Theo báo cáo, tỷ lệ tử vong trên số ca mắc ung thư tại Việt Nam trên 70%, cao nhất trong khu vực.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Economist Intelligence Unit (EIU) đăng trên Sáng kiến Ung thư Thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong ở người mắc ung thư cao hàng đầu châu Á. Nghiên cứu này khảo sát 10 quốc gia thuộc các nhóm khác nhau về quy mô dân số, kinh tế và mức độ phát triển, gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.
Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc ung thư tại Việt Nam trên 70%, cao nhất trong khu vực. Tiếp đó là Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc, với tỷ lệ M:I (mortality:incident) từ 60% đến 70%.
Năm 2018, theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), số ca mắc ung thư của Việt Năm tăng 165.000, số tử vong do ung thư gần 115.000 người. Tỷ lệ tử vong cao so với thế giới do phát hiện muộn.
Giáo sư Trần Văn Thuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, yếu tố chính tác động đến tỷ lệ chữa khỏi ung thư là việc phát hiện sớm hay muộn, còn khả năng sống phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, sự đáp ứng điều trị, phối hợp của các phương pháp.
Việt Nam, cùng với Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc, nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo, vào năm 2040, bệnh nhân ung thư sẽ tăng 81% tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ ung thư do do nhiễm trùng cổ tử cung, loại bệnh có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine HPV ở các nước này vẫn còn đáng kể.
Trong 10 nước được khảo sát, Nhật Bản là nơi có tỷ lệ máy chiếu chụp và bác sĩ chuyên ngành ung thư trên dân số cao nhất. Đứng cuối bảng về tiêu chí này là hai nước Việt Nam và Philippines.
EIU nhận định việc tầm soát kiểm tra, ngăn ngừa ung thư cấp quốc gia ở Việt Nam còn yếu, đa phần chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc sức khỏe, điều trị và giảm tác động. Đây cũng chỉ là một phần của Chương trình quốc gia nhằm phòng ngừa, kiểm soát nhóm bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch và đột quỵ.
Nhiều chi phí chiếu chụp phát hiện tế bào ung thư không nằm trong bảo hiểm y tế quốc gia.
(Nguồn: Phụ nữ mới)