Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) thực trạng người dân xâm lấn rừng phòng hộ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là một số rừng tự nhiên đã bị người dân chặt hạ. Với hành vi sau khi lấn chiếm rừng tự nhiên xong, người dân trồng rừng trên khu vực lấn chiếm và sau đó tự nhận đất của mình.
Ông Hồ Văn Bình ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, vừa bị lực lượng chức năng phát hiện khi đang có hành vi lấn chiếm 450m2 rừng tự nhiên, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải. Ông Hồ Văn Bình, thôn Xóm Mới, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Mình thấy rừng trống là mình phát, mình không nắm rõ đâu là rừng phòng hộ. Mình phát xong mình trồng tràm. Mình biết mình sai, nhưng mình phải làm, vì không làm thì không có gì ăn.”
Hiện tại, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, được Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải bàn giao hơn 600ha rừng để giao lại cho người dân quản lý và sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xã mới chuyển giao cho người dân khoảng trên 20 ha.
Ông Hồ Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Đất mà giao cho xã thì ở đó là vừa có đất sản xuất và vừa có rừng phòng hộ. Vì xã chưa bàn giao, nên người dân chưa hiểu được. Xã đang rà soát lại đâu là đất dân sản xuất, đâu là đất rừng phòng hộ.”
Chính sự chậm trễ của chính quyền địa phương cấp cơ sở trong việc giao rừng cho người dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân lấn chiếm đất rừng của nhà nước. Hiện một số nơi rừng tự nhiên người dân lấn chiếm, trong đó có nhiều loại cây đường kính 30cm đến 50cm bị người dân đốn hạ. Vấn đề lấn chiếm rừng tự nhiên ở địa bàn huyện Vĩnh Linh đang diễn biến khá phức tạp.
Ông Hoàng Duy Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải Quảng Trị . “Ban quản lý rừng phòng hộ cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm tuyên truyền, nhắc nhở bà con tại các cuộc họp ở thôn, bản, đồng thời ban cũng đã lập 3 chốt cố định, cử lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, chốt ngay tại điểm đó, để ngăn ngừa bà con xâm lấn.”
Thiết nghĩ, bên cạnh việc xử lý nghiêm người dân xâm lấn cũng như khai thác rừng, chính quyền địa phương cần có giải pháp an sinh cho những hộ dân sống gần rừng, để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Có như vậy tình trạng xâm hại rừng sẽ giảm, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng trên địa bàn.
(Nguồn: QRTV)