UNESCO đề xuất nên cấm điện thoại thông minh tại các trường học trên toàn thế giới để cải thiện khả năng học tập của học sinh, bảo vệ trẻ em khỏi bắt nạt qua mạng.
Trong báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tuyên bố có bằng chứng cho thấy việc sử dụng điện thoại di động quá mức liên quan đến giảm hiệu suất học tập và thời gian sử dụng thiết bị điện tử lâu có tác động tiêu cực đến ổn định cảm xúc của trẻ em.
Theo UNESCO, lời kêu gọi cấm điện thoại thông minh gửi thông điệp rõ ràng toàn bộ công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI), phải luôn phụ thuộc vào “tầm nhìn lấy con người làm trung tâm” của giáo dục và không bao giờ thay thế được tương tác trực tiếp với giáo viên.
UNESCO đồng thời cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không nên áp dụng công nghệ kỹ thuật số một cách thiếu thận trọng và cái mới không phải lúc nào cũng tốt hơn. Cơ quan này còn cho rằng tác động tích cực của nó đối với kết quả học tập và hiệu quả kinh tế có thể bị phóng đại.
Với việc học trực tuyến ngày càng thịnh hành, đặc biệt là ở các trường đại học, UNESCO đề xuất các nhà hoạch định chính sách không bỏ qua “khía cạnh xã hội” của giáo dục nơi sinh viên được giảng dạy trực tiếp.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay kết luận: “Kết nối trực tuyến không thể thay thế cho sự tương tác giữa con người với con người”.
UNESCO cũng lưu ý rằng các quốc gia cần đảm bảo mục tiêu và nguyên tắc rõ ràng để công nghệ kỹ thuật số trong giáo dục có lợi và tránh gây hại cho sức khỏe của từng học sinh cũng như dân chủ và nhân quyền.
Theo UNESCO, việc học sinh sử dụng công nghệ quá mức hoặc không phù hợp trong lớp học hoặc ở nhà, cho dù là điện thoại thông minh, máy tính bảng hay máy tính xách tay, có thể gây mất tập trung, gián đoạn và dẫn đến tác động bất lợi cho học tập. Cơ quan này còn trích dẫn dữ liệu đánh giá quốc tế quy mô lớn cho thấy “mối liên hệ tiêu cực” giữa việc sử dụng quá mức công nghệ kỹ thuật số và thành tích của học sinh.
UNESCO cũng lập luận rằng mặc dù công nghệ có khả năng mở ra cơ hội học tập cho hàng triệu người, nhưng lợi ích được chia sẻ không đồng đều, với nhiều người nghèo ở khắp nơi trên thế giới không thể tiếp cận. Cơ sở hạ tầng giáo dục kỹ thuật số rất tốn kém và chi phí môi trường của nó thường bị đánh giá thấp.
Trong báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu năm 2023, UNESCO cho rằng không có nhiều nghiên cứu mạnh mẽ chứng minh công nghệ kỹ thuật số bổ sung giá trị vốn có cho giáo dục.
Theo UNESCO, các quốc gia đã “nhận thức được tầm quan trọng của việc đặt người học lên hàng đầu” khi nói đến công nghệ kỹ thuật số. Cơ quan này lấy ví dụ là Trung Quốc đã giới hạn sử dụng thiết bị kỹ thuật số làm công cụ giảng dạy ở mức 30% tổng thời gian giảng dạy và học sinh phải thường xuyên được nghỉ giải lao rời khỏi màn hình.
Dựa trên phân tích 200 hệ thống giáo dục trên khắp thế giới, UNESCO ước tính cứ 6 quốc gia thì có 1 quốc gia cấm điện thoại thông minh trong trường học, thông qua luật hoặc hướng dẫn. Ví dụ như Pháp đã đưa ra chính sách này vào năm 2018 và Hà Lan bắt đầu áp dụng các hạn chế từ năm 2024.
Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf nhấn mạnh: "Mặc dù điện thoại di động gắn liền với cuộc sống của chúng ta nhưng chúng không thuộc về lớp học. Học sinh cần tập trung và được tạo cơ hội để học tập tốt. Nghiên cứu khoa học cho thấy điện thoại di động làm xáo trộn. Chúng ta cần bảo vệ học sinh khỏi điều này".
(Nguồn: Ngày Nay)