Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh: Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Hoàng Nam Bằng |

Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh (Quảng Trị) được thành lập và đi vào hoạt động đến nay đã 5 năm. Từ một tổ hợp may buổi đầu với vài chục công nhân, nằm trong khu vực Trường Dạy nghề nông dân tỉnh, đến năm 2017 khi xây dựng xong nhà máy ở Khu công nghiệp Quán Ngang, số lượng công nhân tăng lên 400 người. Từ năm 2019 đến nay ổn định ở mức 500 cán bộ, công nhân. Trong đó có khoảng 50 người có trình độ đại học, một số người có chuyên môn nghiệp vụ khá cao, thành thạo về ngoại ngữ, có khả năng giao tiếp với khách nước ngoài.


5 năm qua ghi dấu một chặng đường phát triển của công ty, được các đơn vị, đối tác tin tưởng, đặc biệt là công ty từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về sản xuất may mặc. Ông Hồ Quốc Toản, Trưởng Ban giám sát, đồng sáng lập công ty, nguyên là cán bộ lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Trị. Sau khi nghỉ hưu, với tâm huyết muốn đóng góp vào sự phát triển của quê hương, giải quyết việc làm cho người lao động, ông tìm hiểu thị trường, đối tác, huy động các nguồn vốn, cùng với các cổ đông sáng lập đặt nền móng cho việc thành lập công ty.

Sản phẩm của Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh: H.N.B​
Sản phẩm của Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh: H.N.B​

Dẫn chúng tôi đi tham quan xung quanh nhà máy, ông Toản cho biết, công ty được xây dựng trên diện tích 2,5 ha, nằm trong Khu công nghiệp Quán Ngang, tổng vốn đầu tư đến nay là 80 tỉ đồng, bao gồm cả máy móc, nhà xưởng. Trong đó nhà máy may, khu vực làm việc hành chính, nhà ăn được xây dựng khang trang, thoáng mát, sạch sẽ. Ngoài ra còn có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, thuận lợi cho người lao động. Trải qua quá trình xây dựng, tuân thủ các quy định về lao động, môi trường, an sinh xã hội… vừa qua công ty được tổ chức WRAP Hoa Kỳ cấp chứng nhận đạt trách nhiệm toàn cầu về sản xuất may mặc. Để có được chứng nhận này, các đơn vị sản xuất trong ngành may mặc phải đáp ứng các nguyên tắc của WRAP như: Tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành; cấm phân biệt đối xử; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; đảm bảo tiền lương, phúc lợi, thời gian làm việc…Công ty trở thành một trong 430 doanh nghiệp may mặc của Việt Nam có tên trong bản đồ may thế giới được cấp chứng nhận quốc tế (cả nước có khoảng 7.000 doanh nghiệp may mặc). Việc được cấp chứng nhận WRAP là thuận lợi rất lớn để công ty tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, được ký hợp đồng với các đối tác, thương hiệu lớn. Hàng của công ty được xuất sang các thị trường khó tính đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm như Mỹ, Nhật, các nước EU…

Ngoài việc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty cũng luôn quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Ngay từ khi mới thành lập đã có tổ chức công đoàn, nhằm bảo vệ quyền lợi, thăm hỏi, động viên công nhân khi ốm đau, hoạn nạn. Ông Toản cho biết thêm, tất cả các quyền lợi của người lao động được quy định bởi các văn bản pháp luật đều được công ty nghiêm túc chấp hành như chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ lúc ốm đau, thai sản, chế độ làm thêm ngoài giờ, làm thêm trong ngày nghỉ đều được thực hiện đầy đủ. Ngoài tiền lương bình quân khoảng 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, công nhân còn được hỗ trợ tiền xăng xe đi lại, tiền ở trọ, tiền khuyến khích chuyên cần hằng tháng, các loại tiền bảo hiểm, tiền lễ, tết… Tính tổng cộng tiền thu nhập mỗi tháng của người lao động cũng hơn 6 triệu đồng/người.

Sự ra đời của công ty góp phần giải quyết việc làm cho một số lượng khá lớn người lao động trên địa bàn huyện Gio Linh và các địa phương lân cận, nhất là tạo việc làm cho con em nông dân ở một địa phương còn khó khăn như Gio Linh. Chị Bùi Thị Thuận, (30 tuổi), quê ở xã Gio Quang, Gio Linh cho biết, chị làm việc ở công ty đến nay được 5 năm, thu nhập hằng tháng khoảng 6,5 triệu đồng. Ngoài ra còn được công đoàn và công ty quan tâm, cuối năm được hưởng lương tháng 13. Chị rất an tâm vì luôn có việc làm ổn định, trước đây khi chưa có công ty phải đi làm xa, nay làm việc gần nhà rất thuận tiện.

