Lợi dụng thời điểm cao su có giá tốt, nhiều nông dân đã trộn tạp chất để bán nguyên liệu không tinh khiết cho các nhà máy chế biến tại tỉnh Luang Prabang, miền Bắc Lào.
Tháng trước, chính quyền huyện Nambak phối hợp với một công ty chế biến cao su đã phải xử lý hơn 5 tấn cao su trị giá 34 triệu kip do nông dân địa phương thu hoạch nhưng được xác định là kém chất lượng và không thể đưa về nhà máy để chế biến.
Hiện tại, chính quyền các địa phương ở Luạng Prabang đang đưa ra yêu cầu các hộ trồng cao su trên địa bàn không để tái diễn hành vi “không thể chấp nhận được” trong tương lai, khi cố ý cho thêm tạp chất để tăng trọng lượng cao su và kiếm thêm lời.
Theo đó, để đảm bảo chất lượng cao su nguyên liệu, chính quyền huyện Nambak cho biết sẽ tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt với các sản phẩm trên địa bàn. Đồng thời cảnh báo những người có hành vi pha tạp chất vào cao su đã làm mất niềm tin của đơn vị thu mua và các thương lái.
Tại các địa phương miền Bắc Lào, cây cao su mở ra cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, tuy nhiên sự rớt giá trong vài năm qua đã khiến nhiều người chuyển sang loại cây trồng khác.
Tuy nhiên, tổng sản lượng cao su xuất khẩu của Lào trong những năm qua lại đang tăng lên.
Năm 2017, Lào xuất khẩu 153,4 triệu USD cao su, tăng lên 168,1 triệu USD vào năm 2018 và gần 217,5 triệu USD vào năm 2019, theo Bộ Công Thương Lào. Năm 2019, Trung Quốc cũng phê duyệt hạn ngạch lớn cao su xuất khẩu tại tỉnh Luang Namtha, miền Bắc Lào. Năm 2017, Trung Quốc đặt hàng 10.000 tấn cao su Lào và tăng lên 20.000 tấn vào năm 2020.
Theo Bộ Nông Lâm Lào, nước này hiên có gần 300.000 ha cao su, do cả doanh nghiệp đầu tư và người trồng hộ gia đình. Thị trường xuất khẩu cao su chính của Lào là Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.
(Nguồn: Tạp chí Lào Việt)