Kết nối tam giác du lịch Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ

Lâm Thanh |

Với bờ biển đẹp, có hệ thống giao thông thuận lợi, phong cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú nên các địa danh như Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ hội đủ các yếu tố để trở thành tam giác du lịch độc đáo, hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong, ngoài nước.

Đánh thức tiềm năng

Tỉnh Quảng Trị có 75 km bờ biển với các bãi biển đẹp đang thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đến khảo sát, xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái biển cao cấp. Cách bờ biển Cửa Tùng, Cửa Việt khoảng 15 đến 17 hải lý là đảo Cồn Cỏ với hệ động, thực vật phong phú, hệ sinh thái biển đa dạng, môi trường trong lành, phong cảnh hoang sơ cùng với lịch sử đấu tranh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đưa vào khai thác du lịch mở ra hướng phát triển đầy triển vọng cho “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh nhà.

Một góc đảo Cồn Cỏ -Ảnh: T.L
Một góc đảo Cồn Cỏ -Ảnh: T.L

Đến nay, Khu du lịch biển Cửa Việt đã được quy hoạch đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng cùng với đó là đường ven biển Cửa Việt-Cửa Tùng nối với đường xuyên Á từ thành phố Đông Hà về cảng Cửa Việt mở ra cơ hội cho vùng biển hội nhập với Hành lang kinh tế Đông-Tây. Bên cạnh đó, Khu du lịch Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ ở gần các di tích quốc gia đặc biệt như Địa đạo Vịnh Mốc và Đôi bờ Hiền LươngBến Hải nên rất thuận lợi cho việc kết nối, làm phong phú các loại hình du lịch biển đảo và du lịch di sản văn hóa. Mặt khác 3 địa danh này lại ở gần nơi giao nhau của các tuyến giao thông quan trọng Bắc-Nam, là điểm cuối cùng vươn ra biển của Hành lang kinh tế Đông-Tây qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay nối Việt Nam với Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar...Do vậy, Khu du lịch Cửa Tùng-Cửa Việtđảo Cồn Cỏ có lợi thế rất lớn về mặt địa lý để kết nối với các địa phương trong khu vực nhằm phát triển du lịch.

Trong chiến lược phát triển du lịch biển, đảo tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu dịch vụ-du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng-Cửa Việt với diện tích 746,17 ha; Khu dịch vụ-du lịch dọc tuyến Cửa Tùng-Vịnh Mốc với diện tích 174,48 ha; Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt có diện tích 141,17 ha; Khu du lịch Cửa Tùng với diện tích 135 ha; Khu du lịch huyện đảo Cồn Cỏ có diện tích 45,49 ha. Theo đó, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch nhất là xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp; mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ để phát huy tiềm năng tam giác du lịch biển Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ. Sau 3 năm đưa vào hoạt động, tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ trở thành điểm nhấn nổi bật của du lịch Quảng Trị. Hòn đảo này hấp dẫn du khách bởi phong cảnh hoang sơ cùng với hệ sinh thái đa dạng. Nằm sâu dưới vùng biển này là những rạn san hô trong đó có loài san hô đỏ quý hiếm. Hầu hết diện tích đảo Cồn Cỏ được phủ xanh bởi rừng nguyên sinh, thảm thực vật tạo nên một quần thể xanh tươi, trù phú.

Bãi tắm Cửa Việt thu hút khách du lịch - Ảnh: L.T​
Bãi tắm Cửa Việt thu hút khách du lịch - Ảnh: L.T​

Cần đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch biển, đảo

Sau khi gián đoạn vì ảnh hưởng COVID-19, từ giữa tháng 3/2021 đến nay huyện đảo Cồn Cỏ đã đón trên 1.000 khách ra đảo tham quan, nghỉ dưỡng. Đây là tín hiệu tích cực cho mùa du lịch biển năm nay. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Du lịch đảo Cồn Cỏ Trịnh Việt Cường, hiện trên đảo đã có hệ thống nhà nghỉ, homestay đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách về chỗ ở; các nhà hàng, địa điểm để phục vụ khách du lịch ăn uống, giải trí cũng tốt hơn trước nhiều. Nguồn điện trên đảo đảm bảo 24/24 giờ; có nước sạch hợp vệ sinh, có 2 tàu cao tốc đưa khách du lịch ra đảo là tàu Cồn Cỏ tourist nên thời gian ra đảo được rút ngắn từ 2 giờ xuống còn 45 phút. Huyện đảo Cồn Cỏ đã lồng ghép, bố trí kinh phí tôn tạo một số điểm tham quan, phát triển nâng cấp một số dịch vụ thiết yếu như xe điện đưa đón khách, dịch vụ lặn ngắm rạn san hô...Bên cạnh đó, huyện đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa du lịch để hình thành thói quen cho người dân, tạo dựng nét văn hóa đặc trưng của huyện đảo Cồn Cỏ trong phát triển du lịch.

