Cân nhắc nhiều yếu tố, Hội đồng xét xử thấy không cần phải loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Phạm Trung Kiên khỏi xã hội, chỉ cần áp dụng hình phạt tù để khuyến khích những người phạm tội ra đầu thú; đảm bảo giáo dục riêng, phòng ngừa chung.
Tòa tuyên 3 án chung thân, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thoát án tử hình
Chiều 28/7, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên án 54 bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Theo đó, có 3 bị cáo tuyên án tù chung thân gồm: Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng, tù chung thân; Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, tù chung thân; Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng, tù chung thân.
Bị cáo Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, 16 năm tù.
Trong vụ án, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỷ đồng. Hội đồng xét xử thấy mức tử hình Viện kiểm sát đề nghị áp dụng cho bị cáo là tương xứng. Tuy nhiên, quá trình truy tố, xét xử, bị cáo Kiên đã thay đổi lời khai, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tác động gia đình khắc phục tổng số hơn 42 tỷ đồng; có bố đẻ và bố vợ là thương binh…
Hội đồng xét xử thấy không cần phải loại bỏ vĩnh viễn bị cáo khỏi xã hội, chỉ cần áp dụng hình phạt tù để khuyến khích những người phạm tội ra đầu thú; đảm bảo giáo dục riêng, phòng ngừa chung.
Theo tòa án, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình, tạo dư luận xấu trong nhân dân. Nhóm nhận hối lộ đều có chức vụ quyền hạn nhưng lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho buộc doanh nghiệp đưa hối lộ.
Thủ đoạn nhận hối lộ có 2 trường hợp, gồm mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền hoặc gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm buộc doanh nghiệp chi tiền "bất thành văn" mới được cấp phép chuyến bay. Một số bị cáo còn thông đồng, chia sẻ nhau tiền nhận hối lộ nên cần xử phạt nghiêm, theo Dân Việt.
Với nhóm cựu cán bộ tại Malaysia, đứng đầu là cựu Đại sứ Trần Việt Thái, tòa xác định họ là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm thực thi công vụ nhưng khi làm nhiệm vụ đã vụ lợi, thu tiền của những người mãn hạn tù vượt mức quy định. Do vậy, họ phạm tội "Lợi dụng, chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; ông Thái phải chịu trách nhiệm chính.
Nhóm môi giới hối lộ, gồm cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, tòa án xác định họ lợi dụng sự thân quen với các cá nhân có thẩm quyền, giúp một số doanh nghiệp, cá nhân đưa tiền để được cấp phép chuyến bay hoặc "chạy án". Riêng ông Tuấn còn bị xác định môi giới số tiền đặc biệt lớn - 1,8 triệu USD nên cần mức hình phạt nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bị xác định lừa đảo chạy án
Khi đọc công bố nội dung bản án, HĐXX nhận định bị cáo Hoàng Văn Hưng (nguyên Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) tại tòa kêu oan và đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tuy nhiên HĐXX xét thấy, theo tài liệu điều tra và quá trình tranh tụng thể hiện thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo là điều tra viên chính, song khi được Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) thu xếp cho gặp mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó tổng Giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh), Hưng đã đồng ý.
Theo HĐXX, bị cáo là người biết rõ quy định "điều tra viên không được tiếp xúc với bị can, bị cáo bên ngoài trụ sở cơ quan điều tra" nhưng vẫn gặp mặt Hằng trao đổi mà không báo cáo cấp trên. Quá trình gặp, Hưng đã hướng dẫn Hằng viết các bản tường trình...
HĐXX nhận thấy sau khi bị điều chuyển công tác khỏi Phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, bị cáo Hoàng Văn Hưng không còn nhiệm vụ điều tra nhưng vẫn đưa ra các thông tin gian dối với bị cáo Hằng, Sơn, Tuấn, để từ đó tạo lòng tin khiến nhóm Hằng phải đưa tiền. Sau khi nhận tiền, Hưng không "chạy án" như cam kết mà chiếm đoạt 800.000 USD.
Theo HĐXX, quá trình điều tra, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã thu thập chứng cứ khách quan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hưng; bị cáo đã nhiều lần được viết bản tường trình, tự khai, cung cấp chứng cứ nhưng bị cáo đều từ chối.
Từ phân tích trên, HĐXX kết luận bị cáo Hoàng Văn Hưng cho rằng lời khai của Hằng, Tuấn, Sơn, đã đưa tiền cho bị cáo là một chiều, không khách quan là "không có cơ sở". Bởi theo HĐXX, ngoài lời khai của Hằng, Tuấn, cơ quan tố tụng còn thu thập lời khai của nhiều người khác, dữ liệu điện tử để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.
"Hành vi của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản của người khác, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an", HĐXX nhận xét.
Trước đó, khi xét hỏi và luận tội, HĐXX dành nhiều thời gian để chất vấn Hưng và Tuấn, song dư luận đánh giá cơ quan công tố dùng bằng chứng buộc tội cựu điều tra viên có phần chưa thuyết phục.
Cụ thể, tại phần xét hỏi, Hoàng Văn Hưng khẳng định có 4 lần đến nhà riêng của ông Tuấn để gặp mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Blusky). Việc gặp này Hưng cho rằng là để giúp công tác điều tra phá án, quá trình gặp Hưng nói đã khuyên Hằng nên tự thú.
Trong khi, cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn khai đã tổ chức 7 - 8 lần cho Hưng gặp Hằng với mục đích trao đổi về việc "chạy án" cho bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Blusky), không bị xử lý hình sự.
Cơ quan truy tố buộc tội ông Tuấn nhận hơn 2,65 triệu USD từ Hằng để để đưa cho Hưng "lo lót" điều tra viên, Viện kiểm sát. Ông Tuấn cũng khẳng định "Hằng đưa cho ông bao nhiêu tiền, vài ngày sau ông gọi Hưng đến nhận".
Đối với lần cuối đưa số tiền 450.000 USD, ông Tuấn khai thực hiện theo chỉ đạo của Hưng, chia thành hai gói đặt trong chiếc cặp số, giao lái xe chuyển đến cổng Cơ quan An ninh điều tra cho Hưng. Còn bị cáo Hưng phản bác lời khai của ông Tuấn cho rằng, trong cặp chỉ có 4 chai rượu vang.
Trước lời đối chất của Hưng, ông Tuấn đã nhận cựu điều tra viên "tráo trở". "Đến nay, tôi vẫn nghĩ anh Hưng là người tốt nhưng thực sự đáng trách móc anh ấy... Cá nhân tôi giúp người không thành phải chịu xử lý trước pháp luật, phải khắc phục hàng chục tỷ đồng, gia đình tôi đang lo vay mượn anh em bạn bè. Tôi ngu thì phải chịu, sai lầm thì phải chịu, tin người thì phải chịu, thương em thì phải chịu mà em đúng nghĩa hay không? Đây đúng là sự cố cuộc đời!", ông Tuấn chua xót nói khi tự bào chữa, theo TPO.
Ngoài những mâu thuẫn nêu trên, Hưng còn phản bác nhiều lời khai về việc ông ta hướng dẫn bị cáo Hằng viết tường trình; với hơn 400 cuộc điện thoại trao đổi với ông Tuấn, Hưng cho hay chủ yếu là cuộc gọi nhỡ, các cuộc liên hệ được chỉ nói về chuyện gia đình, con cái. Đã có lúc, cựu điều tra viên nói với giọng điệu 'thách thức': "Bây giờ Viện kiểm sát chỉ cần nêu được một chứng cứ cho thấy tôi sai, tôi nhận tội luôn".
(Nguồn: Tổng hợp/ Phụ nữ mới)