Với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các cá nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, đến nay, toàn huyện có 18 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của 9 chủ thể, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao và 13 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện đều là những nông sản đặc trưng như cà phê, măng, chanh leo, chuối. Qua đó, không chỉ giúp địa phương khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Nhằm đa dạng các sản phẩm OCOP, theo kế hoạch, năm 2023 cùng với nâng cấp từ 1 - 2 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; đánh giá và công nhận lại cho 5 sản phẩm đã được công nhận năm 2020, huyện Hướng Hóa dự kiến sẽ phát triển thêm từ 3 - 5 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên. Phấn đấu phát triển 1 sản phẩm cà phê thành sản phẩm 5 sao và triển khai sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng. Về phía các chủ thể, dự kiến sẽ có từ 2 - 3 tổ chức kinh tế mới tham gia chương trình OCOP năm 2023 dưới dạng tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và hoàn thiện bao bì mẫu mã sản phẩm; nâng cao năng lực và tái cơ cấu về tổ chức, nhà xưởng, quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình. Phấn đấu toàn bộ sản phẩm OCOP của huyện được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử; các chủ thể có sản phẩm OCOP được giới thiệu tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước.Huyện Cam Lộ là địa phương có số lượng sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP nhiều nhất tỉnh với 29 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 17 sản phẩm OCOP 4 sao và 12 sản phẩm OCOP 3 sao. Đặc biệt, có 1 sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe cao cà gai leo của Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân đang trình trung ương công nhận sản phẩm xếp hạng 5 sao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, hầu hết các sản phẩm OCOP của huyện đều có nguyên liệu từ nông nghiệp, do chính nông dân, các HTX, doanh nghiệp ở địa phương làm ra. Đây đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong huyện.
Các sản phẩm được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng; hoàn thiện các thủ tục pháp lý như chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng; xây dựng bảo hộ nhãn hiệu, hệ thống bao bì, tem nhãn, tờ rơi…
Theo ông Linh, để từng bước phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững, huyện Cam Lộ đang tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình OCOP để lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Đưa chương trình OCOP vào kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương để triển khai thực hiện lâu dài và thường xuyên.
Hỗ trợ tích cực cho các chủ thể về hồ sơ, thủ tục và các vấn đề liên quan để giúp các chủ thể tự tin hơn khi tham gia chương trình. Đồng thời, tiếp tục chú trọng, tạo điều kiện cho các chủ thể về các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, ưu tiên mở rộng quy mô đất đai cho sản xuất, xây dựng quầy hàng bán sản phẩm OCOP ở các vị trí thuận lợi. Tập trung đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho các sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
“Theo kế hoạch, năm 2023 huyện Cam Lộ phấn đấu có thêm khoảng 7 - 10 sản phẩm OCOP mới được UBND tỉnh công nhận và tiếp tục xây dựng nâng hạng các sản phẩm OCOP hiện có, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị thu nhập cho các chủ thể, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bền vững”, ông Linh cho biết thêm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương thông tin, để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, các huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh và Cam Lộ rà soát, lựa chọn xây dựng tối thiểu 1 sản phẩm tham gia đánh giá 5 sao (cà phê, hồ tiêu, dược liệu); huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng lựa chọn ý tưởng và xây dựng 1 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa theo thứ tự ưu tiên: sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương, bao gồm cả các sản phẩm được chế biến từ nông - lâm - thủy sản thuộc trục sản phẩm chủ lực quốc gia và trục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống; đặc biệt khuyến khích sử dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ để tạo các sản phẩm OCOP đặc trưng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)