Nhằm giảm đầu tư và tăng thu nhập cho công nhân trong giai đoạn giá mủ cao su xuống thấp, vài năm trở lại đây, các nông trường cao su trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, tìm kiếm phương án nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong đó, mô hình “phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng cây xen canh” của Nông trường Trường Sơn là một trong những mô hình đi đầu và phát huy hiệu quả trong giai đoạn vừa qua.
Năm 2015, cũng như nhiều hộ gia đình khác trong nông trường, gia đình anh Lê Văn Nghĩa, công nhân Nông trường Trường Sơn đã nhận trồng thêm nhiều diện tích cây khoai từ trong vườn cao su tái canh. Cây khoai từ có đặc tính thích nghi rất tốt với mọi môi trường, sức chịu hạn cao nên cuối vụ, gia đình anh thu lợi nhuận đáng kể.
Ngoài ra, việc chăm sóc các loại cây ngắn ngày này không làm ảnh hưởng đến việc trồng và chăm sóc cây cao su, ngược lại còn có tác dụng giữ đất, đủ nước, công nhân bớt công làm cỏ cho vườn cao su. Anh Lê Văn Nghĩa chia sẻ: “Mô hình trồng xen này rất hiệu quả. Riêng cây khoai từ này mỗi ha cho thu hoạch từ 10 – 12 tấn, thu nhập khoảng 70 triệu một năm chưa trừ chi phí. Nói chung chủ trương trồng xen cây ngắn ngày từ nông trường đã tạo điều kiện cho em anh em công nhân phát triển kinh tế phụ, có thêm thu nhập”.
Nông trường Trường Sơn hiện có khoảng 600 ha đất trồng cao su, trong đó có hơn 350 ha cao su từ 1 năm tuổi đến 5 năm tuổi. Đây cũng là phần diện tích mà nông trường chọn tổ chức cho các hộ gia đình tham gia nhận khoán trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày có giá trị kinh tế như khoai từ, khoai tía, khoai môn, nghệ, mình tinh…Trung bình mỗi năm, mỗi loại cây trồng xen đem lại thu nhập từ 60 – 80 triệu đồng cho mỗi hộ công nhân.
Anh Trương Văn Hàm, Giám đốc Nông trường Trường Sơn, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị cho biết thêm: “Từ khi Công ty có chủ trương đưa vườn cây kiến thiết cơ bản vào hoạt động thì lãnh đạo nông trường cũng đã đi tham quan, học tập nhiều mô hình ở các nơi để tìm ra mô hình phù hợp nhất với địa phương để tổ chức thực hiện. Qua nhiều năm triển khai thì mô hình trồng xen cây ngắn ngày của Nông trường Trường Sơn đã trở thành một điểm riêng của Công ty Cao su Quảng Trj. Và đó cũng trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho anh em công nhân trong nông trường”.
Cây cao su tái canh trong giai đoạn những năm đầu chưa đem lại hiệu quả về lợi nhuận. Vì vậy, việc phát triển, trồng xen canh các loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” ngoài việc tiết giảm chi phí chăm sóc vườn cây cao su còn góp phần giải quyết việc làm và từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương.
(Nguồn: QRTV)