Đêm 24/7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Quảng Trị sẽ phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng hòa bình” tại Quảng trường Giải phóng thị xã Quảng Trị nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2022). Chương trình do Báo Thanh Niên và Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức. Dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông ĐẶNG LÊ MINH TRÍ -Tổng đạo diễn chương trình và được ông “bật mí” nhiều chi tiết thú vị.
-Xin chào ông, trước khi là Tổng đạo diễn chương trình “Khát vọng hòa bình” thì ý niệm về hòa bình là như thế nào đối với ông?
- Chúng tôi thuộc thế hệ sinh ra khi nước nhà đã thống nhất, lớn lên trong hòa bình. Khi còn bé, tôi và nhiều bè bạn của mình chẳng bao giờ đặt câu hỏi hòa bình là gì, vì đó là điều hiển nhiên đang tồn tại xung quanh chúng tôi. Tôi cũng vậy, khi biết về chiến tranh qua các trang sách đầu tiên trên ghế nhà trường, tôi mới ý thức được rõ về niềm hạnh phúc và may mắn của bản thân khi được sống trong hòa bình.
Chúng ta là một dân tộc quật cường, bất khuất, yêu chuộng hòa bình, đó luôn là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam trong đó có tôi. Khi thực hiện các chương trình nghệ thuật, với đề tài này bao giờ tôi cũng tràn đầy cảm hứng sáng tạo.
-Ông đến với chương trình “Khát vọng hòa bình” trong tâm thế như thế nào?
-Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình” được tôi và ekip xây dựng ý tưởng trong khoảng thời gian hơn 3 tháng sau nhiều chuyến đi thực tế vào Quảng Trị. Chúng ta đều biết đây là mảnh đất diễn ra chiến sự có thể nói là ác liệt nhất trong cuộc chiến giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Khi đặt thông điệp “hòa bình” vào một địa danh như thế, cá nhân tôi mới thấy ý nghĩa biết nhường nào. Trong sự tận cùng khốc liệt của bom đạn chiến tranh, khát vọng hòa bình lại tỏa sáng hơn bao giờ hết. Đó là bản hùng ca xuyên suốt qua hai thế kỷ cho đến tận hôm nay.
Câu chuyện “Khát vọng hòa bình” trong chương trình của chúng tôi ở một khía cạnh nào đó không có sự giới hạn về mặt thời gian. Bởi khát vọng đó đã luôn được cha ông ta xây đắp theo dòng lịch sử dựng nước, giữ nước. Tuy nhiên nếu để nói về một sự khắc họa rõ nét thì chúng tôi lựa chọn hành trình tròn 50 năm kể từ mùa hè đỏ lửa 1972 cho tới hôm nay. Đó là câu chuyện của một thế hệ anh hùng đã gác lại ước mơ, hạnh phúc cá nhân, sẵn sàng bước vào cuộc chiến giành lại toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc, đó là sự thấu cảm, hồi sinh thấm đượm tinh thần dân tộc trên hành trình tái thiết lại quê hương sau chiến tranh và đặc biệt là thông điệp của chính những bạn trẻ hôm nay đóng góp tâm sức dựng xây quê hương, đồng thời dành sự tri ân chân thành nhất tới các thế hệ cha anh trong quá khứ anh hùng.
-Với những gì ông đã nói trên thì liệu ông có gặp những áp lực nào khi thực hiện chương trình này và ông có sợ đi theo lối mòn mà những người khác đã từng đi?
