Sập bẫy thông báo “quà tặng” từ nước ngoài

Bảo Hà |

Bị hại T. là người phụ nữ buôn bán nhỏ ở một vùng quê ven biển của tỉnh. Dạo rồi, chị mới sử dụng ứng dụng gửi tin nhắn miễn phí qua mạng xã hội và nhận được nhiều lời kết bạn. Chị vô tư đồng ý, chuyện trò với “bạn mới”, không ngờ rơi vào bẫy lừa đảo của một đường dây tội phạm mà không hề hay biết. Thủ đoạn lừa đảo trong vụ án đã xảy ra ở nhiều nơi nhưng tại địa bàn Quảng Trị, có lẽ chị T. là nạn nhân đầu tiên được biết đến.

Gần cuối tháng 4/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Lê Thị Kim H. (sinh năm 1989), trú tại huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. H. là 1 mắt xích trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản tinh vi, thủ đoạn ban đầu là làm quen qua mạng xã hội, lấy thông tin cá nhân sau đó vờ thông báo gửi quà từ nước ngoài về. Khi nạn nhân tin tưởng, nhóm đối tượng tiếp tục đóng các vai nhân viên sân bay, nhân viên hải quan, công an gọi điện thoại cho nạn nhân yêu cầu nộp tiền vận chuyển, thuế hải quan và tiền phạt vì soi thấy ngoại tệ trong kiện hàng gửi về. Trong vụ án, bị cáo H. được giao diễn vai nhân viên sân bay, từng bước dẫn dụ chị T. sập bẫy với số tiền bị chiếm đoạt lên đến tiền tỉ.

Phiên tòa xét xử bị cáo H. về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” -Ảnh: B.H
Phiên tòa xét xử bị cáo H. về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” -Ảnh: B.H

Tại phiên tòa, bị cáo H. thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố. Đầu năm 2019, H. gặp một người phụ nữ tên Nga. Đối tượng này nhanh chóng nắm bắt được tình hình khó khăn của H. và đề nghị tham gia làm ăn để kiếm được nhiều tiền. Bước đầu, Nga giao cho H. 1 CMND mang tên Phạm Thị Thu Thủy, rồi lấy ảnh gắn vào CMND người tên Thủy để mở một số tài khoản ngân hàng và thẻ ATM. Nga cũng cung cấp nhiều ĐTDĐ và sim rác cho H. cùng đồng bọn để thực hiện các công đoạn lừa đảo nhằm tránh bị truy dò của lực lượng chức năng. Thông qua ứng dụng gửi nhắn tin WhatsApp, nhóm tội phạm trên bắt đầu săn tìm nạn nhân. Và chị T. bị lọt vào tầm ngắm. Khoảng cuối tháng 9/2020, 1 tài khoản mang tên Alex làm quen với chị T. Đây chính là tài khoản do nhóm tội phạm trên lập ra, giả danh.

Sau một thời gian nhắn tin làm quen, chúng thu thập đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, chờ khi chị T. đã đủ tin tưởng thì tiến hành thực hiện. Đến lúc này, chúng giao cho H. vào vai nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. H. gọi điện cho chị T. giới thiệu tên là Phạm Thương, thông báo có người tên là Alex gửi kiện hàng từ nước ngoài về cho chị và đề nghị tiến hành các bước thủ tục để nhận. Nghe “nhân viên” sân bay thông báo địa chỉ rõ ràng của mình, lại nói người gửi chính là người đã trò chuyện, làm quen qua WhatsApp trước đó nên chị T. rất tin tưởng. Ngày 2/11/2020, theo hướng dẫn của “nhân viên Thương”, chị T. phải chuyển 12,5 triệu đồng để làm thủ tục nhận kiện hàng. Để an tâm, chị T. nhắn tin với tài khoản Alex để khẳng định thông tin. Sau khi nhận được tin hồi đáp chắc chắn từ Alex, chị T. chuyển 12,5 triệu đồng theo tài khoản do H. cung cấp.

