Thách thức chưa từng có mà doanh nghiệp phải đối mặt trong năm qua là tác động kép vừa thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất và thị trường đầu ra sản phẩm sau khi COVID-19 bùng phát toàn cầu. Tuy nhiên, trong bộn bề khó khăn, Công ty CP Tổng Công ty thương mại Quảng Trị vẫn bứt phá vươn lên giữ vững thương hiệu của mình.
Biến “nguy” thành “cơ”
Năm 2020, doanh thu của Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị đạt 930 tỉ đồng, đạt 109% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 54,5 tỉ, đạt 108% so với kế hoạch. Mức thu nhập bình quân đạt 9,5 triệu đồng/người/ tháng, tăng 1 triệu đồng/người/tháng so với năm 2019. Mọi chế độ chính sách, phúc lợi của người lao động đều đảm bảo. Đây là minh chứng cụ thể, sinh động về hiệu quả hoạt động của công ty trong bối cảnh một năm đầy khó khăn, thách thức.
Với một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa lĩnh vực như Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị để “đứng vững” trên thương trường trong bối cảnh đầy khó khăn như vậy là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể và người đứng đầu doanh nghiệp trong việc tìm những phương án hoạt động linh hoạt để biến nguy cơ thành cơ hội phát triển. Chia sẻ về bí quyết vượt khó, ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị cho hay: “Tôi rất tâm đắc với câu danh ngôn “Trong họa, phúc thường mọc sẵn. Trong phúc, họa thường chờ sẵn”. Năm 2020, có thể nói là “họa” đối với doanh nghiệp nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp chứng tỏ bản lĩnh, khẳng định thương hiệu bằng việc kiên trì, nỗ lực tìm kiếm cơ hội bám trụ, tồn tại và phát triển. Trong kinh doanh thì doanh nghiệp nào cũng có phương án đối phó với các tình huống xấu xảy ra của thị trường, nhưng khi xảy ra COVID-19 thì mọi kịch bản đều “vỡ trận”. Đã không ít lần ban lãnh đạo công ty tính đến phương án cho nghỉ việc tạm thời một số lao động để giảm chi phí trả lương hay tạm ngừng một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Với các mặt hàng chủ lực của đơn vị sản xuất gồm tinh bột sắn, mủ cao su, chế biến gỗ, viên nén năng lượng hay các loại hình kinh doanh du lịch, dịch vụ tại Khu Boutique Resort ở Cửa Việt thời điểm đầu năm 2020 khi COVID-19 bùng phát, tất cả đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các sản phẩm như tinh bột sắn, mủ cao su, viên nén năng lượng xuất qua thị trường truyền thống Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bị đình trệ do ảnh hưởng dịch bệnh, phía bạn không thông quan. Từ việc không xuất khẩu được nên sản phẩm làm ra bị tồn đọng nhiều. Thời điểm này các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh đều ngừng thu mua vì sản phẩm làm ra không bán được. Tuy nhiên, chia sẻ với khó khăn của người dân, công ty vẫn thực hiện thu mua hết sản phẩm sắn để không bỏ rơi người sản xuất nguyên liệu. Thời điểm đầu công ty gặp khó khăn vì hàng tồn kho quá lớn. Trong lúc sản phẩm xuất khẩu chưa được vì thị trường thế giới đang bị ảnh hưởng của COVID-19 thì tiền lãi vay ngân hàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh đơn vị vẫn phải trả hằng tháng. Khó khăn chồng chất khó khăn…”
“Cần bình tĩnh để tìm cách thích nghi” ông Hiếu tự trấn tĩnh mình. Muốn vậy, phải ổn định tinh thần, tư tưởng cho người lao động bằng việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách mà công ty đã đề ra cho người lao động. Thời gian đầu công ty gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty đã đưa ra những nhận định, phân tích tình hình một cách cụ thể để tìm hướng đi phù hợp nhất. Làm việc với đối tác Trung Quốc lâu năm nên những người đứng đầu doanh nghiệp này đều có chung nhận định: “Thị trường Trung Quốc rộng lớn và có rất nhiều lĩnh vực cần đến sản phẩm tinh bột sắn nên chắc chắn họ sẽ tìm cách nhập hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước”. Vì vậy, trong tháng 4/2020 Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị đã khảo sát và đặt thuê kho ở vùng biên giới rồi chuyển toàn bộ số lượng tinh bột sắn sản xuất trong thời gian qua đến các kho này. Đúng như dự tính, sau một thời gian đóng cửa biên giới, Trung Quốc đã thực hiện cho mở cửa biên giới một tháng/ một lần để nhập hàng hóa. Có sẵn hàng ở các kho xung quanh khu vực cửa khẩu nên khi có lệnh mở cửa biên giới của Trung Quốc là đơn vị nhanh chóng xuất hàng nên bán rất được giá. Nhờ vậy, năm 2020, Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị đã xuất khẩu trên 50 ngàn tấn tinh bột sắn, tăng 10 ngàn tấn so với năm 2019. Đó có thể xem là một “kỳ tích” trong bối cảnh đầy khó khăn của thị trường thời COVID-19.
