Cần những giải pháp đột phá để Quảng Trị có thêm lợi thế cạnh tranh trong phát triển kinh tế

TS. Lê Văn Tới |

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng bằng quyết tâm chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu quan trọng, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế.

Với những thành tựu to lớn và đáng tự hào đó, đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của Nhân dân Quảng Trị với khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đó cũng là kết quả của sự quyết tâm cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; là kết quả của việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; là kết quả của tư duy đúng về phát triển công nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cửa khẩu quốc tế La Lay - Ảnh: PV​
Cửa khẩu quốc tế La Lay - Ảnh: PV​

Trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, những chỉ tiêu quan trọng về kinh tế với mục tiêu tổng quát là đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025, nằm trong nhóm 30 tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước vào năm 2030. Nhưng logic của vấn đề là các tỉnh trung bình hiện nay họ có nhiều lợi thế, cũng có khát vọng phát triển và cũng đặt mục tiêu phấn đấu cao như chúng ta, nên cuộc “rượt đuổi” này khoảng cách ngày càng xa hơn. Do đó, với khát vọng vươn lên, Quảng Trị phải phấn đấu cao hơn để bứt phá, vượt trên các chỉ tiêu đã đề ra.

Đồng thời, chúng ta cũng cần nhận thức rằng, Quảng Trị ít có lợi thế cạnh tranh so với các địa phương lân cận, chưa nói đến các địa phương khác trong cả nước. Chính vì vậy đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đột phá và chính sách vượt trội để Quảng Trị có thêm những lợi thế so sánh mới trong phát triển kinh tế, trong đó hai lĩnh vực cần chú trọng phát triển là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cải cách thủ tục hành chính.

Với phạm vi bài viết này, tôi xin đề xuất một số ý kiến mang tính chất trao đổi như sau:

Một là, cần tập trung nguồn lực, khẩn trương xây dựng Cảng Mỹ Thủy. Quảng Trị đã có dự án xây dựng Cảng Mỹ Thuỷ, như chúng ta đã biết cảng biển nước sâu là một lợi thế vô cùng quan trọng cho địa phương nào sở hữu nó, nhất là đối với Quảng Trị là đầu cầu của Hành lang Kinh tế Đông -Tây. Có thể nói ở đâu có cảng thì ở đó sẽ có đô thị, cảng biển càng sâu thì càng thuận lợi cho sự phát triển. Do vậy, với ý nghĩa mang tầm chiến lược, đặt ra cho Quảng Trị phải có quyết tâm cao để đẩy nhanh tiến độ của dự án cảng biển nước sâu. Chừng nào chưa có cảng thì chưa thể thu hút nhiều nhà đầu tư và hiệu quả đầu tư sẽ không cao. Biết rằng thời gian để đầu tư xây dựng Cảng Mỹ Thủy mất nhiều năm, nhưng chỉ cần dự án được khởi động thì hiệu ứng lan tỏa rất nhanh, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Và ngược lại sự thu hút đầu tư đó sẽ là động lực thúc đẩy tiến độ xây dựng Cảng Mỹ Thuỷ nhanh hơn.

Hai là, Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn năm 2020, định hướng đến năm 2030 và phê duyệt danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2020. Hai vấn đề còn lại cần được quan tâm là kêu gọi đầu tư và tạo thị trường. Quảng Trị cần phải có chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển hiệu quả các khu kinh tế, các khu công nghiệp để tăng nhu cầu đi lại và vận chuyển bằng đường hàng không, tạo thêm thị trường, tạo động lực cho nhà đầu tư xây dựng Cảng Hàng không. Và ngược lại Cảng Hàng không sẽ giúp kích cầu đầu tư và du lịch cho Quảng Trị. Như vậy việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng Mỹ Thuỷ, Cảng Hàng không Quảng Trị và việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch là hai nhiệm vụ song hành có mối quan hệ biện chứng, từ đó đòi hỏi cần phải có sự nhất quán và quyết tâm thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai kết cầu hạ tầng quan trọng này. Hãy tạo thị trường cho sản phẩm của mình chứ đừng chờ có thị trường mới cung ứng sản phẩm - đúng như tư duy của người Nhật Bản.

Ba là, hệ thống giao thông của nước ta đã, đang và sẽ hình thành, phát triển 4 tuyến đường bộ Bắc- Nam. Đây là một lợi thế của các tỉnh miền Trung có các tuyến đường này đi qua. Vấn đề còn lại là chúng ta phải đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa các tuyến giao thông quốc gia này. Đặc biệt hệ thống giao thông kết nối giữa Cảng Mỹ Thuỷ, Cảng Hàng không với các trục chính của hệ thống giao thông BắcNam cũng như kết nối với 2 cửa khẩu quốc tế của tỉnh ta để mở thêm Hành lang Kinh tế Đông- Tây thứ hai.

Bốn là, Dự án cao tốc Bắc Nam sẽ đồng loạt khởi công những đoạn còn lại vào năm 2021. Dự báo khi tuyến đường này hoàn thành thì sẽ có nhiều trung tâm kinh tế mới được hình thành gắn với các trục liên kết để phát triển kinh tế. Nắm bắt cơ hội này, nhiều địa phương đã bổ sung quy hoạch xây dựng các khu kinh tế trọng điểm để song hành cùng tuyến đường cao tốc. Đây cũng là động lực mới để Quảng Trị phát huy lợi thế sẵn có và mở ra nhiều hướng phát triển mới. Do vậy cần chủ động quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới tiếp cận với tuyến đường cao tốc Bắc- Nam để đón cơ hội đầu tư.

Năm là, nguồn đất sạch của các thành phố lớn và các tỉnh có điều kiện phát triển trước đã khan hiếm và bão hoà sau một thời gian dài phát triển nóng, nên các nhà đầu tư lớn đã và đang dịch chuyển sang các địa phương khác. Với lợi thế biển đẹp và nguồn đất sạch còn nhiều thì các tỉnh miền Trung có lợi thế để trỗi dậy và vốn đầu tư có xu hướng đổ về đây. Là địa phương có lợi thế ven biển, còn quỹ đất lớn, có tiềm năng du lịch, nếu đẩy nhanh tiến độ xây dựng và mở rộng tuyến giao thông ven biển cộng với những chính sách cởi mở, chính quyền đồng hành chia sẻ cùng doanh nghiệp và có những con “sếu đầu đàn” đi trước thì Quảng Trị cũng có đầy đủ cơ hội để trỗi dậy.

Sáu là, ngành công nghiệp năng lượng non trẻ của chúng ta rất có tiềm năng để phát triển nhanh, nhất là năng lượng tái tạo. Đây là ngành công nghiệp có nguồn thu ngân sách lớn và bền vững. Vì vậy cần đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện để tạo điều kiện phát triển nhanh năng lượng tái tạo cả quy mô vừa và nhỏ.

Bảy là, trong những năm qua, chúng ta cũng đã có chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên trên thực tế, tất cả các lĩnh vực đều còn những bất cập, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều thủ tục còn rườm rà. Cán bộ, công chức thi hành công vụ còn hạn chế năng lực hoặc còn tiêu cực, sách nhiễu làm cản trở công cuộc cải cách hành chính. Thực tế đó đã làm cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân chưa thực sự hài lòng.

Ở những địa phương ít có lợi thế cạnh tranh như Quảng Trị, bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại thì cải cách thủ tục hành chính một cách thiết thực, hiệu quả và thân thiện hơn địa phương khác sẽ có ý nghĩa quyết định và chỉ có như vậy mới tạo thêm được lợi thế cạnh tranh mới để thu hút đầu tư mà điều đó không mất nhiều nguồn lực, chỉ đòi hỏi ở ý chí quyết tâm và tâm huyết của lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu của mỗi địa phương, đơn vị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tập huấn kỹ năng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

PV - Kỉnh Ngọc |

Ngày 24/9/2020, tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn - Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn kỹ năng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2020 cho 40 Giám đốc các Hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành bà đỡ cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị

Vĩnh Nhiên |

Trong hành trình phấn đấu để Quảng Trị trở thành một tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước thì vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) hết sức quan trọng. KH&CN phát triển là góp phần phát triển tiềm lực và đưa KH&CN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển KT-XH nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị nói riêng.

Tăng trưởng về kinh tế của tỉnh Quảng Trị đứng thứ 16 của cả nước

Hưng Thơ |

6 tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực tại tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, kinh tế tại tỉnh Quảng Trị vẫn phát triển.

Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Trị

PV |

Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký là căn cứ pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Trị sử dụng hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo đến đầu tư phát triển trên địa bàn.