Vĩnh Linh thiếu 113 giáo viên, nhân viên so với nhu cầu kế hoạch năm học mới 2021- 2022

Nguyễn Trang |

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, năm học mới 2021- 2022 sẽ chính thức bắt đầu, tuy nhiên hiện nay không ít đơn vị trường học thuộc huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang gặp khó khăn lớn trong việc bố trí giáo viên do tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt ở cấp tiểu học. 

Trưởng phòng GD&ĐT Vĩnh Linh Lê Thanh Hải cho biết, so với nhu cầu kế hoạch năm học 2021- 2022, với gần 18.500 học sinh/ khoảng 660 lớp thuộc các cấp học từ mầm non đến THCS, toàn huyện đang thiếu tổng cộng 113 giáo viên, nhân viên.   

Năm học 2021- 2022, trường Tiểu học Vĩnh Thủy dự kiến huy động khoảng 528 học sinh/ quy mô 22 lớp. Theo Thông tư số 16/2017/TT- BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định đối với bậc tiểu học là 1,5 giáo viên/ lớp thì trường Tiểu học Vĩnh Thủy cần 33 giáo viên. Nhưng đến thời điểm này, đơn vị chỉ có 24 giáo viên, bao gồm cả 1 Tổng phụ trách đội. Như vậy, hiện trường Tiểu học Vĩnh Thủy thiếu đến 10 giáo viên.  

 

Tương tự, tại trường Tiểu học Kim Thạch, Hiệu trưởng nhà trường Trần Thị Thu Hà thông tin, trường Tiểu học Kim Thạch có 2 điểm trường, năm học mới 2021- 2022, tổng số học sinh huy động 523 em/ quy mô 19 lớp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên theo kế hoạch cần 35 người. Song biên chế hiện có của trường chỉ 30 người, gồm 2 cán bộ quản lý, 2 nhân viên, 26 giáo viên. Trong đó 1 giáo viên âm nhạc chuyển sang làm Tổng phụ trách đội, còn giáo viên tiểu học chỉ có 19 giáo viên/ 19 lớp và 6 giáo viên bộ môn. Tính ra nhà trường thiếu 4 chỉ tiêu: 3 giáo viên (2 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên tin học) và 1 nhân viên y tế, thủ quỹ.  

“Năm học 2020- 2021, thực hiện kế hoạch của Phòng GD&ĐT Vĩnh Linh và Nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã Kim Thạch, nhà trường đăng ký trường đạt kiểm định chất lượng cấp độ 3 và chuẩn quốc gia mức độ II. Để đạt được mục tiêu đề ra thì trường phải đủ đội ngũ để dạy 9 buổi/ tuần. Nhưng thực tế do thiếu giáo viên nên chỉ dạy được 7 buổi/ tuần mặc dù đã hợp đồng thêm 1 giáo viên tiểu học và 1 giáo viên tin học. Năm học tới nếu chưa được bổ sung giáo viên, tình trạng này vẫn chưa thể thay đổi. Càng khó hơn khi hiện nay, nguồn kinh phí thường xuyên của nhà trường không đủ chi trả tiếp để hợp đồng thêm giáo viên”- cô Hà chia sẻ.  

Việc thiếu đến hơn 100 giáo viên khiến ngành giáo dục huyện Vĩnh Linh gặp không ít khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên đứng lớp. Trưởng phòng GD&ĐT Vĩnh Linh Lê Thanh Hải cho biết thêm, tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ, việc điều hòa đội ngũ và tuyển dụng mới còn chậm, thiếu kịp thời đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 như việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày (9 buổi/ tuần); công tác phụ đạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng; hoạt động dạy học trực tuyến nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19; lộ trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia...  