Với mặt hàng cao su, viên nén năng lượng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc đều “đóng băng”, công ty chuyển chiến lược tìm kiếm thị trường trong nước, linh động trong giải pháp bán hàng bằng việc kết hợp hài hòa lợi ích giữa các bên, cố gắng tạo chuỗi giá trị gia tăng bền vững mà mỗi đơn vị đóng một mắt xích. Luôn đặt vị trí của mình vào vị trí khách hàng để tìm giải pháp tối ưu nhất nhằm giảm chi phí trung gian cho bạn hàng. Đối với mặt hàng cao su, công ty gửi mẫu, hồ sơ bán hàng khi đối tác đồng ý, công ty thuê xe chở hàng đến tận nơi, giúp đối tác đỡ tốn chi phí đi lại giao dịch, vận chuyển, nếu đối tác gặp khó khăn, tiêu thụ sản phẩm chậm, công ty hỗ trợ miễn phí kho chứa hàng “biến kho mình thành kho bạn hàng”. Và sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm của đối tác khi cần thiết để tạo tương tác hai chiều. Nhờ chính sách mềm dẻo này mà thị trường nội địa của mặt hàng cao su và viên nén năng lượng của công ty trong năm 2020 tăng lên đáng kể.
Bên cạnh linh hoạt đề ra các giải pháp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, ông Hiếu cũng nhấn mạnh đến việc thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường như chính sách mới, giá cả, xu hướng tiêu dùng… Qua nhiều kênh thông tin, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như điều hành công việc vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh vừa tiết kiệm chi phí. Những việc làm trên góp phần giúp doanh nghiệp ổn định tình hình, tạo đà phát triển bền vững. Theo ông Hiếu: “Phải có thông tin thì mới đưa ra những nhận định, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp tình hình, thời điểm. Ví như sau dịch tả lợn Châu Phi, người dân sẽ đẩy mạnh tái đàn lợn nên đơn vị chú ý hơn trong phát triển thị trường thức ăn chăn nuôi gia súc. Hay thế giới đang đứng trước sức ép giảm khí thải nhà kính, chắc chắn nhu cầu sử dụng năng lượng sinh học thay thế than đá tăng nên thời gian tới công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất chế biến viên nén năng lượng”, ông Hiếu chia sẻ.
Chia sẻ yêu thương
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá trị làm nên thương hiệu của Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị còn là những hoạt động an sinh xã hội bằng chính tình yêu thương, chia sẻ một cách rất trách nhiệm với cộng đồng.
Khảo sát tận nơi, tìm hiểu từng hoàn cảnh cụ thể để có giải pháp hỗ trợ phù hợp nhất, ngay trong ngày đầu năm 2021, Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị cho ra đời quỹ “Cho con”. Tại lễ ra mắt đã có 16 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, trong đó có 5 em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số được nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi với mức bảo trợ 500 nghìn đồng/cháu/tháng. Mục tiêu của quỹ là bảo trợ tối thiểu 50 cháu mồ côi, nguồn hoạt động được trích từ quỹ khen thưởng phúc lợi, chi phí sản xuất kinh doanh của công ty và sự đóng góp của các nhà hảo tâm (do đích thân ông Hồ Xuân Hiếu đứng ra huy động và chịu trách nhiệm thực hiện) nhằm giúp các em vượt lên mặc cảm để sống và học tập tốt hơn. Ngoài chế độ nhận bảo trợ hằng tháng, vào các dịp lễ, tết, các cháu sẽ được nhận thêm quà tặng là sách, vở, quần áo và cũng sẽ được khen thưởng nếu có thành tích học tập tốt như con em cán bộ công nhân viên của công ty. Để việc bảo trợ các cháu mồ côi tốt hơn, đoàn thanh niên của công ty giao trách nhiệm cho mỗi đoàn viên, thanh niên theo dõi, hỗ trợ việc học tập và cuộc sống hằng ngày của một trẻ mồ côi được bảo trợ. Ông Hiếu cho biết: “Trong số 16 trẻ mồ côi được công ty nhận bảo trợ đợt 1, có những cháu chưa đầy 2 tuổi. Tôi còn 15 năm nữa về hưu, như vậy có nghĩa là đến khi tôi hết làm việc thì vẫn còn trách nhiệm bảo trợ với các cháu.
Thực tế, lâu nay công ty vẫn nhận đỡ đầu, hỗ trợ một số cháu nhưng thường thì trong thời gian ngắn hạn một vài năm. Việc đỡ đầu dài hạn lần này chúng tôi cân nhắc hết sức vì gắn liền với trách nhiệm, uy tín của doanh nghiệp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện vì hoàn cảnh của các em quá đáng thương, cần được tiếp sức dài hơi để vươn lên trong cuộc sống”. Không riêng gì mô hình quỹ “Cho con”, trong suốt những năm qua, song hành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bình quân mỗi năm Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị dành hàng trăm triệu đồng ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, chương trình nối vòng tay nhân ái, ủng hộ các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.
Ngay cả trong thời điểm đơn vị gặp khó khăn khi hàng hóa ứ đọng hàng chục nghìn tấn sắn sản phẩm do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng công ty vẫn dành một phần nguồn vốn 500 triệu đồng doanh nghiệp vay của ngân hàng cầm cự sản xuất để cho khoảng 100 nông dân vay lại (không tính lãi suất), mới mức hỗ trợ mỗi hộ gia đình từ 5 - 10 triệu đồng. Hành động doanh nghiệp vay tiền, trả lãi cho ngân hàng nhưng không để kinh doanh mà để “cứu đói”, giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn lúc giáp hạt, dịch bệnh xảy ra của Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị đã khiến nhiều người ngưỡng mộ. Có lẽ chính vì những việc làm xuất phát từ tâm của doanh nghiệp đã làm nên giá trị thương hiệu vững bền cho Sepon Group.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)