Cũng trong ngày hôm đó, H. tiếp tục gọi điện cho chị T. báo hải quan sân bay qua soi chiếu kiện hàng phát hiện có nhiều tiền mặt là đồng USD, phải nộp phạt số tiền hơn 37,5 triệu đồng, nếu không sẽ không nhận được. Chị T. đáp ứng yêu cầu này. Thấy nạn nhân không còn cảnh giác, H. tiếp tục gọi điện báo phải nộp số tiền bảo hiểm cho kiện hàng hơn 175 triệu đồng, kèm những lời “hé lộ” về kiện hàng có trị giá lớn khiến chị T. càng tin tưởng.

Lần thứ 4, ngày 3/11/2020, H. gọi điện cho chị T. để “bồi dưỡng” cho lực lượng hải quan tại sân bay nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhận kiện hàng. Trước sự hướng dẫn tận tình của H., chị T. tiếp tục chuyển đủ số tiền 475 triệu đồng như yêu cầu vào tài khoản do H. cung cấp. Ngày 5/11/2020, H. lại gọi điện đề nghị chị T. chuyển tiếp 500 triệu đồng đảm bảo kiện hàng đến đúng địa chỉ, cam kết sau khi nhận hàng sẽ được trả lại tiền đầy đủ.

Sau khi chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng của chị T., H. chuyển hết cho Nga theo tài khoản do đối tượng cung cấp. H. được Nga trả cho 60 triệu đồng. Dù đã chuyển số tiền lớn nhưng nhiều ngày sau kiện hàng vẫn chưa về nên ngày 10/11/2020, chị T. gửi đơn tố giác hành vi lừa đảo lên cơ quan Công an Quảng Trị. Quá trình điều tra, H. thừa nhận đã lừa chị T. chuyển 1,2 tỉ đồng, còn không biết những lần chị T. chuyển cho các đối tượng khác. Tại phiên tòa, H. khai không rõ danh tính, địa chỉ của đối tượng tên Nga, cũng chưa từng gặp mặt các “mắt xích” khác trong đường dây lừa đảo. Số tiền 60 triệu đồng Nga trả công H. đã tiêu xài cá nhân.

Xét về hoàn cảnh, bị cáo chỉ học đến lớp 5, là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ sinh năm 2018. Còn đối với bị hại cũng lâm vào cảnh bi đát từ sau cú lừa này. Nhiều người cho chị T. vay mượn cũng đến dự phiên tòa. Họ cho biết chị T. hiền lành, tử tế nên khi vay mượn tiền có việc thì ai nấy đều giúp. Ai ngờ sự việc vỡ lở, họ cũng rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Chị T. và các “chủ nợ” hy vọng cơ quan công an sẽ điều tra ra được đối tượng đứng đầu và lật tẩy đường dây lừa đảo trên.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị mức án dành cho bị cáo H. từ 10 đến 11 năm tù. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định cáo trạng đã truy tố đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định, Tòa tuyên phạt bị cáo H. 10 năm tù. Nghĩ đến con nhỏ, H. khóc nức nở. Ở phía bị hại, chị T. cũng nghẹn đắng, chưa biết phải xoay xở thế nào để trả khoản nợ đã mượn, vay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khởi tố đối tượng dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trần Khôi |

Ngày 11/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thị Tình (SN 1988), trú tại Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà để tiếp tục điều tra làm rõ về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 174 Bộ Luật Hình sự.

Giả mạo tài khoản mạng xã hội của lãnh đạo để lừa đảo

Trần Tuyền |

Ngày 28/3, theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Trị), thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nổi lên hoạt động các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tạo lập tài khoản giả mạo, chiếm đoạt tài khoản facebook, zalo của cán bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; người đứng đầu các huyện, thị xã, thành phố để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Diệu Thúy |

Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vừa được Công an huyện Hải Lăng (Quảng Trị) điều tra, khám phá thành công trong thời gian gần đây là một trong những vụ án lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn huyện. Qua vụ án, cơ quan công an cảnh báo người dân không nên tin tưởng vào các đối tượng hành nghề bói toán để tránh bị lừa đảo, “tiền mất, tật mang”.

Công an cảnh báo về chiêu thức lừa đảo: Giả vờ gửi nhầm tiền rồi yêu cầu trả lãi cắt cổ

Thanh Mai |

Người dân tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này.