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì các dịch vụ phục vụ du lịch trên huyện đảo hiện nay mới đáp ứng một phần nhu cầu của khách du lịch. Thực tế, ở huyện đảo Cồn Cỏ hạ tầng du lịch vẫn thiếu đồng bộ, chưa có cảng du lịch tại đất liền và hạ tầng 2 đầu tuyến, hệ thống nhà hàng, khách sạn, bãi tắm, khu vui chơi, giải trí…vẫn còn sơ khai, chưa đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng.

Không riêng gì đảo Cồn Cỏ, đi dọc tuyến đường ven biển kéo dài từ Cửa Việt đến Cửa Tùng một thực tế dễ dàng nhận thấy là hầu hết các dự án đầu tư vào dịch vụ-du lịch biển ở khu vực này dù được chính quyền địa phương cấp đất ở vị trí đắc địa, có diện tích lớn nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Vì vậy chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của du lịch biển đảo; chưa thật sự tạo động lực phát triển và liên kết chuỗi các cơ sở dịch vụ-du lịch biển trên địa bàn tỉnh nói chung cũng như kết nối một cách bài bản, chuyên nghiệp các điểm trong tam giác du lịch Cửa Tùng-Cửa Việtđảo Cồn Cỏ. Điều này cũng tác động tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, công tác quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng như tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tàu Cồn Cỏ Tourist -Ảnh: L.T​
Tàu Cồn Cỏ Tourist -Ảnh: L.T​

Vì vậy, để tam giác du lịch Cửa Việt-Cửa Tùng-đảo Cồn Cỏ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý, rà soát, nắm bắt tình hình triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ-du lịch biển đang triển khai. Có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các dự án cố tình kéo dài qua nhiều năm nhưng không triển khai xây dựng. Bên cạnh giải pháp chấn chỉnh tình trạng dự án “treo” ở khu du lịch dịch vụ biển cần có chiến lược xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư du lịch biển đảo; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, thông thoáng và bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư về kết cấu hạ tầng, các cơ sở phục vụ du lịch sinh thái biển, đảo, du lịch nghỉ dưỡng… Với huyện đảo Cồn Cỏ cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng trong phát triển kinh tế và du lịch, dịch vụ ở đảo có tầm nhìn dài hạn.

Phải khẳng định rằng tam giác du lịch biển Cửa Việt-Cửa Tùng-đảo Cồn Cỏ có vai trò quan trọng trong việc hình thành các phân ngành, sản phẩm mũi nhọn chủ lực có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trong các ngành công nghiệp, du lịch-dịch vụ và nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, tăng cường đầu tư vào khu du lịch biển này sẽ tạo ra thế và lực mới trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh Quảng Trị trong tương lai.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đảo xanh Cồn Cỏ

Đan Tâm |

Vào trung tuần tháng 7/2020, nhân Đại hội Đảng bộ huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) lần thứ IV, chúng tôi lại có dịp ra Cồn Cỏ. Vào những ngày mà sự kiện quan trọng nhất trên đảo đang diễn ra, sắc diện Cồn Cỏ như tươi tắn hơn, đảo xanh, biển xanh và cả những con người sống, công tác trên đảo, khách du lịch đến với đảo đều cùng chung một sự cảm nhận về những đổi thay lớn lao mọi mặt ở nơi đây, xác lập một niềm tin về sự phát triển, tăng tốc của đảo nhỏ thân yêu trên lộ trình đi tới tương lai.  

Quảng Trị: Huyện đảo Cồn Cỏ mong được tạo điều kiện về cơ chế để phát triển

Hưng Thơ |

Tiếp đoàn công tác của Bộ Ngoại giao tại đảo Cồn Cỏ, lãnh đạo huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) mong muốn đoàn đề xuất lên cấp trên đồng ý chủ trương xây dựng một số cơ chế chính sách đầu tư và phát triển kinh tế biển và du lịch ở trên đảo.

Tình quân dân ở đảo Cồn Cỏ

Nguyễn Sơn |

Chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tới thăm và chúc Tết sớm cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 540 cùng quân, dân trên đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị trong những ngày cuối năm Canh Tý vừa qua. Sau một đêm vượt sóng, con tàu mang số hiệu 275 đã đưa chúng tôi tới đảo Cồn Cỏ.

Bác sỹ kịp thời ra đảo Cồn Cỏ cứu bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp

Thanh Thủy |

Bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp đã được cứu kịp thời sau khi hai bác sỹ và một điều dưỡng được cử ra đảo Cồn Cỏ để khẩn trương tham khám và mổ cấp cứu.