Thông tin thêm về vụ án “Buôn lậu” gỗ trắc xảy ra tại Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng: Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao vào cuộc

Lê Minh |

Nguồn tin Báo Quảng Trị ngày 25/7/2021 cho biết, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã vào làm việc với các cơ quan, đơn vị tại Quảng Trị nhằm ghi nhận các ý kiến, quan điểm để có cơ sở giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật theo kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Trong vụ án “Buôn lậu” gỗ trắc xảy ra tại Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng, bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt ông Trương Huy Liệu (sinh năm 1959), Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng 7 năm tù và bà Trần Thị Dung (sinh năm 1961), Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.


Hội Luật gia Quảng Trị kiến nghị 3 vấn đề

Trả lời Báo Quảng Trị ngày 26/7/2021, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Võ Công Hoan cho biết, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Uỷ ban MTTQVN tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và các luật sư, chuyên gia pháp luật đầu ngành của tỉnh để tiếp nhận các quan điểm pháp lý xung quanh việc giải quyết vụ án. Ông Võ Công Hoan cho hay, về phía Hội Luật gia tỉnh đã kiến nghị 3 vấn đề gồm:

Công ty TNHH Ngọc Hưng Quảng Trị (Công ty Ngọc Hưng) là doanh nghiệp kinh doanh được phép xuất, nhập khẩu gỗ, việc nhập khẩu 535,8 m3 gỗ từ Lào về Việt Nam, lô hàng này được nhập khẩu hợp pháp. Công ty đã mở tờ khai hải quan, nộp thuế VAT theo quy định của pháp luật hiện hành, Hải quan Quảng Trị cho thông quan. Quá trình giải quyết vụ án, thì việc xác định lô gỗ này có nhiều số liệu khác nhau. Giám định lần 1 số lượng gỗ là 453,103 m3, giám định lần 2 thì số lượng gỗ lên đến 614,672 m3. Cùng là một cơ quan giám định (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, gọi tắt là VST&TNSV) cho kết quả giám định 2 lần có số lượng khác nhau, phải chăng tăng số lượng gỗ nhiều hơn so với số lượng trong vận đơn 535,8 m3 gỗ của Công ty Ngọc Hưng đã kê khai để có căn cứ Cục Hải quan khởi tố? Tòa án khi xét xử căn cứ vào kết quả giám định lần 2 để quy buộc 78 m3 gỗ là buôn lậu. Đề nghị Cơ quan điều tra VKSND tối cao xem xét lại việc giám định khối lượng gỗ 2 lần của một cơ quan có số liệu khác nhau, Tòa chấp nhận giám định lần 2 để quy buộc “Buôn lậu” 78 m3 gỗ là mâu thuẫn.
Các bị cáo trong vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng trong phiên xét xử phúc thẩm - Ảnh: TL
Các bị cáo trong vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng trong phiên xét xử phúc thẩm - Ảnh: TL

Vụ án đang trong quá trình điều tra, giải quyết có sự trả qua lại hồ sơ để làm rõ có buôn lậu hoặc không buôn lậu toàn bộ số gỗ mà Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu, nhưng chỉ sau 2 năm từ khi bắt giữ (30/12/2011-27/12/2013), Cơ quan điều tra Bộ Công an cho xử lý vật chứng bất chấp kết luận của cuộc họp liên ngành là “chuyển toàn bộ lô gỗ vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền”. Việc bán vật chứng không chỉ vi phạm quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 và Thông tư liên ngành số 06/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Chúng tôi cho rằng đây là sự cố ý vi phạm vì chính các văn bản pháp luật liên quan đến xử lý vật chứng từ các cơ quan tư pháp trung ương xây dựng để ban hành nhưng chính mình lại vi phạm.