Nhờ mở rộng sản xuất, áp dụng các giải pháp kỹ thuật mà doanh thu công ty tăng trưởng hằng năm khá cao. Năm 2017 đạt 32 tỉ đồng; năm 2018 là 55 tỉ đồng; năm 2019 lên tới gần 83 tỉ đồng; năm 2020 vừa qua do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên doanh thu chỉ còn 55 tỉ đồng.

Khó khăn nhất mà công ty phải đối mặt trong năm 2020 là chịu ảnh hưởng rất lớn của COVID-19, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, thêm vào đó là thiên tai liên tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều cán bộ, công nhân. Doanh thu của công ty trong năm 2020 giảm tới 28 tỉ đồng so với năm trước. Trong hoàn cảnh đó công ty vẫn tìm mọi cách để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và quyền lợi của người lao động. Tuy tiền lương và thu nhập có thấp hơn năm trước nhưng công ty vẫn tiếp tục tuyển thêm lao động mới. Cuối năm 2020 vẫn dành khoản tiền khá lớn để cán bộ, công nhân có được tiền lương tháng 13, đó là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh để người lao động gắn bó lâu dài với công ty.

Một trong những vốn quý là công ty có đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề. Sau những năm tuyển dụng, sàng lọc đến nay những người làm việc trong công ty đều yêu ngành, yêu nghề, có kỹ năng, ý thức chấp hành kỷ luật. Đội ngũ cán bộ quản lý trẻ trung, cầu tiến, tự tin, chủ động làm việc với các đối tác trong và ngoài nước.

Công ty tự đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh trong lĩnh vực may mặc cả nước, hoạt động đa năng, cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo chuẩn quốc tế. Văn hóa của công ty là: Đoàn kết - chia sẻ - sáng tạo, mọi người vì một người, một người vì mọi người, luôn nâng cao tính chuyên nghiệp, tận tâm, minh bạch, trí tuệ trách nhiệm. Giá trị cốt lõi là đảm bảo sự hài lòng của khách hàng về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.

Trong những năm qua công ty không ngừng đầu tư thêm các phương tiện máy móc hiện đại, đáp ứng nhu cầu tạo ra những sản phẩm tốt cho khách hàng, ngoài 800 máy hiện có, gần đây mua thêm 41 máy lập trình tự động (giá mỗi máy từ 130-150 triệu đồng).

Với những thành tích nêu trên, công ty được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ nộp thuế năm 2019; bằng khen về thành tích trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020…

Ông Hồ Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, kế hoạch của công ty trong năm 2021 này là khởi công xây dựng Nhà máy may số 2 với quy mô khá lớn, tuyển thêm 700 lao động. Riêng về doanh thu, công ty đặt mục tiêu phấn đấu đạt tối thiểu 90- 100 tỉ đồng; tiền lương bình quân tăng 5-10% và tiền thưởng cuối năm bằng 1,5 lần tiền lương bình quân. Công ty cũng hướng tới xuất khẩu trực tiếp FOB (là một thuật ngữ trong thương mại quốc tế) nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho người lao động và nguồn thu ngoại tệ cho đất nước…

TAGS

“Bunpimay Lào” trên đất Cố đô

KhamNoy XaYaSouk |

Giữa tháng 4 là thời điểm chào đón năm mới của các bộ tộc Lào. Hơn 400 du học sinh Lào, đang sinh sống và học tập tại Huế luôn nhớ về Tết Bunpimay, lễ hội Hốt Nặm, cầu mong cuộc sống hạnh phúc và ấm no.

Doanh nghiệp dệt may ra đường tìm, người lao động vẫn vắng bóng

Hưng Thơ |

Công suất nhà máy được nâng lên vì có đầu ra ổn định, doanh nghiệp hứa hẹn mức lương ổn định, nhưng tìm đỏ mắt vẫn chưa đủ số lượng lao động cần tuyển.

“Mái nhà chung” cho những mảnh đời không may mắn

Nguyễn Trang |

Vĩnh Linh (Quảng Trị) là địa phương có số lượng lớn người khuyết tật, nạn nhân da cam và trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác bảo vệ, giúp đỡ đối tượng yếu thế luôn được huyện Vĩnh Linh tích cực chăm lo.

Mời thầu hơn 2,5 tỉ đồng may trang phục cho đại biểu dự Đại hội Đảng bộ

BTL |

Rất nhiều tỉnh tổ chức mời thầu các gói thầu mua sắm vật phẩm quà tặng, cặp da... tặng các đại biểu về dự đại hội đảng bộ tỉnh mình.