Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận OCOP đối với 25 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao được tỉnh này cấp giấy chứng nhận năm 2019, trong đó có nhiều đặc sản nổi tiếng của địa phương. Nguyên nhân thu hồi giấy chứng nhận là do chủ thể của các sản phẩm không tham gia đánh giá lại hoặc tham gia đánh giá lại nhưng không đáp ứng tiêu chí sản phẩm OCOP theo quy định.
Không chỉ Đồng Tháp, thời gian qua nhiều địa phương trong nước cũng kiên quyết loại khỏi chương trình OCOP những sản phẩm không đáp ứng yêu cầu. Đây được xem là biện pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, bảo vệ uy tín, thương hiệu OCOP.
Tại Quảng Trị, đến nay, toàn tỉnh có 119 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 42 sản phẩm 4 sao (1 sản phẩm đang đề nghị hội đồng đánh giá, phân hạng trung ương công nhận OCOP 5 sao), 77 sản phẩm 3 sao.
Cuối năm 2022, tỉnh tổ chức đoàn liên ngành hậu kiểm việc thực hiện các tiêu chí sản phẩm OCOP theo quy định. Theo đó, có 18 chủ thể được lựa chọn hậu kiểm với 38 sản phẩm OCOP được công nhận giai đoạn 2019 - 2021. Nội dung hậu kiểm tập trung tình hình hoạt động, nguồn nguyên liệu, lao động tham gia sản xuất, kinh doanh, quy mô sản xuất, doanh thu, hoạt động bảo vệ môi trường, tình hình tham gia thị trường, quảng bá sản phẩm; thực trạng quản lý chất lượng, điều kiện sản xuất, hồ sơ công bố theo quy định, tiêu chuẩn cơ sở, truy xuất nguồn gốc (mã số, mã vạch, tem QR code), bảo hộ nhãn hiệu (logo), tem nhãn, bao bì và quy cách đóng gói.Các đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp chủ thể, kiểm tra thực tế tại cơ sở, kiểm tra hồ sơ minh chứng, sản phẩm mẫu, đối chiếu với tiêu chí của sản phẩm OCOP; đồng thời lấy ngẫu nhiên mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm.
Kết quả kiểm tra liên ngành về sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cho thấy, đa số các chủ thể sản phẩm OCOP tuân thủ các quy định về cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm, có hồ sơ đầy đủ và đúng quy định của chương trình OCOP.
Tuy nhiên, đợt hậu kiểm này đã phát hiện 1 sản phẩm OCOP chưa đạt yêu cầu về chất lượng, buộc chủ thể phải thu hồi 150 gói sản phẩm của một lô hàng sản xuất ngày 18/10/2022; khắc phục toàn bộ quy trình sản xuất, gửi mẫu kiểm nghiệm lại chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí đối với các lô sản phẩm khác.
Ngoài ra, có 2 sản phẩm OCOP của một chủ thể đã dừng sản xuất (chuyển loại hình, thay đổi địa điểm, tư cách pháp nhân) đang được hướng dẫn hoàn tất thủ tục để trình UBND tỉnh quyết định thu hồi giấy chứng nhận OCOP. Bên cạnh đó, năm 2022, toàn tỉnh có 6 sản phẩm hết hạn công nhận OCOP nhưng chủ thể không tham gia đánh giá, công nhận lại.
Theo quy định, kết quả công nhận sản phẩm OCOP có giá trị 36 tháng kể từ ngày được cơ quan thẩm quyền ban hành quyết định công bố. Sau khi được gắn sao OCOP, nhiều chủ thể đã tận dụng lợi thế thương hiệu được công nhận để phát triển sản phẩm trên thị trường, tạo uy tín và nâng tầm vị thế sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi có sản phẩm đạt chuẩn OCOP thì không giữ vững được “phong độ”, tự hài lòng với kết quả đạt được mà không có sự bứt phá, đổi mới để theo kịp xu hướng thị trường, chất lượng và giá trị sản phẩm sụt giảm, làm mất lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó cũng có những trường hợp chủ thể sản xuất sau khi có sản phẩm được công nhận thương hiệu OCOP thì cố tình ghi thêm thông tin về thành phần, công dụng… trên bao bì nhãn mác của sản phẩm (khác với hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP ban đầu) để thu hút khách hàng.
Quá trình hậu kiểm sản phẩm OCOP ở nhiều địa phương cho thấy, sản phẩm đã được chứng nhận OCOP vẫn còn những thiếu sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như nhãn mác trên sản phẩm thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch so với hồ sơ đã đăng ký; cơ sở sản xuất thiếu biển hiệu, thiếu giấy chứng nhận, hồ sơ chứng minh chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng; công tác bảo vệ môi trường nơi sản xuất chưa được chú trọng...
Chính vì vậy, việc siết chặt khâu theo dõi, kiểm tra, giám sát sau khi sản phẩm được công nhận đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như uy tín, thương hiệu của đơn vị được cấp chứng nhận OCOP.
Trên thực tế, việc kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là kinh phí thực hiện. Chính vì thế, việc hậu kiểm đối với sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở một số sản phẩm được lựa chọn ngẫu nhiên và được bày bán ở thị trường trong tỉnh chứ chưa thực hiện được toàn bộ sản phẩm đã được cấp chứng nhận, nhất là sản phẩm OCOP của tỉnh đưa đi tiêu thụ ngoại tỉnh hiện chưa kiểm soát được.
Trong điều kiện số lượng sản phẩm OCOP được chứng nhận tăng lên từng năm, các địa phương cần bố trí nguồn lực hợp lý cho việc hậu kiểm để kiểm soát đối với các chủ thể có sản phẩm đã được gắn sao OCOP nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP so với hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng.
Kịp thời phát hiện sai sót, giúp chủ thể khắc phục tồn tại, hạn chế để hoàn thiện sản phẩm; đồng thời kiên quyết xử lý đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn, vi phạm quy định chương trình OCOP, từ đó nâng cao tinh thần tự giác, chủ động, có trách nhiệm chấp hành các quy định khi tham gia sân chơi OCOP của các chủ thể sản xuất.
Bên cạnh đó, cần biểu dương, khen thưởng những chủ thể biết phát huy lợi thế, tiềm năng, có cách làm sáng tạo góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương. Việc rà soát, xét công nhận sản phẩm OCOP mới hằng năm cần gắn với kiểm tra thực tế, đánh giá trực tiếp ở đơn vị sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP để đảm bảo tính chính xác, khách quan, cạnh tranh công bằng giữa các sản phẩm được phân hạng, gắn sao và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)