Công nghiệp năng lượng, với trọng tâm là điện gió được kỳ vọng sẽ là bước đột phá, góp phần “thay áo mới” cho nền kinh tế của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
Đóng góp 30% - 40% ngân sách địa phương
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025, tính đến năm 2030. Trên cơ sở đó, đến nay tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 84 dự án điện gió, trong đó 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng cổng suất 1.190MW. Tỉnh Quảng Trị cũng đã đề xuất Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch trên 70 dự án năng lượng với tổng công suất khoảng 10.700 MW, trong đó có 53 dự án điện gió với tổng công suất trên 2.853 MW cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong tổng số 31 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, tính đến cuối năm 2021, có 17 dự án với tổng công suất trên 610 MW đưa vào vận hành trước ngày 1/11/2021, đưa Quảng Trị trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi cố định (giá FIT) theo quy định của Chính phủ. Những dự án còn lại đang được các chủ đầu tư tiếp tục thi công hoàn thiện để đưa vào vận hành thương mại trong thời gian sớm nhất.
Đối với những dự án tỉnh Quảng Trị đang đề xuất Bộ Công thương xem xét bổ sung, nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) thì việc Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030 sẽ sớm trở thành hiện thực.
Hiện tỉnh Quảng Trị đang tập trung rà soát lại các dự án năng lượng dự kiến đề xuất Bộ Công thương xem xét đưa vào tổng sơ đồ Quy hoạch điện VIII, đảm bảo đến năm 2030 tỉnh Quảng Trị phải có tổng công suất đưa vào sơ đồ quy hoạch điện quốc gia ít nhất 10.000 MW; đầu tư dự án Trạm 500kV Lao Bảo và đường dây 500kV Đông Hà - Lao Bảo để giải tỏa hết công suất của các dự án năng lượng trên địa bàn trong tương lai.
Trên cơ sở phê duyệt của Trung ương, tỉnh Quảng Trị sẽ xây dựng quy hoạch cụ thể về phát triển năng lượng của tỉnh để tính toán lựa chọn nhà đầu tư có năng lực cho giai đoạn tiếp theo. Lập đề án giải quyết các vần đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, đánh giá tác động môi trường, giải quyết sinh kế cho người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, vấn đề kết nối giao thông… tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút nhà đầu tư vào các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, địa phương hội tụ nhiều điều kiện tốt để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng bao gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở phía Đông, tỉnh Quảng Trị kỳ vọng sẽ là bước đột phá năng động, táo bạo, góp phần “thay áo mới” cho nền kinh tế của tỉnh giai đoạn tiếp theo với tính toán ngành năng lượng điện sẽ đóng góp từ 30% - 40% ngân sách địa phương. Đây sẽ là nguồn thu rất có ý nghĩa cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai gần.
Với quyết tâm rất lớn, thời gian qua cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc rất tích cực để hỗ trợ nhà đầu tư, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án năng lượng, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện khí. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng đã có các buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Quảng Trị khai thác hết tiềm năng của địa phương.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Bên cạnh việc góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, các dự án điện gió trên địa bàn còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhất là vùng miền núi phía tây Quảng Trị. Chỉ tính riêng năm 2021, các dự án điện gió đầu tư tại huyện Hướng Hóa đóng góp ngân sách gần 1.200 tỉ đồng, trong đó thuế nhập khẩu thiết bị trên 950 tỉ đồng, VAT phát sinh trong xây dựng cơ bản trên 200 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, với lực lượng lao động nông thôn dồi dào, việc có nhiều dự án đầu tư vào Quảng Trị sẽ giúp cho thị trường việc làm phát triển. Đây cũng là cơ hội để lao động địa phương, nhất là ở vùng miền núi thuận lợi hơn trong tìm việc làm với nhiều ngành nghề tuyển dụng hơn. Hầu hết, các dự án đều cam kết tuyển dụng lao động địa phương nếu đủ điều kiện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sang giai đoạn vận hành, tiêu chí tuyển dụng lao động cho các dự án sẽ được nâng lên, đòi hỏi lao động phải có trình độ, tay nghề và phù hợp với ngành nghề tuyển dụng. Thực tế này đặt ra vấn đề địa phương cần đi trước, đón đầu cơ hội để tạo việc làm cho lao động tại chỗ.
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, việc tuyển dụng lao động kỹ thuật trong giai đoạn vận hành của các dự án điện gió yêu cầu công nhân có tay nghề cao, trong khi đó, nguồn lao động có tay nghề về cơ khí điện tử, điện, nhiệt điện, vận hành, kỹ thuật điện trên địa bàn huyện Hướng Hóa còn thiếu.
Để đào tạo đội ngũ lao động tại địa phương có trình độ, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, chính quyền địa phương đã đề ra các giải pháp trước mắt như: Có cơ chế làm việc, đối thoại với doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án để biết nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, qua đó mở các lớp đào tạo nghề phù hợp cho lao động địa phương trong vùng dự án. Chú trọng tuyên truyền, vận động người lao động tích cực học nghề nhằm nâng cao trình độ, đồng thời có chính sách miễn, giảm học phí trong đào tạo nghề cho người lao động trong vùng dự án thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện một số dự án điện gió ở Hướng Hóa có cách làm hay, đó là tuyển dụng lao động đủ điều kiện, sau đó hỗ trợ kinh phí cho đi học việc tại các dự án điện gió đã đi vào hoạt động. Đây là cách nhanh nhất giúp người lao động tiếp cận với công việc của mình, cũng như tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này.
Đồng thời, khi những dự án điện gió đi vào hoạt động cũng là lúc những con đường mà các chủ đầu tư công trình điện gió xây dựng để vận chuyển vật liệu, trang thiết bị trước đó bàn giao cho chính quyền địa phương. Hạ tầng giao thông này đặc biệt có ý nghĩa với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và nối những bản làng vùng cao với thế giới bên ngoài. Thống kê từ ngành chức năng cho thấy, đã có trên 80km đường công vụ phục vụ thi công được đầu tư kiên cố, thảm nhựa, trị giá đầu tư trên 800 tỉ đồng sau khi các dự án điện gió hoàn thành.
Nhiều chủ đầu tư dự án điện gió cam kết với địa phương tạo hướng mở trong phát triển kinh tế cho bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số bằng việc chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch. Huyện Hướng Hóa trong những năm gần đây chú trọng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, sau khi các dự án điện gió hoàn thành đã trở thành điểm đến của nhiều du khách; góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch ở địa phương này; kỳ vọng tạo điểm nhấn độc đáo kích cầu ngành du lịch phía tây Quảng Trị phát triển, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi.