Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, đáng chú ý là sẽ trừ điểm giấy phép lái xe thay vì tịch thu bằng lái như trước.
Với dự luật này, Bộ Công an đã tiếp thu, bổ sung điểm mới so với các dự thảo lần trước như: Quy định "trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý hành chính nhà nước không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, dự luật bổ sung giấy phép lái xe sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, phải sát hạch lại; giấy phép lái xe còn điểm được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.
Dự kiến 12 điểm trong giấy phép lái xe được số hóa, người vi phạm sẽ bị trừ điểm ngay sau khi vi phạm, bị cảnh sát lập biên bản. Số điểm bị trừ sẽ báo vào điện thoại và tài xế có thể thường xuyên tra trên hệ thống để biết được mình còn bao nhiêu điểm.
Sẽ trừ điểm giấy phép lái xe thay vì tịch thu bằng lái như trước. Ảnh: Tổng cục Đường bộ
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện Nghị định 100 có gần 3.000 lỗi vi phạm giao thông bị xử lý, trong đó riêng hành vi bị tước chiếm 33% với gần 1.000 lỗi.
"Việc tước bằng lái xe quá nhiều là không cần thiết vì sau đó khi xin lại bằng, tài xế vẫn xem như chưa vi phạm gì", thành viên ban soạn thảo nhìn nhận. Với quy định trừ điểm, khi Luật này được thông qua, chỉ với các lỗi nghiêm trọng tài xế mới bị tước bằng, còn lại sẽ trừ điểm vào bằng lái, buộc người tham gia có ý thức hơn.
Đánh giá về dự luật này, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, quy định trừ điểm bằng lái được xây dựng rất phù hợp tình hình giao thông Việt Nam; và thực hiện nghiêm chỉnh có thể góp phần mang lại chuyển biến về trật tự an toàn giao thông. Trên cơ sở quy định này, các cơ quan liên quan có thể sử dụng dữ liệu được lưu trữ để tạo cơ chế khuyến khích người dân chấp hành tốt Luật Giao thông.
Theo ông Quyền, để việc này được công khai, minh bạch, đòi hỏi cơ quan thực thi phải áp dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu dùng chung để các cơ quan quản lý, người dân cùng giám sát. Đơn vị chủ trì sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tiêu cực.
(Nguồn: Báo Lao Động)