-Chúng ta đều biết đã có rất nhiều chương trình được làm tại Quảng Trị để kỷ niệm cuộc chiến đấu anh dũng suốt 81 ngày đêm của quân dân ta, gìn giữ từng khoảng trời, tấc đất quê hương. Trên phương diện nghề nghiệp, tôi không đưa ra sự so sánh về cách thức thể hiện. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng bản thân mình và ekip đã đưa ra giải pháp nghệ thuật phù hợp nhất. Đó là sự tổng hòa của các thủ pháp sân khấu ngay trên không gian biểu diễn thực cảnh, mang trong đó sự chân thực cùng những xúc cảm thẳm sâu, với ngôn ngữ văn học, tạo hình bám sát vào các chi tiết, số phận có thật tại nơi đây trong khoảng thời gian nửa thế kỷ qua. Về việc ứng dụng công nghệ biểu diễn hiện đại thì đây có lẽ là lần đầu tiên công nghệ 3D mapping, cùng những “thực cảnh” bên dòng Thạch Hãn huyền thoại sẽ trở thành phần nền sống động nhất cho các cảnh diễn. Chúng tôi hy vọng sẽ truyền tải được thông điệp của chương trình, đồng thời mang đến cho khán giả có mặt trong đêm biểu diễn cũng như khán giả truyền hình cả nước sự rung động, cảm xúc và trên hết là niềm tự hào khi hòa mình vào câu chuyện “Khát vọng hòa bình”.
-Ông có thể “bật mí” cho công chúng được biết về những điều mới mẻ, sẽ có trong “Khát vọng hòa bình” lần này?
Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí có hơn 15 năm kinh nghiệm ở vị trí tổng đạo diễn các chương trình lớn cho nhiều bộ, ban, bộ, ban,ngành, cùng các tập đoàn và thương hiệu hàng đầu trong nước. Sở trường của ông là đạo diễn các chương trình lễ hội, sự kiện; xây dựng sáng tạo các concept truyền thông, chương trình truyền hình thực tế… Ông cũng là khách mời cho một số ch một số chương trình của VTV1, VTV2; là giảng viên thỉnh giảng cho Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Đại học Công nghiệp… Ngoài ông Trí, ekip thực hiện chương trình với hàng loạt tên tuổi hàng đầu hiện nay: Giám đốc âm nhạc Dương Cầm; đạo diễn ánh sáng Nguyễn Ngọc Lâm; giám đốc kỹ thuật Phan Hải Linh; họa sĩ thiết kế sân khấu Phùng Nam Thắng; điều phối sự kiện Trương Hữu Lâm; biên đạo múa Hải Trường… cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác.
-Đây là chương trình nghệ thuật thực cảnh lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp trên VTV1 thực hiện kết nối trục tâm linh Thành Cổ - Quảng trường Giải phóng - Bến thả hoa bờ Nam - bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn. Không chỉ là các nghệ sĩ hàng đầu mà tất cả các thế hệ, từ các em thiếu nhi tới những cựu chiến binh, những người con Việt Nam (trong nước và quốc tế) đều sẽ xuất hiện trong chương trình. Bên cạnh đó là hình ảnh của bạn bè quốc tế - những người Mỹ đã thực sự thấu cảm, đã và đang hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng nắm tay nhau chung hướng vì hòa bình, hạnh phúc. Âm nhạc chương trình được lựa chọn đầy sự tinh tế, nhiều bài được hòa âm phối khí mới sẽ tạo ra những thanh âm của cảm xúc rất đặc biệt cho khán giả. Nhiều cảnh diễn thực cảnh được dàn dựng công phu, với sự kết hợp của ánh sáng, công nghệ 3D Mapping cùng các ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ múa…
-Nếu để gói gọn về cả chương trình nghệ thuật này, ông sẽ dùng từ gì để diễn đạt?
-Tôi và các cộng sự đang nỗ lực hết mình để có thể hiện thực hóa những điều muốn truyền tải. Thành thật chia sẻ rằng có lẽ đây là chương trình mang lại nhiều cảm xúc nhất với tôi khi bắt tay thực hiện. Giờ đây thì có cả sự hồi hộp, lo lắng nhưng điều tuyệt vời nhất là càng làm càng thấy cảm xúc bản thân được thăng hoa. Nếu để khái lược suy nghĩ về chương trình này, tôi sẽ chọn hai chữ “tự hào”. Tự hào về các thế hệ cha anh đi trước. Tự hào về mảnh đất Quảng Trị trên quê hương Việt Nam và tự hào khi được cùng các đồng nghiệp thực hiện chương trình này.
-Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)