Cây cầu mơ ước ở A Liêng

Kô Kăn Sương |

Thời gian gần đây, mỗi lần về thăm quê nội ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị), tôi cảm nhận được rất nhiều sự đổi thay trên mảnh đất yêu thương này. Điều đặc biệt là từ ngày có cây cầu bằng bê tông vững chãi bắc qua dòng sông Đakrông huyền thoại, người dân quê tôi thuận lợi hơn trong việc đi lại, cũng như có điều kiện để vượt khó xây dựng cuộc sống ấm no…

Qua sông bằng cầu tạm

Thôn A Liêng chỉ nằm cách tuyến đường Hồ Chí Minh tầm 1 km. Nơi đây ngày xưa là một vùng quê cách mạng. Người Pa Kô luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, dũng cảm, kiên cường trong mọi khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân quê tôi đều tích cực tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng nằm vùng, tiếp tế lương thực, đạn dược cho bộ đội chiến đấu, góp sức vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thôn A Liêng bình yên dưới chân núi - Ảnh: K.S
Thôn A Liêng bình yên dưới chân núi - Ảnh: K.S

Sau hàng chục năm kể từ ngày quê hương sạch bóng quân thù, người dân A Liêng quyết tâm đoàn kết, chung sức xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên, do có dòng sông Đakrông chạy qua trước đường vào trung tâm của thôn nên việc đi lại của người dân nơi đây gặp nhiều trở ngại. Tôi còn nhớ ngày thơ bé, mỗi lần gia đình về thăm nội vào mùa mưa, nước sông Đakrông sâu ngập quá cổ người lớn, để vào được thôn chúng tôi phải nhờ những thanh niên khỏe mạnh chèo thuyền gỗ qua đón. Mùa hè nước cạn ngang bụng hoặc đầu gối thì người lớn cõng trẻ nhỏ trên lưng, dắt tay nhau lội qua dễ dàng hơn. Những lúc mưa lớn, nước dâng cao, cả nhà tôi phải đứng phía bên này sông dõi mắt qua phía bên kia nhà nội, may mắn lắm chỉ gặp gỡ, thăm hỏi những người dân sống ngoài đường chính rồi tiếc nuối gửi lại gạo, muối, mì chính, kẹo bánh…cho ông nội, các cô chú và những cháu nhỏ trong thôn để khi nào nước rút nhờ họ đưa vào rồi quay trở lại Khe Sanh. Mỗi lần sau chuyến về thăm quê, chia tay họ hàng, bà con ở A Liêng, ai nấy đều bịn rịn. Xúc động nhất là cảnh các cô, chú, bác ai cũng gùi trên lưng chiếc a chói, bên trong chứa những loại nông sản như bí ngô, bắp, mía, dưa gang…được hái trên rẫy từ sáng sớm, lội qua sông để làm quà tặng cho chúng tôi.

Để khắc phục tình trạng phải lội sông hay đi thuyền, người dân quê tôi sáng kiến cùng nhau vào rừng kiếm gỗ, chặt tre, lấy mây về làm cầu tạm. Công cuộc làm cầu tre cũng rất gian nan, vất vả vì cần những người có sức khỏe mới băng rừng, vượt suối đi bộ hàng giờ đồng hồ để tìm kiếm vật liệu. Khi đã có đủ gỗ làm trụ, tre làm thân cầu, mây làm dây cột, mọi người trong thôn cùng tập trung lại kết tre thành bè làm nền cầu, tay vịn thanh cầu, đào hố sâu chôn những cây gỗ xuống để làm trụ cầu. Do hai bờ sông cách xa nhau hơn 100 m nên việc làm cầu mất khá nhiều thời gian và công sức. Có cầu tạm, người dân A Liêng tiện hơn khi đưa, đón con đi học, thăm thân, gùi, cõng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày của gia đình…Tuy nhiên, việc đi qua cầu cũng rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Đã có nhiều trường hợp do cầu yếu, không cẩn thận, các cháu bị rơi xuống sông, may được người lớn ứng cứu kịp thời. Bao nhiêu công sức của bà con đổ ra để dựng cầu nhưng tuổi thọ của cầu tre lại quá ngắn, chủ yếu sử dụng được vào mùa nắng nóng, hạn hán. Vào mùa mưa lũ, nước sông Đakrông dâng cao, cây cầu trở nên mỏng manh và dễ dàng bị cuốn trôi theo dòng nước. Cảnh cả thôn bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài bởi mưa lũ vì thế thường xuyên xảy ra ở A Liêng. Không bỏ cuộc, sau khi mưa lũ đi qua, người dân quê nội lại tiếp tục động viên nhau dựng chiếc cầu tre khác để phục vụ đi lại. Giao thông cách trở, ảnh hưởng đến việc làm ăn, buôn bán, học tập của người dân, con em ở A Liêng rất lớn. Cuộc sống cách sông, trở đò ở quê nội tôi cứ thế tiếp diễn rất nhiều năm. Ông Hồ Văn Phiên, người dân thôn A Liêng nhớ lại: “Do sự cách trở về đường sá nên hạn chế việc phát triển kinh tế của dân bản. Vì vậy, tình trạng đói nghèo, trẻ em thất học ở A Liêng vẫn thường xuyên xảy ra. Chúng tôi mơ ước có được cây cầu kiên cố bắc qua sông đã bao đời nay …”.

