EWEC từ Việt Nam qua Lào, Thái Lan, Myanmar, trong đó Quảng Trị đóng vai trò quan trọng là cầu nối giao thông, mắt xích liên kết tiểu vùng thông qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Với vị trí thuận lợi, Cửa Việt được xác định là điểm nhấn trên EWEC. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã tập trung xây dựng nơi đây thành một trung tâm kinh tế năng động, có định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa là đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển gắn liền với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nằm trên EWEC.
Điểm cuối đường xuyên Á thu hút khách du lịch
Cùng với hai điểm du lịch nổi tiếng là Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ, Cửa Việt có nhiều lợi thế, quy tụ những điều kiện lý tưởng để khai thác tiềm năng du lịch biển, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như bãi biển bằng phẳng, nguồn nước trong lành, hệ thống giao thông thuận lợi…Đồng thời, Cửa Việt có đường bờ biển dài trên 10 km giáp với biển Cửa Tùng- một danh thắng biển đẹp nổi tiếng, có hệ thống đường ven biển liên kết với khu rừng nguyên sinh Rú Lịnh, làng hầm địa đạo Vịnh Mốc và đảo Cồn Cỏ sẽ tạo nên quần thể du lịch sinh thái biển phong phú, hấp dẫn, kết nối Cửa Việt-Cửa Tùng-đảo Cồn Cỏ trở thành tam giác du lịch sinh thái biển. Cảng Cửa Việt hình thành nối Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nằm trên EWEC, điểm giao lưu hợp tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các nước nằm trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ-du lịch ở Cửa Việt là cơ hội để mở rộng quy mô hợp tác du lịch với các nước trong khu vực.
Với tiềm năng lợi thế đó, những năm qua, Quảng Trị chú trọng đầu tư xây dựng Cửa Việt thành một khu dịch vụdu lịch năng động. Thực hiện quy hoạch, phân lô, đấu lô quầy ở bãi tắm Cửa Việt để khai thác dịch vụ du lịch tắm biển. Hình thành được các tổ hợp nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển, trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, các loại hình kinh doanh, dịch vụ của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch được chú trọng đào tạo; công tác xúc tiến quảng bá du lịch được tăng cường gắn với việc ban hành các cơ chế chính sách, cơ chế thông thoáng nhằm khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch biển, đảo… Để tạo điều kiện cho Cửa Việt phát triển, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, nhất là xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Hiện Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vì ở đây có nhiều lợi thế đặc thù hơn hẳn những nơi khác.
Trong chiến lược phát triển du lịch biển, đảo, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt có diện tích trên 141 ha. Đến nay, Khu du lịch biển Cửa Việt đã được quy hoạch đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, đường ven biển Cửa ViệtCửa Tùng nối với đường xuyên Á từ thành phố Đông Hà về cảng Cửa Việt mở ra cơ hội cho vùng biển hội nhập với EWEC. Cửa Việt đang được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách đến từ khu vực Đông Bắc Á khi đến Quảng Trị. Vùng biển, đảo và cụm di tích văn hóa, lịch sử đặc sắc của tỉnh trải dọc theo trục Quốc lộ 1, Quốc lộ 9 cũng trở thành địa điểm lý tưởng cho du khách từ Châu Âu, Châu Mỹ… khi đến Quảng Trị khám phá, nghỉ dưỡng và thăm lại chiến trường xưa.
