Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào năm 1971 đã tạo ra cục diện và thời cơ mới đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển đến thắng lợi hoàn toàn. Những kinh nghiệm, bài học đúc rút từ chiến thắng này có giá trị lịch sử và hiện thực, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ngày 19.3, tại TP.Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào 1971 – Giá trị lịch sử và hiện thực”.
Có hơn 80 tham luận của lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu... và các bài viết của nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971 gửi tới hội thảo.
Các tham luận đã đề cập đến nhiều khía cạnh, tập trung làm rõ Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào 1971 là một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; chiến thắng này thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta; Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; chiến thắng này đã đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đặc biệt Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào biểu hiện sinh động liên minh đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào.
Được biết, trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, trải qua hơn 50 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 3.1 đến 23.3.1971), quân và dân Mặt trận Đường 9 - Nam Lào đã giáng nhiều đòn chí mạng, gây tổn thất rất lớn cho quân đội ngụy và quân Mỹ. Cụ thể, đã tiêu diệt 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn và 5 tiểu đoàn bộ binh, 4 thiết đoàn tăng - thiết giáp, 8 tiểu đoàn pháo binh; đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn bộ binh, 1 liên đoàn biệt động quân, 1 lữ đoàn và 3 tiểu đoàn khác; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21 nghìn tên địch (bắt 1.142 tên).
Sự phối hợp tác chiến chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng vũ trang địa phương và các đơn vị chủ lực trong quá trình diễn ra chiến dịch đã hoàn thành mục tiêu đặt ra: Làm thất bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch, phát triển mạnh mẽ thế chiến lược tiến công không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà cả cách mạng ba nước Đông Dương, tạo thế và lực mới, tạo ra so sánh lực lượng và thế trận có lợi cho cuộc đấu tranh vũ trang tiến tới giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971; là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và hội sau. Kết quả của hội thảo sẽ góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Ông Lê Quang Tùng – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nói rằng, địa phương rất vui mừng, trân trọng sáng kiến của Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học nhằm đánh giá, khẳng định tầm vóc to lớn, giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào với sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Hội thảo cũng là dịp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, với quân và dân Lào anh em nói chung, quân và dân hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhẹt nói riêng, đã không quản ngại gian khổ, hy sinh xương máu vì sự trường tồn của hai dân tộc, vì mối quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.