Liên quan quá trình điều tra xét xử vụ kỳ án gỗ trắc, chiều 15/8 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị đã chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), ông Nguyễn Hòa Bình. Vụ án “buôn lậu gỗ trắc” ở Quảng Trị và Đà Nẵng qua phiên phúc thẩm do TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử đã tuyên theo hướng xử các bị cáo nặng hơn phiên sơ thẩm. Nhưng những người trong cuộc và dư luận hầu như càng không tâm phục, khẩu phục.
"Nếu Quốc hội muốn giám sát tối cao thì chúng tôi xin sẵn sàng phục vụ..."
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã chất vấn Chánh án TANDTC, rằng: "Tòa phúc thẩm đã căn cứ vào biên bản giám định được lập nên bởi những cơ quan, cá nhân không có tư cách pháp nhân về giám định tư pháp, hay nói cách khác là kết quả của "giám định chui" không có giá trị pháp lý để buộc tội các bị cáo là "buôn lậu" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong khi đó vật chứng đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra C.44 bán tháo khi đang trong quá trình điều tra là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật tố tụng hình sự. Vậy theo đồng chí: Phán quyết của TAND cấp cao tại Đà Nẵng là do nhận thức, vận dụng non kém về pháp luật hay do mục đích, động cơ nào khác? Quan điểm của đồng chí về phán quyết này như thế nào? Nhân đây, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp cho giám sát vụ án có nhiều dấu hiệu oan, sai, và nhiều vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong quá trình tố tụng này”.Chánh án TANDTC, ông Nguyễn Hòa Bình sau khi tóm tắt vụ án trên cơ sở báo cáo của TAND TP Đà Nẵng và TAND cấp cao tại Đà Nẵng, đã trả lời vào nội dung chính: “Tòa phúc thẩm chấp thuận 535 mét khối mà Công ty TNHH Ngọc Hưng đã làm thủ tục hải quan và nộp thuế là hợp pháp, còn 78 mét khối trong đó có 23 mét khối gỗ hương mà tòa sơ thẩm đã tuyên và 55 mét khối gỗ trắc không khai báo hải quan và nộp thuế thì xử lý theo pháp luật về tội buôn lậu.
Còn về biên bản “giám định chui” hay không như đại biểu Hà Sỹ Đồng đã nêu thì tôi phải nói lại cho cử tri cả nước được rõ để biết cơ quan điều tra không có gì khuất tất. Cơ quan giám định là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, năng lực và tư cách pháp nhân của Viện này như thế nào thì ta chưa bàn, nhưng đây là yêu cầu chính thức của cơ quan điều tra và VKS đã giám sát nên không có gì là “giám định chui” ở đây cả. Còn tòa có căn cứ duy nhất biên bản này hay không thì tôi trả lời là không, Tòa đã căn cứ vào 6 tài liệu khác nhau. Còn nếu Quốc hội lúc nào muốn giám sát tối cao thì chúng tôi xin sẵn sàng phục vụ”.
Xúc phạm công lý
Trong một diễn biến khác, 10 ngày sau khi Tòa phúc thẩm tuyên án (ngày 26/7/2019), đến ngày 5/8/2019 ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC đề nghị tiến hành thủ tục giám đốc thẩm với vụ án này.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hoàng Đức Thắng nêu rõ quan điểm: “Với trách nhiệm của đại biểu dân cử, qua xem xét thấy vụ việc kéo dài, có dấu hiệu oan, sai, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản kiến nghị, chất vấn gửi đến các cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện KSNDTC và trực tiếp tham dự tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm để giám sát việc xét xử của các cơ quan tố tụng”.
Theo ông Thắng, phiên xét xử sơ thẩm ngày 23/8/2018, TAND TP Đà Nẵng tuyên các bị cáo Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung phạm tội “Buôn lậu”; các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành, Đỗ Danh Thắng phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xử phạt Trương Huy Liệu 01 năm 16 ngày tù giam (bằng thời gian tạm giam); Trần Thị Dung 9 tháng tù, cho hưởng án treo; Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành 9 tháng tù, cho hưởng án treo; Đỗ Danh Thắng 6 tháng tù, cho hưởng án treo. Bản án sơ thẩm đã bị kháng cáo và kháng nghị.
