Thu ngân sách năm 2022 ước tính vượt dự toán hơn 200.000 tỷ đồng, riêng dầu thô vượt 40.000 tỷ đồng

An Ly |

Theo Bộ Tài chính, cả năm thu NSNN ước đạt gần 1.614,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán, ước tính khoảng 202.400 tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô ước tính vượt thu ngân sách gần 40.000 tỷ đồng và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến vượt thu 47.000 tỷ đồng.

Theo đó, Bộ Tài chính nhất trí với các ý kiến cho rằng việc thu NSNN năm 2022 ước vượt khá lớn so với dự toán. Tuy nhiên, do công tác đánh giá ước thu năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động nghiêm trọng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội, việc dự toán thu NSNN năm 2022 trình Quốc hội tăng 3,4% so với ước thực hiện thu NSNN năm 2021 là khá thận trọng.

Về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, Dự toán thu cân đối NSNN là 1.411,7 nghìn tỷ đồng. Thực hiện 9 tháng đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ năm 2021.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đánh giá thực hiện cả năm thu NSNN ước đạt gần 1.614,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với thực hiện năm 2021; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 17,2% GDP, trong đó từ thuế và phí đạt khoảng 13,9% GDP. Phần vượt thu ngân sách ước tính khoảng 202.400 tỷ đồng.

Trong đó, dự toán thu nội địa là 1.176,7 nghìn tỷ đồng. Thực hiện thu 9 tháng đạt 1.045,8 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ. Đánh giá ước thu nội địa cả năm 2022 đạt khoảng 1.292,3 nghìn tỷ đồng, vượt 9,8% so dự toán (tăng 115,6 nghìn tỷ đồng), giảm 0,9% so thực hiện năm 2021.

Đáng chú ý là ước thực hiện thu từ dầu thô cả năm đạt 68.000 tỷ đồng, vượt 141,1% so dự toán (tương đương 39.800 tỷ đồng), tăng 52,3% so thực hiện năm 2021. Dự toán thu từ dầu thô 28.200 tỷ đồng trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước 7 triệu tấn, giá bán 60 USD/thùng. Thực hiện thu 9 tháng đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, vượt 113% so dự toán.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu dự toán là 199.000 tỷ đồng; thực hiện 9 tháng đạt 216,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108,8% so dự toán. Đánh giá thực hiện cả năm, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 246.000 tỷ đồng, vượt 23,6% so dự toán (47.000 tỷ đồng), tăng 14% so thực hiện năm 2021.

Thu viện trợ dự toán đạt 7.800 tỷ đồng; thực hiện 9 tháng đạt 4.940 tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán. Ước thực hiện cả năm thu đạt dự toán.

Về chi ngân sách, dự toán chi cân đối NSNN là 1.784,6 nghìn tỷ đồng; thực hiện 9 tháng bằng 60,9% dự toán. Ước chi NSNN cả năm đạt 2.035,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so dự toán.

Trước ý kiến cho rằng thu NSNN năm 2023 như Chính phủ xây dựng chưa phù hợp so với khả năng, có thể giảm không gian về chính sách tài khóa, cần dự toán thu cao hơn và cần xây dựng theo nguyên tắc căn cứ NSNN 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tính đến tác động của chính sách thuế mới, Bộ Tài chính cho rằng hiện cơ cấu thu NSNN gồm các khoản: thu từ dầu thô, thu xuất nhập khẩu, thu viện trợ, thu tiền sử dụng đất, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất.

Trong đó, một số nguồn thu không theo tăng trưởng kinh tế, như dầu thô (phụ thuộc vào năng lực khai thác dầu thô trong nước và giá dầu thô trên thế giới); thu tiền sử dụng đất; thu từ xuất nhập khẩu.

Với dự toán thu năm 2023, Chính phủ trình Quốc hội 1.620 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022, do có 4 khoản thu (từ dầu thô, tiền sử dụng đất, xuất nhập khẩu, viện trợ) bị giảm khoảng 80.000 tỷ đồng, tương đương 5% tăng trưởng, theo Zing.

Riêng thu nội địa không kể tiền sử dụng đất (nguồn gốc từ phát sinh kinh tế) đã được xây dựng dự toán bám sát định hướng về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và vẫn còn rủi ro từ bối cảnh bất ổn của nền kinh tế thế giới, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái.

Chưa kể, thực tiễn các năm qua cho thấy thu NSNN thường không sát với tăng trưởng GDP do có độ trễ sau những biến động lớn về kinh tế.

(Nguồn: Tổng hợp/ Phụ nữ mới)

Nỗ lực hết sức, tháo gỡ đến cùng để giải ngân vốn đầu tư công

Đình Nam |

Ngày 26/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh các mức lãi suất điều hành

B.T |

Bám sát nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay

Hà Trang |

Ngày 18/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng dự hội nghị.

Ngân hàng Sacombank đang hoạt động rất tốt và hoàn toàn không liên quan đến ngân hàng SCB

Khánh Vân- Khánh An |

Những ngày qua, trước hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), NHNN đã khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng này hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.