Trước đây, để qua sông Đakrông, người dân A Liêng phải tự làm cầu tạm nên việc đi lại rất nguy hiểm - Ảnh: K.S
Trước đây, để qua sông Đakrông, người dân A Liêng phải tự làm cầu tạm nên việc đi lại rất nguy hiểm - Ảnh: K.S

Thỏa niềm ước mong

Cách đây khoảng gần 4 năm, người dân thôn A Liêng và các thôn lân cận vỡ òa sung sướng trước sự kiện khởi công xây dựng công trình cầu A Liêng từ nguồn vốn tài trợ của nước ngoài. Ai cũng háo hức chờ đợi một chiếc cầu mới kiên cố bắc qua dòng sông Đakrông huyền thoại. Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ Văn Nhiếp cho biết: “Trước thực trạng khó khăn trong việc đi lại, đặc biệt là thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa lũ của người dân thôn A Liêng nói riêng và các thôn trong xã nói chung, Đảng ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở xã Tà Rụt thường xuyên kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ xây dựng cầu kiên cố, giúp người dân yên tâm, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, cử tri thôn A Liêng và xã Tà Rụt mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất hỗ trợ xây dựng cầu, tạo mọi điều kiện để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhờ vậy, năm 2017, 2 công trình cầu A Liêng và cầu Vực Leng với tổng kinh phí 18,6 tỉ đồng được khởi công xây dựng. Một năm sau đó, những cây cầu này hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng, chấm dứt tình trạng sử dụng cầu tạm hoặc bị cô lập hoàn toàn trong mùa mưa lũ ở 2 thôn này”.

Bây giờ, mỗi lần về làng, nhờ có cây cầu cùng với con đường bê tông rộng đẹp vào trung tâm thôn, chỉ cần vài phút, xe ô tô đã đưa chúng tôi băng qua sông Đakrông, chạy thẳng đến tận hiên nhà nội. Sau hơn 2 năm từ ngày có cầu, ai cũng cảm nhận được nhiều đổi thay trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân thôn A Liêng. Việc đi lại, buôn bán, làm ăn, lưu thông hàng hóa hết sức thuận lợi. Đặc biệt, nhờ qua sông an toàn mà đường đến trường của học sinh trong thôn bớt gian nan hơn. Nhiều hộ dân quyết tâm thoát nghèo, vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ chỗ chỉ áp dụng phương thức canh tác lạc hậu, làm lúa rẫy, trồng các loại cây có năng suất, chất lượng thấp, nay người dân quê tôi đã biết mua máy cày cầm tay, làm ruộng nước, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp như đầu tư trồng chuối, dứa, bắp, trồng rừng lấy gỗ; xây dựng chuồng trại để chăn nuôi tập trung; mua sắm các trang thiết bị nghe, nhìn hiện đại, xe đạp, xe máy làm phương tiện đi lại; xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang…Trưởng thôn A Liêng Hồ Văn Bơn vui vẻ nói: “Trước đây chưa xây cầu thì đời sống người dân A Liêng vô cùng khó khăn do thường xuyên cách trở với bên ngoài. Từ ngày có cây cầu kiên cố, thuận tiện hơn trong mọi việc nên ai cũng phấn khởi lo làm ăn. Nhờ thế số hộ nghèo trong thôn giảm rõ rệt qua từng năm. Hiện toàn thôn có 201 hộ/826 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Pa Kô sinh sống. Nếu như năm 2018 toàn thôn có 101 hộ nghèo thì năm 2019 giảm còn 91 hộ và năm 2020 giảm còn 76 hộ. Tiêu biểu có các hộ gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả như ông Hồ Văn Riêng, Hồ Văn Khăng, Hồ Văn Bon…Đặc biệt, khi có cầu, con em trong thôn đi học rất thuận lợi, phụ huynh yên tâm tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, đầu tư cho con cái ăn học đầy đủ hơn; mọi người cùng tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Từ ngày được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng cầu mới, đời sống vật chất và tinh thần người dân thôn A Liêng có nhiều đổi thay - Ảnh: K.S
Từ ngày được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng cầu mới, đời sống vật chất và tinh thần người dân thôn A Liêng có nhiều đổi thay - Ảnh: K.S

Cầu mới nối nhịp đôi bờ sông Đakrông, nối dài niềm vui của người dân quê tôi. Từ nay, người dân thôn A Liêng và các thôn lân cận không còn thấp thỏm lo âu mỗi khi băng qua sông Đakrông, nhất là vào mùa mưa lũ. Cây cầu không chỉ mang theo những khát vọng của người dân về một cuộc sống ấm no, mà còn mang đến cho họ cảm giác an toàn. Ngày bước chân trên chiếc cầu mới, lòng tôi cũng rộn rã niềm vui. Tôi thầm ước giá như các thế hệ đi trước được chứng kiến sự đổi thay của quê hương từng ngày nhờ có cây cầu mơ ước từ bao đời này, thì niềm vui sẽ trọn vẹn biết bao…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Chu Thanh Vân |

Bộ Nội vụ vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Nín thở lội cầu tràn ngập nước mỗi lúc trời mưa

Hưng Thơ |

Mùa nắng, nhưng chỉ cần một cơn mưa nhỏ, cầu tràn trên tuyến tỉnh lộ 586 dẫn vào các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lại ngập nước. Để lưu thông, người dân nín thở lội bộ hoặc điều khiển các phương tiện vượt tràn, đối diện nhiều nguy hiểm.

Sản lượng đá trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng 40% nhu cầu xây dựng

Nhơn Bốn |

Ngày 27/5/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra tình hình khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và làm việc với các doanh nghiệp khai thác đá tại khu vực Tân Lâm, huyện Cam Lộ. 

Người làm “cầu nối” đưa dược liệu Cam Lộ ra thế giới

Anh Vũ |

Những ngày đầu tháng 4/2021, lần đầu tiên lô hàng gần 1 tấn cao dược liệu an xoa của huyện Cam Lộ (Quảng Trị) được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.