Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 119 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng trung ương công nhận OCOP 5 sao, 41 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao và 77 sản phẩm chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Chương trình OCOP ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, qua đó làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn.
Năm 2022, lần đầu tiên tham gia dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm nước mắm biển Mỹ An do Công ty Cổ phần sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An (gọi tắt là Công ty Mỹ An), ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng được công nhận đạt chuẩn 4 sao. Dù mới đi vào sản xuất được hơn 2 năm, với quy trình hoàn toàn thủ công, nguyên liệu chính được sử dụng là cá nục, duội, cơm than để làm ra loại nước mắm thơm ngon được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích.
Anh Trần Văn Nọ, đại diện Công ty Mỹ An chia sẻ: “Sản phẩm của công ty đã được phân phối rộng rãi ra các thị trường ngoài tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng. Nay được chứng nhận OCOP cấp tỉnh 4 sao, chúng tôi hy vọng sản phẩm sẽ có thêm cơ hội để vào các hệ thống siêu thị, phân phối bán lẻ trong cả nước nhiều hơn”.
Được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, hương trầm Tâm Phát Cồn Tiên của Hợp tác xã (HTX) hương trầm Tâm Phát Cồn Tiên, xã Hải Thái, huyện Gio Linh đã có thêm “giấy thông hành” đảm bảo tiêu chuẩn để xuất bán rộng rãi hơn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là dịp tết Nguyên đán, phục vụ nhu cầu người dân.
Giám đốc HTX hương trầm Tâm Phát Cồn Tiên Trần Xuân Tý cho biết, để sản xuất số lượng lớn, HTX đã chủ động trồng cây hương bài vừa đảm bảo nguyên liệu, đồng thời cung ứng nguyên liệu cho thị trường các tỉnh lân cận.
Đồng thời đầu tư thêm thiết bị, máy móc để hoàn thiện các khâu sản xuất. HTX cũng được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cơ chế chính sách về quỹ đất, được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng chứng nhận thương hiệu, thiết kế nhãn mác và hình thành chỉ dẫn địa lý, xây dựng sản phẩm OCOP cho địa phương từ mô hình cây hương bài.
Năm 2022, toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 56 bộ hồ sơ và sản phẩm, trong đó có 41 sản phẩm mới và 15 sản phẩm nâng hạng, công nhận lại của 28 chủ thể tham gia. Các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hướng Hóa là những địa phương có số sản phẩm tham gia dự thi tương đối nhiều.
Theo đánh giá, năm 2022, số lượng sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng vượt chỉ tiêu đề ra. Các chủ thể đã có sự đầu tư, quan tâm nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, đảm bảo các điều kiện sản xuất theo quy định, tích hợp nhiều thông tin truy xuất nguồn gốc, tên sản phẩm cụ thể, rõ ràng, gắn với các sản phẩm đặc trưng, lợi thế, thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh. Đồng thời đã thực hiện hoạt động sơ chế, chế biến, xây dựng các liên kết trong sản xuất, xây dựng hồ sơ công bố về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm.
Đã có nhiều sản phẩm được các chủ thể quan tâm xây dựng chứng nhận về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến (hữu cơ, ISO 4 22:000, HACCP, GACP), xây dựng cam kết/giấy phép bảo vệ môi trường theo đúng quy định, đẩy mạnh hình thức tiêu thụ thương mại điện tử…
Bên cạnh những kết quả nổi bật, qua 4 năm triển khai chương trình OCOP, vẫn còn bộc lộ những tồn tại cần tháo gỡ, khắc phục. Đó là sự chủ động vào cuộc ở một số địa phương còn hạn chế, sản phẩm đăng ký tham gia chương trình ít, chưa dựa vào lợi thế, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng.
Chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Phân nhóm sản phẩm chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm (50 sản phẩm), sản phẩm cùng loại nhiều (trà thảo dược, cao dược liệu, bột rau). Có 28 chủ thể đăng ký tham gia nhưng chỉ có 7 chủ thể mới.
Một số sản phẩm qua đánh giá, phân hạng lần 1 còn một số sai sót như: ghi nhãn chưa đúng với quy định, hồ sơ minh chứng còn thiếu về vùng nguyên liệu an toàn, chất lượng bao bì, hợp đồng đại lý, nhà phân phối còn chưa chặt chẽ.
Ngoài ra, có một số hồ sơ sản phẩm chưa trung thực, chưa phù hợp với quy mô sản xuất của chủ thể, thành phần nguyên liệu khác với hồ sơ tự công bố, chưa có giấy đủ điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn. Mặt khác, khoảng cách giữa hai kỳ đánh giá ngắn nên công tác khắc phục của chủ thể sau đánh giá lần 1 gặp khó khăn, công tác kiểm tra thực tế, kiểm nghiệm giữa hai kỳ đánh giá chưa thực hiện được.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Để nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, cần phải triển khai chu trình OCOP thường niên theo quy định, trong đó chú trọng các bước tuyên truyền để thu hút chủ thể mới đăng ký tham gia.
Rà soát sản phẩm, vật phẩm tiềm năng, có thế mạnh của các địa phương để hướng dẫn đăng ký ý tưởng sản phẩm. Tổ chức khảo sát thực trạng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình, hướng dẫn chủ thể xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tư vấn, hỗ trợ phát triển, hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, phân hạng cấp huyện để hạn chế tối đa những sai sót của sản phẩm, hồ sơ sản phẩm khi tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh”.
Xác định chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, các địa phương phải coi đây là chương trình mang tính dài hạn để nỗ lực triển khai hiệu quả. Tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)