Việt Nam đã chi 21.500 tỷ đồng cho phòng chống dịch COVID-19

Thùy Dương |

Theo Bộ Tài chính, ước tính từ đầu năm đến nay, ngành tài chính đã chi 4.650 tỷ đồng và tính từ năm 2020 đến nay đã chi 21.500 tỷ đồng cho phòng chống dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, nhất là người lao động, tác động lớn đến tình hình thu ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh đó, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, chi ngân sách để ứng phó với đại dịch, hỗ trợ nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Suốt thời gian qua, Chính phủ hết sức quan tâm đến chi cho phòng, chống dịch và yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác, bảo đảm kinh phí cho phòng, chống dịch.

Theo Bộ Tài chính, ước tính từ đầu năm đến nay, ngành tài chính đã chi 4.650 tỷ đồng và tính từ năm 2020 đến nay đã chi 21.500 tỷ đồng cho phòng chống dịch.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Để tập trung nguồn lực chi phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13.300 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đến nay, Quỹ đã huy động được hơn 8.000 tỷ đồng, cùng với kinh phí bố trí từ ngân sách nhà nước để thực hiện mua vaccine phòng COVID-19 khoảng 25.000 tỷ đồng mua đủ 150 triệu liều tiêm cho 70% dân số cả nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã trình các phương án tiết kiệm chi và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước.

Đồng thời, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch, tăng chi đầu tư phát triển và giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2021.

Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, về việc tiết kiệm chi thường xuyên, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được khoảng 11.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Đây là một con số rất lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho hoạt động chi tiêu chung của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là những mục tiêu phòng chống dịch COVID-19. Qua đó, giúp sớm khống chế được dịch COVID-19 trên diện rộng.

“Với sự chủ động điều hành ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, nguồn lực nói chung và nguồn lực từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên nói riêng sẽ đáp ứng kịp thời các nhu cầu phòng chống dịch cũng như các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của ngân sách Trung ương theo quy định,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh nói.

Bộ Tài chính đã kịp thời tháo gỡ về cơ chế cho địa phương trong việc cân đối, bố trí nguồn lực mua sắm trang thiết bị phòng dịch; yêu cầu cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp làm đúng quy định, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong thực hiện.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần lưu ý, dù được chủ động quyết định sử dụng, mua sắm theo các kịch bản và phương án ứng phó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được phép mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh, nhưng Quốc hội, Chính phủ cũng yêu cầu hạn chế tối đa việc lãng phí nguồn lực.

Trong việc thực thi cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian thực thi công việc, nhưng phải nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát và có các chế tài nghiêm minh với các hành vi tham nhũng, trục lợi.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, nguồn lực tài chính được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng thời điểm sẽ phát huy tác dụng cao nhất. Vì thế, trong bối cảnh nguồn lực còn khó khăn, dịch bệnh có thể còn kéo dài, việc không để xảy ra tiêu cực, lãng phí trong sử dụng nguồn lực tài chính là rất quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu với Chính phủ thực hiện gia hạn, miễn, giảm thuế, phí và thu ngân sách cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ước tính tổng số tiền khoảng 129.000 tỷ đồng năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay là khoảng 118.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Chính sách chi ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng đã được triển khai thực hiện với số tiền đã hỗ trợ của năm 2020 là khoảng 16.800 tỷ đồng.

"Để triển khai thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn sát sao, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai ngay các giải pháp để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống. Trong thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chúng tôi tuyệt đối không vì áp lực thu mà gây sức ép cho doanh nghiệp, người dân," Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Nhận định tình hình doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do dịch COVID-19, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ngành tài chính đã tham mưu, ban hành quy định kéo dài thêm thời gian áp dụng đối với một số giải pháp hỗ trợ chủ yếu đã thực hiện như: tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không; kéo dài thời gian thực hiện việc giảm nhiều khoản phí, lệ phí đến giữa năm 2021.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện các giải pháp đã ban hành, Bộ Tài chính đang theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo.

Những gói hỗ trợ này bảo đảm trong ngắn hạn cho người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

(Nguồn: TTXVN)

TAGS

Tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 chiếm từ 5 - 10% tổng số người mắc

Thanh Mai |

Các chuyên gia khuyến cáo, cần phải tăng cường, tạo lá chắn để bảo vệ trẻ em trong đại dịch.

Hải quân Việt Nam chiến thắng 2 tuyển Nga và Trung Quốc tại Army Games 2021

Thanh Mai |

Chỉ mới ngay lần đầu tiên tham dự "Cúp biển" trong khuôn khổ Hội thao quân sự quốc tế 2021 (Army Games 2021).

Quân đội, công an chi viện miền Nam chống dịch: Đợt "ra quân" chưa có tiền lệ

Kim Anh |

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, lực lượng công an, quân đội chi viện miền Nam chống dịch Covid-19 những ngày qua là đợt ra quân chưa có tiền lệ.

Lào thêm ca tử vong do Covid-19, mở thêm bệnh viện dã chiến

Tổng hợp |

Bộ Y tế Lào ngày 26/8 xác nhận thêm một ca tử vong do Covid-19, trong khi bệnh viện dã chiến ở Vientiane sẽ được tăng cường để ứng phó với số lượng ca nhiễm tăng cao trong những ngày gần đây.