Từ đầu năm đến nay, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước. Do đó các địa phương cần theo dõi để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Ngày 5/6, tại Quảng Ngãi, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị triển khai công tác thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2020 khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, từ đầu năm đến nay, một số khu vực ở Trung Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm (TBNN), đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương.
Vào thời điểm cao nhất (cuối tháng 3, đầu tháng 4) có 2.990ha cây trồng, chủ yếu là lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, trong đó Thừa Thiên Huế 178ha, Quảng Nam 500ha, Bình Định 230ha, Phú Yên 684ha, Khánh Hòa 450ha, Ninh Thuận 398ha, Bình Thuận 550ha....
Về ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, hiện đang có 34.724 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Cụ thể, Quảng Bình 3.300 hộ, Quảng Ngãi 1.625 hộ, Phú Yên 1.100 hộ, Ninh Thuận 2.399 hộ, Bình Thuận 26.300 hộ...
Khu vực Tây Nguyên, thời điểm cao nhất trong vụ Đông Xuân có 27.387ha cây trồng bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước và hiện nay có khoảng gần 7.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Mùa mưa ở hầu hết các địa phương bắt đầu từ tháng 9 nên lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Trong khi đó, dung tích các hồ chứa trong vùng lại đang ở mức thấp.
Hiện dung tích các hồ chứa của các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đạt 59% dung tích thiết kế (DTTK), thấp hơn năm 2018 khoảng 5%, gần tương đương so với các năm 2016, 2019. Dung tích các hồ chứa trong vùng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đạt 45% DTTK, thấp hơn các năm 2018, 2019 khoảng 19%.
Dung tích trữ hiện tại các hồ chứa khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 26-41% DTTK. Mùa mưa trong khu vực đã bắt đầu từ tháng 5, sản xuất vụ mùa trong thời gian mùa mưa nên nguồn nước sẽ cơ bản được đảm bảo.
Cần chủ động các phương án
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ Hè Thu năm nay, diện tích đất trồng lúa có khả năng bỏ đất trống không sản xuất do thiếu nước khoảng 44,3 nghìn ha, trong đó Bình Thuận khoảng 26,7 nghìn ha, Ninh Thuận khoảng 10,8 nghìn ha, Bình Định khoảng 5,0 nghìn ha, Quảng Ngãi khoảng 1,8 nghìn ha.
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, hầu như không có mưa trên địa bàn tỉnh, lượng mưa thấp hơn khoảng 60% so với TBNN trong khi đó nắng nóng kéo dài, lượng nước còn lại trung bình trong các hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn khoảng 40% DTTK.
Theo kế hoạch, vụ Hè Thu 2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi gieo trồng 58.143 ha (lúa 35.170 ha, màu và cây trồng khác 22.973 ha) nhưng do hạn hán, thiếu nước tưới, nên các địa phương trong tỉnh đã chủ động không sản xuất 1.854 ha, chuyển đổi cây lúa sang cây trồng cạn 710 ha.
Với tình hình nắng nóng kéo dài và không mưa như hiện nay thì khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước là rất cao, dự kiến có khoảng 12.714,0 ha cây trồng bị thiếu nước và thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 12.000 người.
Hiện tại địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn theo các phương án được duyệt ngay từ đầu năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn theo các kịch bản có thể xảy ra, huy động nguồn lực để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện các giải pháp tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công điện số 601/C Đ-TTg ngày 12/5/2020 về việc tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
(Nguồn: VGP News)