Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng gò đồi

Ngọc Trang |

Chị Phan Thị Ánh Tuyết ở Khu vực 3, thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những người đi đầu ở địa phương trong việc khắc phục khó khăn, chuyển đổi thành công gần 3 ha đất gò đồi kém hiệu quả sang trồng trọt, chăn nuôi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhờ vậy, nhiều năm nay, gia đình chị có nguồn thu nhập cao hơn hẳn nhiều hộ dân khác cùng canh tác trong vùng gò đồi, bản thân chị trở thành gương điển hình trong phong trào “Hai giỏi” của phụ nữ huyện Triệu Phong.

Gia trại rộng rãi của chị Tuyết tọa lạc trên vùng gò đồi với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, gồm 2 ha cao su, 6 sào cây ăn quả có múi (cam Vinh, cam sành, bưởi da xanh), ổi nữ hoàng; chuồng trại chăn nuôi 4 con bò, 30 - 50 con lợn thịt/lứa, hơn 50 con gà, vịt/lứa. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm trên 300 triệu đồng, trong đó riêng cao su khoảng 200 triệu đồng. Chị Tuyết cho biết hơn 20 năm trước, gia đình chị lập nghiệp ở Khu vực 3, thôn Nhan Biều. Thời điểm đó, nơi đây đầy rẫy lau lách, cỏ dại, đất đai khá cằn cỗi, địa hình đồi dốc khó đi lại. Do quen với cách thức sản xuất cũ nên việc trồng trọt, chăn nuôi của gia đình chị lúc đầu không hiệu quả. Thực hiện chủ trương phát triển cao su tiểu điền của xã Triệu Thượng, năm 2004, vợ chồng chị quyết tâm khai hoang vùng gò đồi trồng 2 ha cao su. Để lấy ngắn nuôi dài, trong thời gian chờ khai thác mủ cao su, chị tìm hiểu các mô hình kinh tế rừng - vườn - chuồng hiệu quả để áp dụng. Trước khi thực hiện mô hình làm ăn mới, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và cây trồng. Sau đó, chị đầu tư gà, vịt thả vườn lấy thịt, trứng, đồng thời đặt mua giống cây ăn quả có múi chất lượng về trồng.

Chị Tuyết bên vườn cây ăn quả sắp thu hoạch của gia đình - Ảnh: N.T
Chị Tuyết bên vườn cây ăn quả sắp thu hoạch của gia đình - Ảnh: N.T

Những năm đầu do chưa quen với cách nuôi trồng mới nên đôi lúc hiệu quả kinh tế từ mô hình vườn - chuồng của chị mang lại chưa cao. Tuy nhiên, chị vẫn kiên trì học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tập trung cải tạo đất để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình. Nhờ vậy, đến nay rừng cao su của chị đã cho khai thác mủ năm thứ 8; hàng chục lứa lợn, gà, vịt xuất chuồng thuận lợi; vườn cây ăn quả cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Tuyết tâm sự: “Thực ra ở vùng nào cũng có lợi thế của nó, chỉ cần chúng ta kiên trì và biết khai thác hợp lý thì sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Sau hơn 15 năm bám vùng đất gò đồi để thực hiện mô hình rừng - vườn - chuồng, đến nay điều kiện kinh tế của gia đình tôi ổn định hơn nhiều. Riêng trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, chúng tôi thu từ bán gà, vịt, bò, cây ăn trái trên 150 triệu đồng”.

Không chỉ năng động, sáng tạo nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, chị Tuyết còn là phụ nữ đảm đang, chăm lo cho mái ấm gia đình, nuôi dạy các con nên người. Từ năm 2009 đến 2020 chị là Chi hội phó, rồi Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu vực 3, thôn Nhan Biều. Trên cương vị là cán bộ hội phụ nữ, chị luôn năng động, sáng tạo, hết lòng vì lợi ích của hội viên. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình phát triển kinh tế, chị luôn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ giúp mọi người cùng vươn lên phát triển kinh tế. Đặc biệt, chị thường xuyên tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, vận động quyên góp kinh phí hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chi hội Phụ nữ Khu vực 3, thôn Nhan Biều đã thực hiện tốt phong trào “Nuôi heo đất” giúp phụ nữ nghèo, đơn thân, bị bệnh hiểm nghèo trong thôn. Mỗi năm chi hội trực tiếp trao từ 10 - 12 triệu đồng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Thượng Phan Nguyễn Định Giang cho biết: “Chị Phan Thị Ánh Tuyết là một phụ nữ có nhiều suy nghĩ tiến bộ, nỗ lực vượt khó, hăng hái tham gia các phong trào thi đua của hội cũng như địa phương. Trong phát triển kinh tế gia đình, chị đổi mới cách thức làm ăn ở vùng gò đồi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc thâm canh các loại cây trồng mang lại hiệu quả cao. Khi còn là cán bộ phụ nữ, chị luôn nhiệt tình giúp đỡ chị em cùng phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình mới, góp phần đẩy mạnh các phong trào, mô hình kinh tế do phụ nữ đảm nhiệm. Nhờ vậy, nhiều chị em trong thôn đã mạnh dạn làm theo và đạt hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hiện thực hoá dự án một tỷ cây xanh trên đất Quảng Trị

Trường Sơn |

Ngày 09/6/2021, tại huyện miền núi Hướng Hoá, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Hướng Hoá tổ chức Phát động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và ký cam kết thực hiện chương trình trồng một tỷ cây xanh.

Cây cầu mơ ước ở A Liêng

Kô Kăn Sương |

Thời gian gần đây, mỗi lần về thăm quê nội ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị), tôi cảm nhận được rất nhiều sự đổi thay trên mảnh đất yêu thương này. Điều đặc biệt là từ ngày có cây cầu bằng bê tông vững chãi bắc qua dòng sông Đakrông huyền thoại, người dân quê tôi thuận lợi hơn trong việc đi lại, cũng như có điều kiện để vượt khó xây dựng cuộc sống ấm no…

Tín hiệu vui từ cây cao su

Thu Hạ |

Bước vào vụ khai thác mủ cao su năm 2021, người trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh rất vui mừng, phấn khởi vì giá mủ cao su tăng mạnh, hiện ở mức 14.000 - 16.000 đồng/kg mủ nước, cao nhất trong 10 năm qua. Đây là tín hiệu vui cho nông dân, doanh nghiệp trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh bởi dù giá của mủ cao su chưa đạt đến đỉnh điểm như giai đoạn những năm 2011-2012, nhưng cũng giúp người nông dân, doanh nghiệp cải thiện thu nhập, yên tâm sản xuất.

Trồng gần 400 cây kèn hồng dọc tuyến đường liên xã

Anh Vũ |

Nhằm góp phần làm cho bộ mặt cảnh quan thị trấn Cam Lộ (Quảng Trị) ngày càng xanh, sạch, đẹp, phấn đấu xây dựng thị trấn trở thành đô thị loại IV, huyện Cam Lộ đã triển khai trồng gần 400 cây bóng mát hai bên vỉa hè tuyến đường liên xã Cam Hiếu,thị trấn Cam Lộ (đoạn qua thị trấn Cam Lộ dài hơn 2km).