Chú trọng quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm OCOP

Thanh Trúc |

Hiện nay, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trên cả nước. Sản phẩm OCOP được gắn biểu trưng chương trình OCOP (logo OCOP) đã khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, từng bước được người dân tín nhiệm, lựa chọn tiêu dùng.

Để nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm đã được đánh giá và công nhận, kiên quyết thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị có 115 sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao. Trong 58 chủ thể OCOP có 16 doanh nghiệp (DN), 16 hợp tác xã (HTX), 4 tổ hợp tác và 22 hộ sản xuất, kinh doanh. Chương trình OCOP đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trong lộ trình kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh xây dựng mục tiêu đến cuối năm 2025 có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 - 3 sản phẩm 5 sao, 15 - 20 sản phẩm 4 sao, có 1 - 2 sản phẩm OCOP là sản phẩm du lịch cộng đồng. Đến năm 2030, có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó nâng tổng số sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh từ 5 - 7 sản phẩm.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm đông trùng hạ thảo QT - TECH của Công ty TNHH Phát triển công nghệ QT - TECH, huyện Triệu Phong tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 - Ảnh: T.T
Kiểm tra chất lượng sản phẩm đông trùng hạ thảo QT - TECH của Công ty TNHH Phát triển công nghệ QT - TECH, huyện Triệu Phong tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 - Ảnh: T.T

Bên cạnh việc các DN, HTX, cơ sở sản xuất đã tích cực phát huy giá trị của sản phẩm OCOP, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao thì vẫn còn có một số cơ sở sản xuất không đáp ứng được các yêu cầu, buộc tỉnh phải thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Đơn cử như vào tháng 3/2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao đối với 6 sản phẩm của 2 chủ thể thuộc chương trình OCOP. Theo đó, trong số 6 sản phẩm OCOP bị thu hồi giấy chứng nhận có 2 sản phẩm là muối cá lá Gia Hân và cốm gạo lứt rong biển Gia Hân của Cơ sở sản xuất Gia Hân ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh; 4 sản phẩm gồm trà bí đao Monfam, trà mướp đắng Monfam, cốm gạo lứt Monfam và cốt gừng mật ong Monfam của Công ty Cổ phần Sản phẩm thương mại thực phẩm sạch Monfam ở phường Đông Lương, TP. Đông Hà.

Lý do thu hồi giấy chứng nhận là do các chủ thể dừng sản xuất, không thực hiện liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu và không thực hiện quy trình sản xuất đã công bố, không duy trì các tiêu chí, hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và chủ thể có văn bản đề nghị thu hồi. Các sản phẩm bị thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam và thứ hạng sao in trên bao bì, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm. Đây là một điều rất đáng tiếc cho các chủ cơ sở sản xuất bởi quá trình xây dựng sản phẩm để đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh mất không ít công sức, thời gian và kinh phí.

Để tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý sản phẩm thuộc chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Theo đó, quy định cụ thể về việc xây dựng và công bố quy trình sản xuất, quản lý chất lượng nguyên liệu sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc. Quy định việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP Việt Nam và các điều kiện sử dụng, việc khen thưởng cho các chủ thể OCOP cũng như thu hồi chứng nhận và xử lý khi có vi phạm.

Sở Nông nghiệp và PTNT với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện chương trình OCOP có trách nhiệm hằng năm phối hợp với các sở, ngành tổ chức làm việc, kiểm tra các chủ thể OCOP. Kiểm tra công tác chỉ đạo, hướng dẫn của UBND cấp huyện đối với cơ sở về thực hiện quy trình sản xuất, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy chế này tại các địa phương, cơ sở.

Trường hợp các sở, ngành trong lĩnh vực được giao tiến hành kiểm tra phát hiện những sản phẩm OCOP thực hiện không đảm bảo quy định, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện xem xét, thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đối với chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

“Ngoài ra, sở cũng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng các sản phẩm OCOP thuộc phạm vi quản lý của ngành theo quy định. Hướng dẫn các địa phương, chủ thể OCOP triển khai thực hiện các tiêu chí có liên quan về an toàn thực phẩm để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đối với các nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành. Hướng dẫn chủ thể OCOP lập hồ sơ công bố chất lượng theo quy định đối với các nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết.

Mới đây, Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức rà soát, đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết hạn theo quy định. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận; kiên quyết thu hồi sản phẩm OCOP không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm so với quy định.

Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó đặc biệt chú ý đối với các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng) mà chưa được công nhận lại, hoặc có sự thay đổi về mức đạt sao sau khi đánh giá, công nhận lại sản phẩm...

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ thể OCOP, các đơn vị phân phối và người tiêu dùng về giá trị sản phẩm, hình ảnh logo OCOP, góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Lê An |

Với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các cá nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thu Hạ |

Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại (XTTM), tỉnh Quảng Trị đã kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ, đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sản phẩm OCOP từ biển

Hải An |

Ước mơ biến các sản phẩm từ biển thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao luôn được chị Nguyễn Thị Thiếc (57 tuổi) ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị), ấp ủ từ nhỏ.

Phiên chợ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP sẽ diễn ra tại Hướng Hóa từ 9- 11/6/2023

Thanh Trúc |

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh (Trung tâm) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa 9/7 (1973 - 2023), Trung tâm đã ban hành kế hoạch tổ chức phiên chợ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị năm 2023 tại huyện Hướng Hóa, thời gian từ ngày 9-11/6/2023.