Ngày 26/7/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm vụ án trên, và đã tuyên tăng nặng hình phạt đối với Trương Huy Liệu 7 năm tù giam và Trần Thị Dung 3 năm tù cho hưởng án treo.
“Qua giám sát tại phiên tòa phúc thẩm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhận thấy quyết định của TAND cấp cao tại Đà Nẵng không phù hợp với những tình tiết khách quan, bản chất của vụ án; áp dụng sai lầm nghiêm trọng về pháp luật trong xét xử vụ án. Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 33 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị yêu cầu Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án của TAND cấp cao tại Đà Nẵng”, ông Hoàng Đức Thắng, nói.
Được biết trước đó, ngày 2/8/2019, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng đã có văn bản gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. Văn bản cũng nêu rõ: "Ngày 29/7 tôi đã nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Trương Huy Liệu và vợ là bà Trần Thị Dung, trú tại số nhà 647, đường Lê Duẩn, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Sau khi nghiên cứu đơn và các tài liệu kèm theo, băng ghi âm tại phiên tòa phúc thẩm, các Công văn liên quan trong đó có Công văn của Tổng cục Hải quan số 6883/TCHQ-GSQL,1661/TCHQ-TXNK, một số đơn kêu cứu và di thư của công dân Trần Đình Quang (đã thắt cổ tự tử do bị điều tra viên Trần Đức Dũng đánh đập, ép cung), qua đó thấy rằng:
1- Việc xét xử vụ án “buôn lậu” là có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế, vì theo pháp luật thì đó không phải là hành vi buôn lậu.
2- Việc công nhận kết luận giám định 783/STTNSV ngày 26/11/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là hoàn toàn vi phạm pháp luật vì Viện này không có chức năng giám định tư pháp. Nói cách khác là Tòa phúc thẩm vụ án này đã thừa nhận "giám định chui, giám định ngoài luồng" trái Luật Giám định tư pháp. Việc lý giải của HĐXX cho rằng đây là kết luận hợp pháp là bao biện, xúc phạm công lý.
3- Việc cơ quan điều tra tự ý tổ chức bán 535,8 m3 gỗ trắc của Công ty Ngọc Hưng với giá rẻ mạt, thấp hơn nhiều lần so với thị trường, sau đó chuyển cho Tổng cục Hải quan giữ để xử lý vi phạm hành chính là thể hiện rõ sự lúng túng, khuất tất và vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
Từ đó ông Lưu Bình Nhưỡng đã đề nghị các cấp có thẩm quyền nói trên xem xét vụ án theo hướng giám đốc thẩm và đề nghị Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức giám sát vụ án này
Tiếp tục kêu oan
Sau phiên phúc thẩm, các bị cáo đã đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm. Trong đơn kiến nghị gởi Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC cũng như khi làm việc với chúng tôi, vợ chồng bị cáo Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung đã khẩn thiết kêu oan.
Theo vợ chồng ông Trương Huy Liệu, trong quá trình xét xử, HĐXX đã “hình sự hóa hành vi vi phạm hành chính”.
Ngoài ra, HĐXX lấy khối lượng chênh lệch giữa “Kết luận giám định” số 783/STTNSV ngày 26/11/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật so với khai báo tại tờ khai hải quan để quy kết vợ chồng ông phạm tội “Buôn lậu”, là không có căn cứ. Kết luận giám định số 783/STTNSV ngày 26/11/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là kết luận bất hợp pháp, vì Hội đồng giám định gồm Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật và Kiểm lâm Vùng 2 đã vi phạm pháp luật cả về trình tự thủ tục, địa vị pháp lý lẫn phương pháp giám định.
(Theo Tiền Phong)