Trên Face Book sáng nay, chủ nhật 01/12/2019, bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã mạnh dạn nêu lên ý nghĩ cần tổ chức Phiên chợ vùng cao Hướng Hoá đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của những người tâm huyết với quê hương và cộng đồng mạng.
Theo đó, bà Huyền viết: “Các bạn nghĩ thế nào nếu bây giờ Hướng Hóa mình tổ chức Phiên chợ vùng cao? Ở đây sẽ bày bán những sản phẩm đặc trưng của miền núi, và có cả các hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc...”
Sau khi dòng trạng thái được đăng đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ ý tưởng này. Facebook Phước Cá Heo cho biết: Đồng ý. Hoạt động này sẽ là một trong những điểm nhấn trong tuyến du lịch Khe Sanh, Hướng Hoá. Rất đau đáu về chuyện này, tôi cũng đã dành không ít thời gian sinh sống cùng bà con tại các bản miền núi Quảng Trị, thấy có nhiều thứ rất giá trị tuy nhiên lại chưa được bà con mang ra thương mại hóa nên chúng ta chưa thấy được. Vẫn chỉ mong sao khi có sản phẩm của bà con ra thị trường sẽ được sự đón nhận và ủng hộ từ cộng đồng thôi”.
Ý kiến từ Facebook Hà Thanh cho hay: Ý tưởng rất hay, mục đích quá tuyệt vời. Chỉ cần cách thức tổ chức, quản lí và hướng phát triển rõ ràng, sáng tạo nữa mà thôi”.
Cùng với những ý kiến tán thành thì cũng có ý kiến còn trăn trở về sản vật của người dân địa phương, các đặc sản còn quá ít.
Được biết, huyện miền núi biên giới Hướng Hoá có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô sinh sống. Hàng ngày dọc Quốc lộ 9 đoạn qua xã Tân Long, thị trấn Khe Sanh hay chợ Tân Phước (Lao Bảo), chợ Khe Sanh… đồng bào dân tộc thiểu số thường đem bán những sản vật thu hái từ vườn, từ rừng đã được khách hàng lựa chọn như một thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, những làng nghề làm chổi đót, dệt thổ cẩm, týp đựng xôi, nghề rèn dao… vẫn đang được duy trì dù còn nhỏ lẻ.
Thiết nghĩ, nếu có Phiên chợ vùng cao để tập hợp những sản vật do bàn tay người dân tộc thiểu số làm ra, mang bản sắc vùng miền và nơi giao lưu văn hoá sẽ là một cơ hội để bảo tồn và phát triển những làng nghề vốn đã “ngủ quên” lâu nay. Mặt khác, đây là cơ hội để tạo ra việc làm, giao thương buôn bán cho người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nó sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch khi đi qua tuyến hành lang Kinh tế Đông – Tây.