COVID-19 nổ ra đúng thời điểm khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng có chiều hướng gia tăng.
Theo dự báo mới nhất của Liên hợp quốc, suy giảm kinh tế do tác động của đại dịch khiến thế giới có thêm 132 triệu người rơi tình cảnh thiếu đói bên cạnh 690 triệu người đã thuộc diện này từ trước. Cùng lúc, sẽ có khoảng 135 triệu người phải chịu ảnh hưởng từ mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Dịch bệnh có xu hướng thuyên giảm ở một số quốc gia, khi số ca mắc mới giảm. Nhưng COVID-19 lại lây lan mạnh tại nhiều khu vực khác. Đây vẫn là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, cần phải có giải pháp tầm thế giới.
Đại dịch tác động mạnh tới cuộc sống của con người, gây ảnh hưởng đứt gãy đối với ngành nông nghiệp. Nếu không hành động nhanh chóng, thế giới có thể sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, gây hậu quả dài hạn đối với hàng trăm triệu người lớn và trẻ em. Khủng hoảng xuất phát từ việc không có sẵn nguồn cung lương thực, thực phẩm, khi thu nhập bị giảm, tiền kiều hối giảm, còn giá cá các mặt hàng lương thực lại tăng.
Nông nghiệp vẫn là thành tố quan trọng, đáng tin cậy trong nền kinh tế và ổn định toàn cầu, là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, thu nhập, việc làm cho các cộng đồng nông thôn ngay cả khi nhân loại phải đối diện với đại dịch. Tác động của COVID-19 đối với ngành nông nghiệp là rất rộng, gây ra tình cảnh thiếu ổn định ở cấp độ chưa từng có đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, trong đó có điểm nghẽn về thị trường lao động, cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, vận tải và hậu cần…
Khi người dân phải hứng chịu nạn đói và suy dinh dưỡng kinh niên, điều này đồng nghĩa với việc nhiều người không thể tiếp cận lương thực, thực phẩm đầy đủ theo nhu cầu - vốn là điều kiện cần thiết để có được lượng calo cho một cuộc sống bình thường. Thực tế này gây ra nhiều tác động trong dài hạn và sẽ là rào cản cho nỗ lực toàn cầu để tiến đến mục tiêu Chấm dứt đói nghèo (Zero Hunger) mà chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc đặt ra.
Trên thực tế, số lượng các nước đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực trầm trọng tăng nhanh. COVID-19 càng làm cho tình hình trầm trọng hơn, khiến nhiều gia đình phải đối mặt với tình cảnh khó khăn và tác động tiêu cực còn có thể kéo dài sang cả năm 2022.
Chỉ số giá mặt hàng lương thực (ACPI) trong tháng 6 vừa qua đứng ở mức cao nhất kể từ năm 2013, với mức giá cao hơn 35% so với thời điểm tháng 1/2021, riêng mặt hàng ngũ cốc tăng 43%. Giá tăng một phần phản ánh nhu cầu tiêu dùng tăng, nhưng bên cạnh đó còn là những lo ngại về bất ổn thời tiết dẫn đến năng suất mùa vụ giảm, các điều kiện kinh tế vĩ mô kém lạc quan, cùng với đứt gãy chuỗi cung nông sản do đại dịch gây ra.
Nguy cơ mất an ninh lương thực hiển hiện rõ nhất tại các nước có giá bán lẻ cao hơn, nhưng thu nhập lại giảm vì dịch bệnh, khiến nhiều hộ gia đình phải cắt giảm số lượng và chất lượng sản phẩm, mặt hàng lương thực tiêu dùng.
Rất nhiều nước đang lâm vào tình cảnh lạm phát lương thực do mức giá tăng cao, dưới tác động của tình trạng gián đoạn chuỗi cung kéo dài, cùng với các nhân tố khác như biện pháp giãn cách xã hội để ngừa COVID-19, đồng nội tệ mất giá. Giá lương thực tăng ảnh hưởng lớn hơn đối với người dân tại các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, do chi cho lương thực chiếm phần lớn trong tổng chi tiêu hộ gia đình.
Một cuộc khảo sát mới đây do Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành ở 48 quốc gia cho thấy số người không có lương thực hoặc phải giảm nhu cầu tiêu thụ lương thực tăng nhanh. Việc buộc phải giảm lượng calo đầu vào, thiếu dinh dưỡng đe dọa hủy hoại các thành tựu trong quá trình giảm nghèo, nâng cao chất lượng y tế, sức khỏe đạt được trong thời gian qua, tiềm ẩn tác động dài hạn đối với trẻ em.
Sản lượng nông nghiệp toàn cầu vẫn đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho tất cả mọi người. Nhưng số người phải đối diện với nạn đói lại tăng lên. Đó là bởi hệ thống lương thực có vấn đề, từ sản xuất cho tới cung ứng. Đại dịch COVID-19 khiến tình hình càng thêm trầm trọng.
(Nguồn: Báo Tin tức)