Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thu Hạ |

Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại (XTTM), tỉnh Quảng Trị đã kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ, đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Từ ngày 11/5 đến ngày 14/5/2023, tại TP. Đà Nẵng, Cục XTTM - Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức Chương trình Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và tổ chức XTTM.

Chương trình đã giúp các DN trong khu vực kết nối, trao đổi, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến trên 35.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Đây được đánh giá là hoạt động XTTM cấp khu vực quan trọng, với sự tham gia của hầu hết các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của khu vực tới các cơ quan XTTM quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua, chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế.

Các doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Trị tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh - Ảnh: THU HẠ
Các doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Trị tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh - Ảnh: THU HẠ
Song song với hội nghị kết nối giao thương còn diễn ra hoạt động trưng bày giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, tiềm năng xuất khẩu của 15 tỉnh, thành phố (Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) với sự tham gia của hơn 300 nhà cung cấp, DN, hợp tác xã.

Tỉnh Quảng Trị có 10 DN, hợp tác xã tham gia trưng bày với các mặt hàng OCOP, đặc trưng của địa phương như sản phẩm cao dược liệu, tinh dầu, bột ngũ cốc, tinh bột nghệ, miến gạo, bột tía tô, bột diếp cá, bột rau má, miến nghệ, miến tía tô, trà thảo dược..., qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các DN quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế, tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, từ đó có kế hoạch sản xuất, kinh doanh thích ứng với xu hướng thị trường.

Nhằm tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng nhà phân phối sản phẩm, dịp lễ 30/4 -1/5 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Trị tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.

Theo đó, đã có trên 400 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng như gạo hữu cơ Quảng Trị, các loại cao dược liệu, tinh bột nghệ, trà gạo lứt, bột ngũ cốc, tiêu, tinh dầu thiên nhiên, cháo bột cá lóc, gà Cùa, chuối sấy dẻo, rượu Vodka Vena, bia Camel Quảng Trị... của 19 đơn vị tham gia trưng bày. Hoạt động đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu và mua sắm.

Mặt khác, hoạt động được tổ chức trong khuôn viên tuyến phố đêm nên đã kết hợp hài hòa giữa quảng bá, XTTM với quảng bá, xúc tiến du lịch, góp phần đẩy mạnh hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại tuyến phố đêm tại khu vực quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Trần Phi Tường, thông qua hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; từ đó nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Mặt khác, giúp người dân được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm chất lượng, đặc trưng do các DN trong tỉnh sản xuất và phân phối. Trong 3 ngày diễn ra hoạt động, tổng giá trị giao dịch ước đạt trên 500 triệu đồng và có trên 10 biên bản ghi nhớ hợp tác làm nhà phân phối, đại lý được ký kết giữa các DN.

UBND tỉnh cũng đã có văn bản thống nhất danh mục các đề án thuộc Chương trình XTTM Quảng Trị năm 2023. Theo đó, nhiều chương trình XTTM sẽ được tổ chức như: tổ chức hoạt động hỗ trợ kết nối sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh vào các siêu thị và cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức các đoàn DN tham gia hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong nước do Bộ Công thương tổ chức; tổ chức đoàn DN tham gia hội chợ, triển lãm tại Lào, Thái Lan và Trung Quốc.

Tổ chức đoàn giao thương xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm tỉnh Quảng Trị tại các tỉnh, thành phố trong nước; tổ chức hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng kết hợp quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư tại Hà Nội; tập huấn về kỹ năng thương mại điện tử cho các DN trong tỉnh; tổ chức đoàn DN, cơ sở nông thôn tiêu biểu tham gia hội chợ, triển lãm trong nước...

Tính đến tháng 4/2023, Quảng Trị có 113 sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 71 sản phẩm đạt 3 sao. Trong 57 chủ thể OCOP có 16 DN, 16 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác và 21 hộ sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, để hoạt động XTTM nói chung và XTTM các sản phẩm OCOP nói riêng đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, cơ chế hỗ trợ DN cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong việc tham gia các hoạt động XTTM và các hoạt động gắn kết khác.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tránh dàn trải nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác xúc tiến; kết hợp với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ DN giới thiệu, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.

Để tiếp tục đưa hàng hóa, sản phẩm OCOP của tỉnh “phủ sóng” rộng rãi trên thị trường và hướng đến xuất khẩu bền vững, các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM. Trong đó, chú trọng tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ XTTM, hỗ trợ về khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm OCOP. Qua đó, đưa sản phẩm OCOP của Quảng Trị trở thành hàng hóa có thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sản phẩm OCOP từ biển

Hải An |

Ước mơ biến các sản phẩm từ biển thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao luôn được chị Nguyễn Thị Thiếc (57 tuổi) ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị), ấp ủ từ nhỏ.

Phiên chợ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP sẽ diễn ra tại Hướng Hóa từ 9- 11/6/2023

Thanh Trúc |

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh (Trung tâm) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa 9/7 (1973 - 2023), Trung tâm đã ban hành kế hoạch tổ chức phiên chợ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị năm 2023 tại huyện Hướng Hóa, thời gian từ ngày 9-11/6/2023.

Cần quan tâm đánh giá, hậu kiểm sản phẩm OCOP

Mai Lâm |

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận OCOP đối với 25 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao được tỉnh này cấp giấy chứng nhận năm 2019, trong đó có nhiều đặc sản nổi tiếng của địa phương. Nguyên nhân thu hồi giấy chứng nhận là do chủ thể của các sản phẩm không tham gia đánh giá lại hoặc tham gia đánh giá lại nhưng không đáp ứng tiêu chí sản phẩm OCOP theo quy định.

Thu hút các chủ thể mới tham gia chương trình OCOP

Bảo Bình |

Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 119 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng trung ương công nhận OCOP 5 sao, 41 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao và 77 sản phẩm chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Chương trình OCOP ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, qua đó làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn.