Cơ sở để tiếp bờ nguồn khí từ mỏ Kèn Bầu

Tuệ Linh |

Vừa qua, một sự kiện được nhiều người quan tâm đó là Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng Eni Việt Nam Luca Dragonetti (thuộc Tập đoàn Năng lượng Eni của Italia) cùng đoàn công tác đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Quảng Trị. Chuyến làm việc này trên cơ sở tiếp nối các nội dung lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã thảo luận với công ty tại TP. Hồ Chí Minh vào giữa tháng 12/2020, thể hiện mong muốn Quảng Trị hợp tác với Công ty Năng lượng Eni Việt Nam để kết nối tiếp bờ nguồn khí từ mỏ Kèn Bầu vào Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị mà công ty đang khai thác thăm dò; đồng thời xem xét triển khai các dự án năng lượng sử dụng nguồn khí tự nhiên từ mỏ Kèn Bầu và các sản phẩm công nghiệp từ dầu khí như phân đạm, bột giặt, chất dẻo… và nhiều loại hàng hóa khác.

Vậy cơ sở thực tiễn và pháp lý nào dẫn đến các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với công ty trong khi vấn đề này cùng lúc được nhiều tỉnh trong khu vực mong đợi, nhưng phía Công ty Năng lượng Eni Việt Nam đã chọn làm việc với Quảng Trị. Đó là khát vọng hợp tác đầu tư phát triển ngành năng lượng của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, xem đây là bước ngoặt mở ra để đưa Quảng Trị phát triển. Công ty Năng lượng Eni Việt Nam có tập đoàn mẹ là Eni ở Italia, là công ty công nghiệp lớn nhất tại Italia, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tại 66 quốc gia trên thế giới.

Giám đốc điều hành Luca Dragonetti (giữa) của Công ty Năng lượng Eni Việt Nam cho biết đồng ý hợp tác với Quảng Trị trong việc đưa khí từ mỏ Kèn Bầu tiếp bờ - Ảnh: TÚ LINH​
Giám đốc điều hành Luca Dragonetti (giữa) của Công ty Năng lượng Eni Việt Nam cho biết đồng ý hợp tác với Quảng Trị trong việc đưa khí từ mỏ Kèn Bầu tiếp bờ - Ảnh: TÚ LINH​

Thời gian qua, Công ty Năng lượng Eni Việt Nam đã tiến hành khoan 2 giếng, thu thập khá nhiều tài liệu về mẫu chất lưu cho thấy tích tụ hydrocarbon đáng kể tại Kèn Bầu, ước tính từ 7 đến 9 nghìn tỉ feet khối khí tự nhiên tại chỗ và khoảng từ 400 - 500 triệu thùng condensate (còn gọi là khí ngưng tụ hay lỏng đồng hành, là dạng trung gian giữa dầu và khí). Lô Kèn Bầu 114 nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km. Kết quả khoan giếng 114-Kèn Bầu1X năm 2019 và 114-Kèn Bầu-2X năm 2020 đã khẳng định hệ thống dầu khí tại khu vực Kèn Bầu nói riêng, khu vực Lô 114 và các lô phụ cận rất nhiều. Vì vậy, việc công ty tiếp bờ nguồn khí từ mỏ Kèn Bầu vào đất liền Quảng Trị là lợi thế hơn hẳn các địa phương khác.

Về cơ sở pháp lý, Quảng Trị đã tạo ra những lợi thế đầy đủ cho việc phát triển ngành năng lượng lâu dài. Đó là Thủ tướng Chính phủ có Quyết định vào năm 2017 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, các dự án hạ tầng công nghiệp khí chính đã được quy hoạch tại Quảng Trị gồm: Hệ thống ống dẫn khí từ mỏ Báo Vàng về Quảng Trị chiều dài 120 km; hệ thống đường ống thu gom từ Lô 105 - 110 và Lô 111-113 kết nối với đường ống mỏ Báo Vàng - Quảng Trị; đường ống cao áp GDC (trung tâm phân phối khí) tới các nhà máy điện tại Quảng Trị…; Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển khí và các dự án có nhu cầu sử dụng khí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Quy hoạch chung Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dành phần lớn quỹ đất cho phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp dầu và khí…

Trong ba trụ cột chiến lược phát triển từ năm 2021 - 2025, tỉnh Quảng Trị xác định gồm công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, trong đó chú ý đến những lợi thế của địa phương là phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; chế biến nông lâm, thủy sản; chế biến gỗ, dệt may… Trong chiến lược phát triển công nghiệp, Quảng Trị đã đưa vào nghị quyết phát huy lợi thế, ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo gồm điện khí, điện gió, điện mặt trời.​   

Công tác chuẩn bị và tính sẵn sàng của tỉnh Quảng Trị để tiếp nhận mỏ khí Kèn Bầu tiếp bờ tại Khu Kinh tế Đông Nam được quy hoạch đầy đủ với cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hiện tại, Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị có 3 dự án điện khí đang triển khai thủ tục đầu tư với tổng công suất 6.340MW sẵn sàng tiêu thụ khí Kèn Bầu khi tiếp bờ. Đó là nhà máy điện của Gazprom International của Nga công suất 340 MW; Trung tâm điện khí LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) Hải Lăng của Công ty Cổ phần T&T công suất 2 giai đoạn 4.500 MW; Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1- Quảng Trị của liên danh Công ty TNHH Tài Tâm và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Kinh doanh bất động sản Thăng Long, công suất 1.500 MW. Cảng hàng không Quảng Trị vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết để tỉnh Quảng Trị kêu gọi đầu tư khởi công trong năm 2021, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư đến Quảng Trị tìm kiếm cơ hội, hợp tác phát triển.

Về chính sách vĩ mô, Chính phủ, các bộ, ngành quyết liệt tạo điều kiện cho Quảng Trị phát triển mạnh ngành năng lượng tái tạo đúng với lợi thế của địa phương. Mới nhất, vào ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng nhằm đầu tư xây dựng nhà máy điện khí độc lập tại xã Hải An và Hải Ba trên tổng diện tích hơn 140 ha, sử dụng LNG để hoạt động. Nhà máy có quy mô giai đoạn 1 là 1.500 MW, quy mô, công suất, tiến độ giai đoạn 2 đến 3.000 MW. Thủ tướng Chính phủ còn giao Bộ Công thương hướng dẫn về nguồn khí cung cấp cho dự án, trong đó tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị gồm Kèn Bầu - Lô 114, Báo Vàng - Lô 113. Trên cơ sở này, tại thông báo mới đây của Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã được định hướng phát triển thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Như vậy, xét về mọi điều kiện, góc độ, Quảng Trị đã cố gắng để có được các tiêu chí thuận lợi nhất, đúng pháp luật để Công ty Năng lượng Eni Việt Nam đồng ý tiếp bờ nguồn khí từ mỏ Kèn Bầu và đầu tư vào địa phương.

Sau khi thảo luận và nghiên cứu đề xuất của các bên, Giám đốc điều hành Luca Dragonetti cho biết đồng ý hợp tác với Quảng Trị trong việc đưa khí từ mỏ Kèn Bầu vào bờ tiêu thụ. Ông Luca Dragonetti rất thiện chí khi biết tỉnh Quảng Trị mong muốn hợp tác với công ty trong lĩnh vực phát triển điện khí và quan tâm đến mỏ Kèn Bầu. Hiện công ty này đang thăm dò khai thác và với hai giếng vừa khoan cho thấy Kèn Bầu có trữ lượng khí rất lớn. Theo ông Luca Dragonetti, vấn đề đưa ống dẫn khí từ mỏ Kèn Bầu vào bờ không khó, có thể công ty sẽ triển khai rất nhanh cũng như việc xây dựng nhà máy xử lý khí. Vì vậy công ty mong muốn tỉnh Quảng Trị quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, tạo thuận lợi cho việc tiếp khí vào bờ cũng như mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 đưa vào sử dụng vào khoảng năm 2025, trước 1 đến 2 năm so với kế hoạch là năm 2026-2027 để có thể tiêu thụ được nguồn khí từ mỏ Kèn Bầu. Phía công ty cũng cam kết các dự án đầu tư tại Quảng Trị tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố bảo vệ môi trường như công ty đã đầu tư ở các nước trên thế giới. 