Đề nghị Cơ quan điều tra VKSND tối cao xem xét làm rõ có động cơ lợi ích nhóm trong việc xử lý tang vật này để quy buộc Công ty Ngọc Hưng, mà đại diện là vợ chồng ông Trương Huy Liệu buôn lậu số lượng gỗ đã nhập khẩu hợp pháp và có tư lợi trong việc bán đấu giá vật chứng.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự khi giải quyết một vụ án, vật chứng là vật, tiền bạc thuộc sở hữu của nhà nước, tổ chức, cá nhân hợp pháp thì phải trả lại cho chủ sở hữu. Nhưng Tòa án lại tuyên số tiền bán đấu giá lô gỗ gần 64 tỉ đồng, tịch thu nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 4,1 tỉ đồng, số tiền còn lại gần 59,6 tỉ đồng được chuyển cho Tổng Cục Hải quan để xem xét xử lý về hành vi vi phạm hành chính do Công ty Ngọc Hưng khai sai thực tế về tên hàng theo quy định. Thật bất nhất, 535,8 m3 gỗ hợp pháp thì phải trả lại cho chủ sở hữu, nếu bán đi rồi thì phải trả lại tiền theo giá trị hiện nay cho doanh nghiệp, chỉ tịch thu giá trị của 78 m3 gỗ bị coi là “chưa hợp pháp”, phải chăng để hợp pháp sai phạm bán đấu giá vật chứng trái pháp luật trước đó của cơ quan điều tra.

“Chúng tôi kiến nghị Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong khi xem xét việc ra quyết định trái pháp luật thì xem xét việc án phúc thẩm xử lý giải quyết tang vật của Tòa án theo quy định của pháp luật”, ông Võ Công Hoan cho hay.

Kiến nghị giám đốc thẩm

Ngày 21/7/2021, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng đề nghị Quốc hội giám sát vụ án “Buôn lậu” gỗ trắc xảy ra tại Quảng Trị và thành phố Đà Năng từ năm 2011. Ông Hoàng Đức Thắng cho rằng: “Vụ án gỗ trắc ở Quảng Trị xảy ra cách đây gần 10 năm, với nhiều vi phạm của cơ quan tố tụng, có dấu hiệu oan sai, mà dư luận xã hội, Nhân dân, cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, nhiều đoàn ĐBQH đã báo cáo, giám sát, kiến nghị những năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Trước kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã báo cáo kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tổ chức giám sát để sớm kết luận, trả lời thỏa đáng; nếu không sẽ tạo thêm bức xúc, ảnh hưởng lớn đến niềm tin cử tri và Nhân dân với hoạt động của Quốc hội”. Để tránh oan sai, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị có kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đề nghị giám sát vụ án và yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án hình sự phúc thẩm số 187/HSPT ngày 26/7/2019 của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng.

Trước đó, ngày 7/11/2019, Báo Quảng Trị có bài viết phản ánh về toàn bộ diễn biến nội dung vụ việc. Trong bài báo thể hiện quan điểm về chứng cứ buộc tội trong vụ án có nhiều điểm khuất tất, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, chứng cứ duy nhất để Tòa phúc thẩm buộc tội “Buôn lậu” đối với vợ chồng ông bà Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung là chênh lệch khối lượng gỗ giữa Kết luận giám định lần 2 của VST&TNSV. Kết luận số 783 (lần 2) của VST&TNSV thể hiện toàn bộ lô gỗ có thể tích là 614,672 m3 , trong đó có 590,843 m3 gỗ trắc và 23,828 m3 gỗ giáng hương, tăng 161,568 m3 so với kết quả giám định lần thứ nhất.

Theo ông Hoàng Đức Thắng, Kết luận số 783 do VST&TNSV ban hành không đảm bảo tính pháp lý vì 3 lý do sau: Thứ nhất, theo xác định của hội đồng xét xử thì VST&TNSV là cơ quan “không có kiến thức chuyên môn để xác định khối lượng gỗ” nhưng vẫn được cơ quan điều tra trưng cầu giám định. Do không có kiến thức chuyên môn để xác định khối lượng gỗ nên VST&TNSV làm công văn mời cơ quan Kiểm lâm vùng 2 tham gia giám định. Cơ quan Kiểm lâm vùng 2 lại không được cơ quan điều tra trưng cầu giám định. Như vậy, các cơ quan tiến hành giám định và cho ra Kết luận số 783 vừa không có năng lực chuyên môn, vừa không có nhiệm vụ thực hiện việc giám định.

