“Quỹ giúp người dân tiếp cận vaccine bình đẳng nên mang ý nghĩa rất lớn", Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.
Trao đổi với Zing, GS TS Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Quỹ vacine thể hiện mình vì mọi người, và mọi người vì mình. Tôi thấy rằng cuộc vận động lần này có thể ví với Tuần lễ vàng năm xưa”.
GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, năm 1945, trước một mối đe dọa với đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi Tuần lễ vàng và nhận được sự hưởng ứng rất lớn của người dân. Từ người có nhiều tiền, từ nhà tư sản lớn, đến những người dân chỉ có một chiếc vòng vàng, một cái nhẫn vàng… vì lợi ích của đất nước đều đem hiến tặng. Với tình hình như hiện tại, khi mà dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, một lần nữa Việt Nam cũng đứng trước tai họa, quỹ vaccine đã kêu gọi sự đóng góp trên tinh thần mình vì mọi người và mọi người vì mình.
“Tôi thấy câu này rất đúng, mình vì mọi người, nhưng mọi người trong đó có mình, mình cũng sẽ được tiêm. Hoặc nếu mình không được tiêm, nằm trong số 30% còn lại, miễn dịch cộng đồng cũng giúp mình thoát khỏi dịch Covid-19”, ông chia sẻ.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng nhắc đến thực tế trên thế giới cho thấy nhiều nước đã giảm dần dịch Covid-19 nhờ chiến lược vaccine. Vaccine nội địa đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm ở giai đoạn 3 nên Việt Nam bắt buộc phải mua vaccine từ nước ngoài trong thời gian sớm nhất.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá rất cao Chính phủ đã quyết định thành lập quỹ vaccine để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được đồng hành cùng Chính phủ tìm nguồn vaccine, chi trả chi phí tiêm phòng cho nhân dân.
Ông Hồ Mạnh Toàn, Nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành ISR, Đại học Phenikaa, cho rằng quỹ vaccine có ý nghĩa chiến lược đến công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Nếu dịch bệnh không được giải quyết trọn vẹn sẽ khó phát triển kinh tế, vaccine mang tính quyết định để khống chế dịch bệnh.
Ông Toàn cũng đánh giá cao việc thiết kế qũy dựa trên cấu trúc vi mô có khả năng tương tác hiệu quả cao với các tầng lớp cư dân trong xã hội, đặc biệt là giới doanh nghiệp. Ông tin rằng Việt Nam sẽ chiến thắng trong giai đoạn quyết định quan trọng, tạo nên dấu mốc lịch sử.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng “cuộc chiến” chống Covid-19 không chỉ bằng giãn cách, bằng khoanh vùng mà còn phải trông chờ vào vaccine.
PGS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định nhiều quốc gia trên thế giới đã gặt hái thành quả của vaccine. Do đó, giai đoạn này, vaccine là yếu tố mang tính then chốt để chống dịch của Việt Nam.
“Quỹ giúp người dân tiếp cận vaccine bình đẳng nên mang ý nghĩa rất lớn. Tiêm vaccine đạt diện rộng sẽ giúp chúng ta yên tâm mở cửa kinh tế, phục hồi sau dịch”, ông nói.
Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng ngân sách có thể cố gắng đảm bảo tiền mua vaccine, nhưng ý nghĩa xã hội của quỹ mới là điều quan trọng nhất, quỹ sẽ huy động được sự tham gia, nâng cao trách nhiệm của mọi người trong xã hội.
PGS Hoàng Văn Cường cũng nói rằng bài học chống dịch Covid-19 cho thấy phải có sự đoàn kết đồng lòng.
“Khi có sự chung tay, nó sẽ tạo ra sức mạnh cộng đồng để xây dựng sự nghiệp chung. Sau này sẽ là những công trình chung, vấn đề chung của xã hội trong tương lai”, ông nói.
(Nguồn: Phụ nữ mới)