Không dừng lại ở cách chăn nuôi vịt theo phương thức truyền thống, ông Lê Quang Trọng ở thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã quyết định đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng thực phẩm trong chăn nuôi. Đó là sử dụng phương pháp nuôi vịt trên sàn lưới mang lại lợi nhuận cao, được địa phương chọn làm điểm để nhân rộng.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nông nên ngoài sản xuất các loại cây nông nghiệp, ông Trọng còn gắn bó nhiều năm với nghề chăn nuôi, đặc biệt ông khá “mát tay” với việc nuôi vịt. Mảnh vườn rộng hơn 9 sào bao gồm cả diện tích mặt nước dòng sông Vĩnh Định, trong đó ông dùng 7 sào để xây dựng gia trại chăn nuôi vịt thịt và vịt đẻ trứng. Nhờ nghề này, gia đình ông có thêm nguồn thu nhập khá ổn định, đảm bảo chi phí cho sinh hoạt hằng ngày.
Tuy nhiên, dựa vào chăn nuôi theo phương thức truyền thống sẽ không đảm bảo được vấn đề vệ sinh chuồng trại, dễ tạo vi khuẩn, vịt rất dễ có mầm bệnh, hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên ông thường xuyên tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm các mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả để lên kế hoạch áp dụng. Đầu năm 2020, ông quyết định ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi, đó là phương pháp nuôi vịt trên sàn lưới với tổng kinh phí đầu tư làm sàn lưới, mái che, lát nền, máng thức ăn và nước uống, máy bơm 50 triệu đồng. Ưu điểm của mô hình là cần rất ít diện tích mặt bằng, ít tốn công chăm sóc, dễ quản lý dinh dưỡng mà vịt con nhanh lớn, ít dịch bệnh, chăn nuôi quay vòng nhanh, sử dụng lâu dài nên khấu hao vào sản phẩm sẽ rất thấp, mức lợi nhuận cao.
Để mô hình nuôi vịt theo phương pháp mới an toàn, hiệu quả, ông Trọng bố trí diện tích các khu nuôi rất khoa học và hợp lý. Đối với vịt giống và vịt còn nhỏ, ông nuôi trên sàn lưới mềm để đảm bảo độ thoáng, yên tĩnh, không bị ẩm ướt, dễ xử lý chất thải và đảm bảo vệ sinh. Phía trên sàn lưới có mái che cao và thoáng gió, đảm bảo vịt luôn khô ráo, sát vách tường của chuồng đặt các máng nước uống và máng ăn cả ngày lẫn đêm. Khu vực nuôi vịt đẻ thì không gian khá rộng và thoáng mát, cạnh hồ nước để vịt tự do di chuyển nhiều. Đặc biệt, ông bố trí một hồ chứa nước ngọt ở trong khu nuôi vịt đẻ để dùng vào những lúc nước sông Vĩnh Định không đảm bảo thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vịt. Các lò ấp trứng được đặt tách biệt với khu nuôi để đảm bảo vệ sinh. Hiện nay, gia trại của ông có khoảng 1.500 con vịt giống, 1.000 con vịt đẻ và 3 máy ấp trứng. Với sự đầu tư chuồng trại bài bản từ hệ thống nước uống, máng ăn cùng với vịt được nuôi đảm bảo đúng quy trình, tiêm phòng vắc xin định kỳ nên đàn vịt phát triển tốt, môi trường đảm bảo vệ sinh. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông thu được khoảng 800 quả trứng, toàn bộ số trứng sẽ đưa vào lò ấp để nở thành vịt con, cứ thế quay vòng và duy trì số lượng đàn vịt.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, tích cực học hỏi, áp dụng công nghệ vào chăn nuôi, trung bình mỗi tháng sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông Trọng thu lãi gần 10 triệu đồng. Ông Trọng chia sẻ: “Từ ngày gia đình tôi áp dụng công nghệ mới vào chăn nuôi vịt con trên sàn lưới thì đàn vịt lớn nhanh, ít dịch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Để phát triển nghề chăn nuôi vịt, thời gian tới chúng tôi dự định sẽ đầu tư nuôi tất cả số vịt của gia đình trên sàn theo quy trình kỹ thuật mới đồng thời mở rộng quy mô, số lượng đàn vịt để mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)