Quảng Trị đã và đang tập trung cao độ để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng, khai khoáng... trên địa bàn. Những dự án này được triển khai sớm sẽ tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho Quảng Trị trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Quảng Trị đã và đang tập trung cao độ để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng, khai khoáng... trên địa bàn. Những dự án này được triển khai sớm sẽ tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho Quảng Trị trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Nhiều điểm khó tiếp tục được tháo gỡ
Huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thực sự là 'kinh đô' điện gió của miền Trung với 31 dự án điện gió có tổng công suất 1.177 MW.
Trong 31 dự án được phê duyệt quy hoạch, đã có 2 dự án với tổng công suất 60MW đi vào hoạt động, 25 dự án với công suất hơn 987 MW đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư, 4 dự án với tổng công suất 130MW đang thực hiện thủ tục để cấp chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn còn đó với nhiều khó khăn, nhất là nhiều dự án điện gió đang chạy đua từng ngày, từng giờ để bảo đảm phát điện trước 1/11/2021 nhằm hưởng theo cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện gió của Chính phủ.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, nhà đầu tư các dự án điện gió đang thực hiện tại huyện Hướng Hóa: AMACAO Quảng Trị 1, Tài Tâm và Hoàng Hải cho biết doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong đó, đáng chú ý có việc giá đền bù, hỗ trợ đang được đẩy lên mức rất cao, ngoài khả năng chi trả của công ty. Người dân yêu cầu chủ đầu tư phải mua nguyên thửa đất với số tiền chênh lệch quá lớn so với đơn giá được nhà nước quy định…
Bên cạnh đó, hiện trên diện tích đất quy hoạch cho các dự án điện gió có trùng khoảng 37ha diện tích đất của Công ty Cổ phần Cao su Khe Sanh, do đó, việc thu hồi, chuyển giao đất còn gặp nhiều vướng mắc.
Liên quan vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần cao su Khe Sanh cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp để bàn giao diện tích đất trên cho doanh nghiệp điện gió thi công công trình theo chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. Trên thực tế, diện tích trên công ty chưa thực hiện được dự án là do tập quán canh tác tự do của người dân trên địa bàn, trước đó công ty cũng tốn nhiều kinh phí để cải tạo mặt bằng nên đề nghị doanh nghiệp điện gió hỗ trợ lại kinh phí đầu tư trên.
Để gỡ vướng cho nhà đầu tư, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị giao UBND huyện Hướng Hóa tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai dự án, không để tình trạng người dân cản trở thi công công trình xảy ra trên địa bàn; đồng thời cũng yêu cầu các nhà đầu tư rút kinh nghiệm về việc tổ chức đền bù không thông qua tư vấn của địa phương trong việc định giá dẫn đến giá đền bù của dự án trước gây khó khăn cho dự án sau.
Đối với việc xử lý diện tích đất dự án điện gió liên quan đến đất sản xuất của Công ty Cổ phần Cao su Khe Sanh, các đơn vị chủ động bàn bạc đi đến thống nhất giải quyết, trên cơ sở tạo điều kiện để hai bên cùng có lợi, cùng đạt đến mục tiêu phát triển lâu dài, xây dựng, giữ gìn mối quan hệ giữa nhà đầu tư và người dân để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội...
Có phương án cho các mỏ đá hết thời hạn khai thác
Mỏ đá khối A - Tân Lâm (huyện Cam Lộ) được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép cho 4 đơn vị khai thác bao gồm: Công ty cổ phần Thiên Tân, Công ty cổ phần Tân Hưng, Công ty cổ phần Xây dựng giao thông và Công ty TNHH Minh Hưng với diện tích khai thác trên 13 ha, thời hạn giấy phép 10 năm. Đến tháng 6/2022 giấy phép khai thác mỏ đá này hết thời hạn.
Theo đại diện các doanh nghiệp, sau khi mỏ đá khối A -Tân Lâm hết hạn khai thác thì sản lượng đá khai thác trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng trên 100.000m3/năm, không đủ nguồn đá để cung cấp cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, mỏ đá vôi khối D - Tân Lâm đang được quy hoạch để sản xuất xi măng đến năm 2021 nhưng chất lượng đá không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, các đơn vị này đề nghị các cấp xem xét để đưa mỏ đá vôi khối D - Tân Lâm ra khỏi quy hoạch sản xuất xi măng; đồng thời xin cấp phép cho 4 đơn vị trên khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong thời gian chờ ý kiến các cấp, các đơn vị khai thác trên đề nghị UBND tỉnh xem xét cho các đơn vị tiếp tục khai thác âm thêm tại mỏ khối A.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng, với đề xuất khai thác âm tại mỏ khối A, các doanh nghiệp khai thác cần phải khảo sát, đánh giá lại tình hình, nghiên cứu các phương án phù hợp trình UBND tỉnh. Đồng thời, giao các ngành chức năng xem xét, thẩm định báo cáo UBND tỉnh quyết định.
Đối với đề xuất điều chỉnh quy hoạch từ mỏ đá vôi khối D - Tân Lâm ra khỏi quy hoạch sản xuất xi măng, đồng thời xin cấp phép cho 4 đơn vị khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường.
Ông Hà Sỹ Đồng yêu cầu các đơn vị khai thác cần xem xét các yếu tố liên quan theo đúng quy định trên tinh thần đảm bảo sự đồng thuận của các địa phương và nhân dân tại khu vực khai thác, đảm bảo hài hoà mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, chủ động phối hợp khảo sát thêm các vị trí đủ điều kiện khai thác khác để có thêm phương án điều chỉnh phù hợp.
Việc đồng hành, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tỉnh Quảng Trị sẽ giúp dự án sớm được triển khai, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư Quảng Trị.