Cảng biển trung chuyển hàng hóa
So với các cảng biển trong khu vực như Hòn La (Quảng Bình), Vũng Áng (Hà Tĩnh), cảng Cửa Việt có quy mô nhỏ hơn nhưng lại có nhiều lợi thế về khoảng cách đường đi, giảm được chi phí nên doanh nghiệp có nhiều thuận lợi khi xuất hàng qua cảng. Từ năm 1994, cảng Cửa Việt đã được đầu tư nâng cấp, đảm nhận chức năng trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu. Nằm ở tuyến đầu của EWEC và ở cuối Quốc lộ 9, cảng Cửa Việt được xem là điểm nhấn quan trọng để thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Mặt khác, cảng Cửa Việt chỉ cách vùng Đông Bắc Thái Lan 300 km theo đường xuyên Á, khoảng cách này ngắn hơn nhiều so với 1.000 km nếu đi ngược về hướng vịnh Thái Lan hoặc biển Myanmar. Đây được coi là một lợi thế để cảng Cửa Việt phát triển thành cảng lớn, giúp cho việc lưu thông hàng hóa đường biển thuận lợi hơn giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Tại Bắc Cửa Việt có Bến cảng tổng hợp Bắc Cửa Việt gồm 3 cầu cảng, tổng chiều dài 228 m, tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải đến 3.000 DWT; tổng diện tích bến cảng 6,62 ha; công suất thiết kế 800.000 tấn/năm. Bến xăng dầu Hưng Phát gồm 4 cụm phao có chiều dài 270 m, tiếp nhận tàu chở hàng lỏng trọng tải đến 40.000 DWT; tổng diện tích bến cảng 1,62 ha; công suất thiết kế 340.000 tấn/năm. Khu chuyển tải có thể tiếp nhận tàu hàng tổng hợp có trọng tải 50.000 tấn đầy tải và 70.000 tấn giảm tải thuộc Công ty TNHH MTV Hợp Thịnh. Bến cảng xăng dầu thuộc Dự án kho xăng dầu Hải Hà-Quảng Trị tại khu bến Bắc Cửa Việt gồm 1 cầu cảng cho tàu có trọng tải đến 3.000 DWT đang triển khai xây dựng. Khu bến Nam Cửa Việt có Bến cảng CFG Nam Cửa Việt của Công ty TNHH CFG Quảng Trị đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương đầu tư. Bến cảng thuộc Dự án kho xăng dầu Việt Lào tại Khu bến Nam Cửa Việt bao gồm một bến dạng liên tục liền bờ có chiều dài 110 m cho tàu xuất xăng dầu có trọng tải đến 3.000 tấn và một bến phao nhập xăng dầu cho tàu có trọng tải 40.000 tấn đang chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Những năm qua, số lượt tàu và lượng hàng hóa qua cảng Cửa Việt tăng đáng kể. Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị, trong năm 2020, cảng Cửa Việt đón 2019 lượt tàu vào ra cảng, tăng 23% so với năm 2019; sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 1.246.376,73 tấn, tăng 33% so với năm 2019. Trong đó, hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu là dăm gỗ, hàng nội địa gồm than, cát, clinker, thạch cao. Với khối lượng hàng hóa qua cảng ngày càng tăng nên đã đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách của tỉnh.
Phát triển Cửa Việt thành đô thị loại IV trong tương lai
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, theo phương án của tỉnh đến năm 2030 sẽ xây dựng đô thị Cửa Việt (khu vực nội thị) trên cơ sở sáp nhập đô thị Cửa Việt, xã Gio Hải, đô thị Bồ Bản đạt tiêu chí đô thị loại V. Định hướng đến năm 2050, xây dựng đô thị Cửa Việt đạt tiêu chí đô thị loại IV (hình thành 5 phường đạt chuẩn), là trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh. Việc khởi công giai đoạn 1 Dự án đường ven biển kết nối EWEC đi ngang qua thị trấn Cửa Việt sẽ tạo ra trục giao thông kết nối vùng, cùng với hệ thống Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc-Nam, đường ven biển tạo thành hệ thống giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển. Đồng thời cũng tạo ra quỹ đất rộng lớn để thúc đẩy sự phát triển các đô thị, khu du lịch-dịch vụ ven biển. Kết nối thành phố Đông Hà, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, là đô thị động lực trên EWEC với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Bên cạnh đó, dự án các cảng biển trên địa bàn cũng được tỉnh quan tâm thực hiện, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nhập hàng hóa tổng hợp, góp phần thực hiện vai trò động lực thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu sản xuất cho các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để phục vụ cho quá trình phát triển, tỉnh đã đề xuất mở rộng cảng Cửa Việt về phía thượng lưu cầu Cửa Việt. Theo quy hoạch, bến cảng Cửa Việt khi phát triển đến năm 2030 sẽ bao gồm 4 bến cảng tổng hợp phía Bắc với chiều dài 327 m và 5 bến chuyên dùng phía Nam với chiều dài 510 m.
Hiện nay, nhu cầu đầu tư vào tỉnh ngày càng tăng là tín hiệu vui để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Đối với các dự án khu vực ven biển, tỉnh xác định Cửa Việt là một trong những vùng trung tâm để có sự đầu tư quy mô, an toàn nhằm thu hút khách du lịch. Đồng thời, chú trọng hình thành được các khu chức năng lớn về dịch vụ, thương mại, du lịch tập trung để thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội. Ưu tiên phát triển hệ thống các trung tâm đô thị, đặc biệt là khu vực thị trấn Cửa Việt, Cửa Tùng và Bồ Bản, tạo điểm tựa cho các khu dân cư và các khu chức năng khác phát triển theo…Chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm xây dựng nên các khu kinh tế năng động, khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven bờ biển, từ đó tạo ra sự đột phá, điểm nhấn kinh tế ở Cửa Việt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của tỉnh trong tương lai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)