Đây là một trong những hướng xử lý được các chuyên gia truyền thông đánh giá cao khi thương hiệu vô tình hợp tác với nghệ sĩ dính bê bối.
Những ngày qua sự việc Hoài Linh và ồn ào tiền từ thiện 13 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Trước sự việc này, ngày 27/5, sàn thương mại điện tử Shopee gỡ bỏ hầu hết hình ảnh của nghệ sĩ Hoài Linh, được sử dụng trong một chiến dịch marketing từ ngày 20/5 của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đình Thành, nhà đồng sáng lập Elite PR School, trước hết doanh nghiệp cần xác định bê bối của nghệ sĩ nghiêm trọng đến đâu và thuộc lĩnh vực nào (tính mạng con người, luật pháp, thuần phong mỹ tục, chuyên môn nghệ thuật hay đời tư...). Đối với mỗi sự việc, công chúng sẽ có phản ứng khác nhau từ đó mức độ ảnh hưởng thương hiệu cũng khác nhau. Cách xử lý của thương hiệu cũng phụ thuộc vào việc họ đang ở giai đoạn xây dựng nhận diện thương hiệu hay giữ thị phần.
Ông Tuấn Hà, nhà sáng lập kiêm CEO Vinalink cho biết theo một thống kê mới đây cho thấy tỷ lệ người phản đối sự xuất hiện của Hoài Linh lên đến 79%, do đó chiến dịch quảng cáo nào có sử dụng hình ảnh của Hoài Linh đều bị tẩy chay. Việc thương hiệu nào nhanh chóng dừng hợp tác sẽ nhận được cảm tình của người tiêu dùng. Ông Hà cho rằng, hành động gỡ bỏ các hình ảnh của Hoài Linh khỏi chiến dịch quảng cáo lần này của Shopee là hướng đi đúng đắn.
Ông Tuấn Hà cho rằng thiệt hại lớn nhất sẽ thuộc về những đơn vị đang và sắp sửa chạy chiến dịch quảng cáo.
"Những nhãn hàng đã từng làm việc với Hoài Linh giờ bị nhắc nhớ trở lại như trường hợp của thương hiệu mì Hảo Hảo thì sẽ không thể làm gì thêm dù thiệt hại có thể có. Tôi nghĩ sẽ khó có nhãn hàng nào mời Hoài Linh hợp tác trong năm nay", ông nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh doanh nghiệp cần xác định rõ rủi ro bị ảnh hưởng khi dùng hình ảnh người nổi tiếng để tăng nhận biết về thương hiệu và sản phẩm.
(Nguồn: Phụ nữ mới)