Bước vào vụ khai thác mủ cao su năm 2021, người trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh rất vui mừng, phấn khởi vì giá mủ cao su tăng mạnh, hiện ở mức 14.000 - 16.000 đồng/kg mủ nước, cao nhất trong 10 năm qua. Đây là tín hiệu vui cho nông dân, doanh nghiệp trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh bởi dù giá của mủ cao su chưa đạt đến đỉnh điểm như giai đoạn những năm 2011-2012, nhưng cũng giúp người nông dân, doanh nghiệp cải thiện thu nhập, yên tâm sản xuất.
Gia đình chị Lê Thị Lan, ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) hơn hai năm qua phải “vật lộn” với khó khăn chi tiêu trong gia đình vì mủ cao su rớt giá. Đặc biệt, năm 2020 vừa qua, do ảnh hưởng của COVID-19, lũ lụt nên nguồn thu của gia đình giảm sút. Tuy nhiên, năm nay niềm vui trở lại với gia đình chị khi gần 1,5 ha cao su đang trong giai đoạn thu hoạch cho thu nhập hằng tháng trên 10 triệu đồng nhờ giá mủ cao su tăng. “Trong các năm vừa qua, giá mủ cao su xuống thấp quá khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu từ mủ cao su chỉ bù vào tiền công lao động thôi. Ngoài tự cạo mủ, tôi còn đi làm thuê để có thêm thu nhập. Năm nay, giá tăng cao, thu nhập đỡ hơn nên có tiền trang trải cho con cái học hành và tiếp tục đầu tư, chăm sóc cây cao su. Những người trồng cao su như tôi đều mong mỏi giá mủ cứ ổn định như thế này để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình …”, chị Lan phấn khởi nói.
Toàn tỉnh hiện có 9 huyện, thị xã, thành phố trồng cây cao su với tổng diện tích khoảng 19.300 ha, trong đó cao su tiểu điền hơn 14.500 ha. Sản lượng bình quân hằng năm đạt 18.000- 19.000 tấn mủ khô. Các nhà máy trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu thu mua và chế biến số cao su này
Cùng với niềm vui của chị Lan, hàng trăm hộ nông dân canh tác cây cao su trên địa huyện Cam Lộ, địa phương có trên 4.000 ha cây cao su tiểu điền đang kỳ khai thác với tổng sản lượng mủ khoảng 3.500 tấn/năm cũng rất phấn khởi, vui mừng bước vào vụ khai thác năm 2021. Theo chia sẻ của các hộ dân trồng cao su, nếu như những năm trước, giá mủ cao su khô rất thấp, chỉ từ 25- 30 triệu đồng/tấn thì nay giá đã tăng lên rất nhiều, đạt 43-45 triệu đồng/tấn; mủ nước trước kia có giá từ 8.000-10.000/1kg, bây giờ đạt từ 14.000-16.000 đồng/kg. Ngoài nguồn thu nhập cho gia đình, các vườn cao su vào mùa thu hoạch còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, với những người cạo cao su quen việc và chịu khó có thể thu nhập từ 350-400 ngàn đồng/người/ngày.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết: Đến nay, toàn huyện Cam Lộ đã phát triển được trên 4.000 ha cao su tiểu điền. Nhờ có biện pháp đầu tư chăm sóc nên cây cao su phát triển tốt, những diện tích đưa vào khai thác cho sản lượng mủ khá cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay, giá mủ cao su trên địa bàn huyện đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, người dân vẫn phải chú trọng khai thác một cách hợp lý đối với các loại cây và thời tiết phù hợp. Song song với đó, các hộ trồng cây cao su cũng cần phải thành lập tổ hợp tác khai thác thu gom, nhằm hỗ trợ nhau trong việc liên kết, mở rộng khai thác, thu gom, vận chuyển và bán tận nhà máy nhằm tăng hiệu quả kinh tế và tránh bị tư thương ép giá”.
Hiện nay, do nhu cầu nhập khẩu mủ cao su trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc tăng cao nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp khai thác mủ cao su trong toàn tỉnh mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Hữu Tâm cho biết: “Cây cao su được tỉnh xác định là 1 trong 6 cây chủ lực cạnh tranh. Đây được xem là cây đa mục tiêu về nông nghiệp, môi trường và hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, dù địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai nhưng tỉnh vẫn tập trung hình thành được các vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung. Để phát triển cây cao su bền vững trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và biến động của thị trường giá cả, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát, điều chỉnh, quy hoạch lại các vùng cao su và duy trì diện tích ổn định từ nay đến năm 2025 khoảng 20.000-21.000 ha; thực hiện tái canh những vườn cao su già cỗi và trồng mới các vùng cao su có điều kiện thuận lợi. Tập trung tái cơ cấu lại ngành cao su để nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng bền vững trong đó chú trọng khuyến cáo đến người nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Mặt khác, đơn vị cũng đang tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mủ cao su cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người nông dân không tự phát chuyển đổi cao su sang cây trồng khác khi mủ cao su xuống thấp”.
Cây cao su trên đà tăng giá đã mang đến niềm vui cho người nông dân, nhất là giữa lúc bộn bề khó khăn do thiên tai, dịch bệnh thời gian qua. Với tín hiệu đáng mừng đó, bên cạnh việc khai thác một cách có hiệu quả, người trồng cao su tiểu điền và những lao động sống bằng nghề khai thác mủ cao su ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục đầu tư phân bón, bổ sung dinh dưỡng cho vườn cao su nhằm tăng khả năng sinh trưởng, duy trì và phát triển cây trồng theo hướng bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)