“Hợp tác đầu tư phát triển năng lượng tại Quảng Trị thì công ty sử dụng đến 80% lao động người địa phương, đó là chính sách phát triển của đơn vị tại các nước trên thế giới”, Giám đốc điều hành Luca Dragonetti cho biết.  

Phân tích khả năng hợp tác đầu tư của Công ty Năng lượng Eni Việt Nam vào Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị trong lĩnh vực năng lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, nếu nhà đầu tư đưa dòng khí từ mỏ Kèn Bầu tiếp bờ ở Khu kinh tế Đông Nam sẽ thúc đẩy hình thành hệ thống nhà máy xử lý khí trước khi bán khí cho các nhà máy sản xuất điện, trong đó có nhà máy điện khí độc lập tại xã Hải An và Hải Ba công suất giai đoạn 1 đến 1.500 MW sử dụng khí hóa lỏng để hoạt động. Việc này góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến khí phát triển năng động, kéo theo cơ hội việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Xét về nguyên lý, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị hoạt động trên cơ sở nhập khẩu khí từ các nước trong khu vực và thế giới để sản xuất điện.

Qua phân tích cho thấy nguồn cung LNG thế giới trước năm 2030 được đánh giá dồi dào, đáp ứng được khối lượng LNG cần cho thị trường Việt Nam cũng như Quảng Trị nên địa phương không phụ thuộc hoàn toàn vào Công ty Năng lượng Eni Việt Nam trong việc phát triển trung tâm năng lượng nhưng tỉnh mong muốn được hợp tác với công ty vì đây là một tập đoàn công nghiệp quốc tế lớn, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng có uy tín trên thế giới. Vì vậy, sự hợp tác này đều mang đến lợi ích cho hai phía nhà đầu tư và địa phương, góp phần biến khát vọng đưa Quảng Trị thành trung tâm năng lượng miền Trung sớm thành hiện thực. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị mong muốn Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để tỉnh sớm triển khai các dự án năng lượng nói trên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

2 tuần mắc kẹt, thợ mỏ Trung Quốc sống sót kỳ diệu thế nào?

Ngọc Vân |

11 thợ mỏ Trung Quốc bị mắc kẹt trong một mỏ vàng hơn hai tuần đã được giải cứu hôm 24.1.

Sập mỏ vàng ở Trung Quốc: 12 người vẫn còn sống sau 1 tuần bị mắc kẹt

Vũ Anh Tuấn |

12 thợ mỏ bị kẹt trong vụ nổ làm sập một mỏ vàng ở tỉnh Sơn Đông (miền Đông Trung Quốc) cách đây một tuần vẫn còn sống.

Nổ mỏ vàng ở Trung Quốc, 22 công nhân mắc kẹt dưới lòng đất

Phương Minh |

Một vụ nổ mỏ vàng xảy ra vào chiều 10.1 tại Sơn Đông, Trung Quốc khiến 22 công nhân mắc kẹt dưới lòng đất.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và giấc mơ mòn mỏi

Nhị Hường |

Thảm cảnh về một trường bắn lạc hậu với hệ thống bia giấy không còn nước nào sử dụng tại Việt Nam được phơi bày khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt tấm HCV Olympic 2016. Đến giờ, qua 4 năm, nó tiếp tục trở thành vấn đề bức bách vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị đăng cai SEA Games 31.