Cụ thể về thực trạng đội ngũ giáo viên ngành giáo dục Vĩnh Linh năm học 2021- 2022 như sau: Ngành học mầm non dự kiến sẽ huy động 5.153 cháu/ 202 lớp. So sánh chỉ tiêu được giao năm 2021 (512 chỉ tiêu) với biên chế hiện có (505 chỉ tiêu) thì thiếu 7 chỉ tiêu; so sánh với nhu cầu kế hoạch năm học 2021- 2022 cơ bản đáp ứng đủ chỉ tiêu. Cấp tiểu học dự kiến huy động 8.314 học sinh/ 316 lớp. So sánh chỉ tiêu được giao năm 2021 (529 chỉ tiêu) với biên chế hiện có (499 chỉ tiêu) thì thiếu 30 chỉ tiêu; còn so sánh với nhu cầu kế hoạch năm học 2021- 2022 thì thừa 6 giáo viên năng khiếu (1 giáo viên âm nhạc và 5 giáo viên mỹ thuật); thiếu 89 giáo viên văn hoá tiểu học và nhân viên (51 giáo viên văn hoá tiểu học, 5 giáo viên tiếng anh, 10 giáo viên tin học, 6 giáo viên thể dục; 1 nhân viên thư viện- thiết bị, 1 nhân viên văn thư, 15 nhân viên y tế). Riêng cấp THCS dự kiến huy động 5.031 học sinh/ 144 lớp. So sánh với chỉ tiêu được giao năm 2021 (373 chỉ tiêu) với biên chế hiện có (357 chỉ tiêu) thì thiếu 16 chỉ tiêu; còn so sánh với nhu cầu kế hoạch năm học 2021- 2022 thì thừa 5 giáo viên năng khiếu (2 âm nhạc và 3 mỹ thuật), thiếu 24 giáo viên (1 giáo viên ngữ văn, 1 giáo viên lịch sử, 2 giáo viên địa lý, 6 giáo viên tiếng anh; 5 giáo viên toán, 4 giáo viên tin học, 1 giáo viên vật lý, 2 giáo viên thể dục, 2 giáo viên công nghệ điện).  

Trước thực trạng thiếu giáo viên, nhân viên, các đơn vị trường học ở huyện Vĩnh Linh đã có báo cáo đầy đủ lên UBND, Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính- kế hoạch và Phòng GD&ĐT huyện. Đồng thời bám sát các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn để chủ động hợp đồng thêm giáo viên, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, người lao động chưa thực sự yên tâm công tác cũng như bảo đảm kế hoạch và chất lượng giáo dục. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và nhu cầu trong năm học mới 2021- 2022, Phòng GD&ĐT Vĩnh Linh đã khẩn trương báo cáo lên lãnh đạo cấp trên; tích cực tham mưu cho các cơ quan chuyên môn sớm sắp xếp, điều tiết lại đội ngũ giáo viên, nhân viên theo hướng cân đối, hợp lý; tăng cường công tác quản lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo của ngành để cùng các cơ quan chức năng nỗ lực tháo gỡ khó khăn chung về nguồn nhân lực. “Cùng với đó, Phòng GD&ĐT Vĩnh Linh kính mong các cấp, ngành liên quan tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bổ sung kịp thời biên chế sự nghiệp giáo dục cho huyện. Trước mắt, cần đầy nhanh tiến độ tuyển dụng biên chế sự nghiệp giáo dục chỉ tiêu đến năm 2021 nhằm đáp ứng nhu cầu trong năm học 2021- 2022, đảm bảo chất lượng dạy và học.”- Trưởng phòng GD&ĐT Vĩnh Linh Lê Thanh Hải kiến nghị.     

TAGS

Những giáo viên hết lòng vì cộng đồng

Lê Trường |

Trong những năm qua, bên cạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phong trào “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo giáo viên tỉnh Quảng Trị hưởng ứng tham gia. Từ thực tiễn xuất hiện nhiều tấm gương thầy cô giáo có cách làm hay, sáng tạo, hết lòng vì học sinh thân yêu, vì cộng đồng.

Cần sớm “an cư” cho giáo viên vùng khó

Hiếu Giang |

Thông qua nhiều nguồn khác nhau, những năm qua nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì số lượng nhà ở công vụ vẫn chưa đáp ứng đủ cho giáo viên, nhất là ở địa bàn vùng khó đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của thầy cô giáo cũng như chất lượng dạy học. Thực trạng đáng trăn trở này cần sớm có chính sách giải quyết để từng bước giúp đội ngũ giáo viên vùng khó an cư cắm bản “trồng người”…

Giáo viên mầm non nghỉ việc không lương được hỗ trợ như thế nào?

X.C |

Bạn đọc hỏi: Tôi là giáo viên mầm non tư thục và nghỉ việc không lương từ 2 tháng nay. Tôi muốn nhận hỗ trợ từ Nhà nước diện lao động gặp khó khăn có được không và phải làm những thủ tục gì?

Giáo viên mong đề Ngữ văn thoát khỏi lối mòn “đọc - chép”

Quang Đại |

Nhiều giáo viên cho rằng, đề thi Ngữ văn đang đi vào lối mòn, công thức, cần được thay đổi theo hướng cởi mở, sáng tạo.