Thứ hai, tất cả các thành viên của VST&TNSV cũng như Kiểm lâm vùng 2 tham gia giám định nhưng họ đều không phải là giám định viên tư pháp hoặc là người giám định tư pháp theo vụ việc. Có nghĩa là họ không có tư cách để giám định tư pháp trong vụ án này.

Thứ ba, phương pháp giám định khối lượng gỗ không đúng quy định của pháp luật. Tại thời điểm lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu, xuất khẩu thì phương pháp đo, tính khối lượng gỗ được áp dụng theo quy định tại Điều 6 Quyết định 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 và Điều 2, Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN ngày 1/6/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo đó, trong thỏa thuận giao dịch mua bán cũng như khai báo trên tờ khai hải quan đối với các mặt hàng gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp được Công ty Ngọc Hưng sử dụng phương pháp đo, tính khối lượng theo đơn vị tính là mét khối, còn gỗ trắc tròn tận dụng gốc, cành, ngọn được đo bằng ste, quy đổi 1 ste = 0,7 m3 gỗ tròn là đúng quy định của pháp luật. Trong khi đó, cơ quan giám định đã áp dụng phương pháp cân trọng lượng để quy đổi ra khối lượng đối với gỗ tròn, gỗ đẽo hộp, gỗ tận dụng gốc, cành, ngọn đều sai quy định pháp luật; đối với gỗ xẻ càng sai.

Từ đó, khẳng định Kết luận số 783 ban hành bởi VST&TNSV được cơ quan điều tra trưng cầu giám định nhưng không có đủ kiến thức chuyên môn và Kiểm lâm vùng 2 có chuyên môn thì không được cơ quan điều tra trưng cầu giám định; cùng với những người không có tư cách giám định, việc áp dụng phương pháp giám định không đúng quy định của pháp luật đã làm phát sinh tăng số gỗ trong Kết luận giám định so với số gỗ thực tế doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, đã làm sai lệch nghiêm trọng bản chất vụ án. Và do đó, Hội đồng xét xử căn cứ Kết luận 783 để buộc tội các bị cáo là không đảm bảo cơ sở pháp lý, không đáng tin cậy và không thể được xem là chứng cứ buộc tội.

Liên quan đến việc bán tang vật của vụ án đang trong giai đoạn điều tra, trong năm 2019, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao lần lượt ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an về tội “Ra quyết định trái pháp luật”, quy định tại Điều 371 Bộ luật Hình sự. Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong quá trình điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Phan Văn Vĩnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thời điểm đó đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Kỳ án "buôn lậu gỗ trắc": Tiếp tục kiến nghị giám sát về dấu hiệu oan sai

Lâm Chí Công |

Liên tục nhận đơn kêu oan của doanh nghiệp và các bị can liên quan đến kỳ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và TP.Đà Nẵng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng nhận thấy có dấu hiệu oan sai và vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong quá trình tố tụng, nên đơn vị này đã có nhiều văn bản kiến nghị, chất vấn.

Tình hình gỗ lậu ở Lào tiếp tục diễn biến phức tạp

Tổng hợp |

Hàng nghìn mét khối gỗ lậu được nhà chức trách Lào phát hiện, thu giữ hàng năm sau các đợt truy quét theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh gỗ trong nước.

Gỗ lậu vẫn là vấn đề nhức nhối tại Lào

Tổng hợp |

Bất chấp việc Chỉ thị 15 của Thủ tướng Lào đang được tiếp tục thực thi nghiêm ngặt, vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn tiếp tục được quan tâm nhiều mặc dù đã giảm bớt trong những năm gần đây.

Bắt vụ pháo và gỗ lậu qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo

Xuân Thế - Phan Vĩnh |

Ngày 12/12/2020, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) cho biết đơn vị vừa phối hợp với Chi cục Hải quan CKQT Lao Bảo bắt giữ 1.036 kg và 2.245 kg gỗ chưa xác định được chủng loại (nghi là gỗ trắc) lậu qua cửa khẩu.