượng sản phẩm các ngành nghề ở khu vực nông thôn, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Cam Lộ đang từng bước đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Thông qua tổ chức triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất theo hướng trang trại, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện góp phần xây dựng mô hình điểm HTX kiểu mới, nâng cao thu nhập và đời sống kinh tế hộ thành viên, người lao động, vì mục tiêu phát triển bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nông dân Việt Nam, Thái Lan vừa mừng vừa lo khi giá lúa gạo toàn cầu tăng

Ngọc Châu |

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ tạo cơ hội cho các cường quốc gạo Đông Nam Á là Thái Lan và Việt Nam thu được lợi nhuận lớn trong bối cảnh thiếu gạo toàn cầu.

Mang giống lúa, ngô năng suất cao lên vùng biên giới

Trúc Phương |

Nhờ gieo trồng thành công giống lúa, ngô mới ngắn ngày, năng suất cao do các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) mang về từ tỉnh Thái Bình, người dân vùng biên giới đã giải quyết được nỗi lo lương thực.

Nông dân đầu tư máy bay không người lái chăm sóc lúa

Mỹ Hằng |

Ứng dụng thiết bị máy bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là cách làm nông nghiệp đã cho thấy hiệu quả không chỉ trong sản xuất mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Nắm bắt lợi thế này và nhu cầu của người dân địa phương, anh Nguyễn Văn Tuần, thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua drone để vừa chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, vừa làm dịch vụ.

Nông dân phấn khởi vì vụ lúa hè thu được mùa, được giá

Lê An |

Vụ hè thu năm nay toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được trên 22.360 ha. Hiện tại trên các cánh đồng lúa, nông dân đang tất bật thu hoạch lúa với niềm vui được mùa, được giá.