Thông qua nhiều nguồn khác nhau, những năm qua nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì số lượng nhà ở công vụ vẫn chưa đáp ứng đủ cho giáo viên, nhất là ở địa bàn vùng khó đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của thầy cô giáo cũng như chất lượng dạy học. Thực trạng đáng trăn trở này cần sớm có chính sách giải quyết để từng bước giúp đội ngũ giáo viên vùng khó an cư cắm bản “trồng người”…
Qua rà soát, nhu cầu hiện nay cần 533 nhà ở công vụ cho giáo viên trên địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 200 nhà ở công vụ thuộc diện cấp bách (chủ yếu là những điểm trường chưa có nhà ở công vụ cho giáo viên). Những địa bàn thiếu nhà ở công vụ cho giáo viên chủ yếu ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị), do đặc điểm những địa phương này có địa hình hiểm trở, dân cư phân bố thưa thớt và có nhiều điểm trường cách xa trung tâm, đường giao thông đi lại rất khó khăn.
Có vị trí nằm gần cuối tuyến đường Lìa, Trường Tiểu học và THCS A Dơi, huyện Hướng Hóa hiện cũng là đơn vị còn rất thiếu thốn về nhà ở công vụ. Qua khảo sát thực tế tại đây, nhận thấy các phòng ở công vụ cho giáo viên ở đây có diện tích khá chật hẹp, đã xuống cấp và đang quá tải do tình trạng “phòng ít nhu cầu nhiều”. Do quá chật chội nên các giáo viên phải cơi nới phía sau căn phòng ở bằng cách dùng tre, bạt ni lông thưng che để tăng thêm diện tích làm nơi nấu ăn, phơi áo quần, tắm giặt… Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Dơi cho biết, toàn trường có 45 giáo viên, phần lớn là giáo viên ở xa lên công tác trong khi trường chỉ có 9 phòng ở công vụ. Hiện đa phần các phòng này đã xuống cấp, dột nát…
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.144 nhà ở công vụ cho giáo viên (phần lớn được xây dựng từ năm 2008) so với tổng nhu cầu là 1.805 nhà, đạt 63,8%. Trải qua thời gian dài sử dụng và ảnh hưởng bởi thiên tai nên hiện nhiều nhà công vụ đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng chưa có điều kiện sửa chữa, nâng cấp.
Ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho hay, hầu hết các xã vùng bản trên địa bàn huyện đều gặp khó và có nhu cầu bức thiết về nhà ở công vụ cho giáo viên. Nhiều giáo viên vùng khó phải thuê phòng trọ để ở hoặc ở vùng hẻo lánh không có phòng trọ thì đành xin ở nhờ nhà dân, ở tạm trong phòng học của học sinh… “Qua nhiều chuyến đi khảo sát thực tế, chúng tôi thấy rằng điều kiện ăn ở, sinh hoạt của giáo viên vùng bản trên địa bàn đa phần hết sức khó khăn. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, nhiều địa bàn bị chia cắt nên chuyện giáo viên mắc kẹt lại các điểm trường trong khi lại thiếu nhà ở thường xuyên xảy ra, rất bất tiện và vất vả cho giáo viên cắm bản”, ông Hổ chia sẻ và mong muốn đề án về xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó của tỉnh sẽ sớm được triển khai để giúp giáo viên yên tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Cũng như địa bàn huyện Hướng Hóa, tại huyện Đakrông, tình trạng thiếu nhà ở công vụ cho giáo viên cũng hết sức nan giải. Qua khảo sát thực tế tại các trường như Trường Tiểu học Tà Long, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang cho thấy các đơn vị này hiện cũng thiếu thốn nhà ở công vụ, trong đó có nhiều nhà công vụ giáo viên xây dựng từ lâu, qua hàng chục năm đã xuống cấp trầm trọng. Thầy Hoàng Đức Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Long thông tin, trường có 6 điểm trường lẻ, trong đó điểm trường xa nhất cách điểm trường chính 18 km với điều kiện đi lại rất khó khăn. Hầu hết các điểm trường của nhà trường đều thiếu nhà ở công vụ, cần được quan tâm xây dựng mới hoặc sửa chữa. Trong đó có một số điểm trường như Ly Tôn, Trại Cá dù có nhà ở công vụ cho giáo viên làm bằng gỗ tạp, tre nứa nhưng hiện đều đã xuống cấp nặng, không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa bão.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương cho biết: Hiện nay nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó, nhất là ở địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc ăn ở, sinh hoạt và công tác giảng dạy của giáo viên. Vì vậy việc xây dựng nhà ở công vụ là hết sức cần thiết. Thời gian qua, ngành đã xây dựng kế hoạch và tiến hành khảo sát các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp với các địa phương xây dựng đề án tổng thể về sửa chữa, xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó. Theo đó, trên cơ sở nhu cầu cấp thiết về nhà ở công vụ và điều kiện thực tế của các địa phương, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh các phương thức huy động nguồn lực, trước hết là ưu tiên nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó, từng bước đáp ứng nhu cầu cho giáo viên có chỗ ở ổn định để yên tâm công tác. Bên cạnh đó ngành cũng phối hợp với các đơn vị chuyên môn thiết kế mẫu nhà ở công vụ cho giáo viên phù hợp với tình hình thực tế các địa phương, phù hợp với nguồn lực có thể kêu gọi được, qua đó làm tốt hơn công tác xã hội hóa xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó trong thời gian tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)