Vào trung tuần tháng 7/2020, nhân Đại hội Đảng bộ huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) lần thứ IV, chúng tôi lại có dịp ra Cồn Cỏ. Vào những ngày mà sự kiện quan trọng nhất trên đảo đang diễn ra, sắc diện Cồn Cỏ như tươi tắn hơn, đảo xanh, biển xanh và cả những con người sống, công tác trên đảo, khách du lịch đến với đảo đều cùng chung một sự cảm nhận về những đổi thay lớn lao mọi mặt ở nơi đây, xác lập một niềm tin về sự phát triển, tăng tốc của đảo nhỏ thân yêu trên lộ trình đi tới tương lai.
Cùng những bạn trẻ từ đất liền ra khám phá Cồn Cỏ lần đầu, chúng tôi cất công một vòng quanh đảo và lục tìm trong sức vươn của hòn đảo nhỏ này những nỗ lực, mồ hôi, công sức của nhiều thế hệ người dân Quảng Trị và cả nước đã hy sinh, đắp xây, tạo dựng cho đảo. Đảo đã đẹp dần lên, từ bến Nghè lên “đồi Hải Phòng”, con đường ngập tràn sắc xanh, ngọn hải đăng như mắt ai đêm đêm thao thức hướng ra đại dương. Tôi tần ngần đặt chân lên bãi Hirôn ở phía Đông của đảo để thấy địa danh một bãi biển ở đất nước Cuba xa xôi nhưng gần gũi đang hiện diện nơi đây từ những ngày Cồn Cỏ vững vàng trong lửa đạn. Đã có niềm ấm áp sum vầy của sự sống thường ngày nhen lên trong mỗi căn bếp nhỏ gia đình “thanh niên xung phong” tươi trẻ; một quần thể phố phường cảng thị náo nức giữa khơi xa lộng gió; hồ nước ngọt đầy ắp ngay giữa lòng đảo như một cam kết về sự sống bền vững của đảo. “Vọng gác tiền tiêu” trên Biển Đông của nước Việt đã được cung cấp điện ổn định, có cột cờ Tổ quốc vững chãi, có những con tàu hiện đại và dũng mãnh, nối gần lại đất liền với đảo xa…
Trong bút ký “Hồn xanh đảo cỏ” của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh viết vào tháng 3/2002 về sự nên vóc, nên hài của đảo Cồn Cỏ, ông có sự lý giải rất lãng mạn: “Ông Trời gánh đất đắp bền chắc đất Minh Linh (tên cổ của miền Vĩnh Linh, Gio Linh). Đất đá gánh về nặng quá. Đòn triêng gãy. Đất đá tụt xuống. Một đầu gánh đất thành đồi 74 ở mé ga Sa Lung bây giờ. Đầu kia văng mạnh ra ngoài biển. Nổi giữa trùng khơi một cồn xanh đảo đá. Cỏ mọc nhanh. Biếc xanh tên gọi muôn đời”. Cồn Cỏ dưới tầm nghĩ của ông còn là nơi hội tụ sự linh thiêng, hào hoa và vững chãi: “Cồn Cỏ là tâm Phật từ bi hạ xuống làm nơi neo đậu tránh mưa, tránh bão của thuyền chài. Khi biển Bắc, biển Đông dồn dập nổi mòi (sóng bạc đầu), khi nền trời hạ xuống mà phơi mặt bủng da chì là thuyền cá “bên ni Tùng Luật, bên tê Cát Sơn” ghe nôốc, neo thuyền vào đảo đá mà núp tránh. Cồn Cỏ là đảo lửa. Chỉ có dăm năm của nửa cuối thập kỷ sáu mươi trong thế kỷ trước mà đá, mà cỏ cây lẫm liệt chí anh hùng.
Rồi từ đó sóng đảo vỗ vào tâm thức Việt Nam cái nhịp ngưỡng mộ đến muôn năm. Muôn năm câu thơ của Bác Hồ khen ngợi: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận. Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”… Đọc “Hồn xanh đảo cỏ”, những câu văn cứ khôn nguôi dội vào lòng ngực, chộn rộn và thao thức về những dự cảm tốt lành: “Đến năm cuối của thế kỷ XX, Cồn Cỏ có một đồn biên phòng trấn ngự. Trong cổ sử địa chí nghìn triệu năm, sự kiện lập đồn biên phòng là dấu chấm thời gian rất nhỏ. Nhưng là chấm nhỏ bản lề. Đá rồi cũng sẽ mềm ra vì đảo đá sẽ mềm mại sự sống sinh sôi…Ngày 9/ 3/2002 này sẽ có lễ động thổ dựng “làng” trên đảo. Cái xẻng thiêng liêng sẽ cắm phập vào đất đá. Không phải để đào chiến hào, công sự. Lần này, lưỡi xẻng chớm gặp màu tương lai…”. Dự phóng của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh về mai sau Cồn Cỏ đang dần trở thành hiện thực, như nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng nhận định: “Ở những nghệ sĩ tài năng, khát vọng sống mãnh liệt nhiều khi kết tinh thành sức linh cảm về tương lai…”.
Nằm ở cửa ngõ phía Nam của vịnh Bắc Bộ thuộc tỉnh Quảng Trị, đảo Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong mối quan hệ kinh tế - lãnh thổ và quốc phòng - an ninh của đất nước. Bên cạnh đó, Cồn Cỏ được quy hoạch là một đỉnh trong tam giác phát triển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ, gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế biển của khu vực miền Trung nối với các quốc gia trong khu vực trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Trong chiến lược phát triển, Cồn Cỏ được quy hoạch trở thành đảo du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
Huyện đảo Cồn Cỏ cũng đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết du lịch huyện đảo Cồn Cỏ, xây dựng đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ nhằm đưa ra các quan điểm, mục tiêu, định hướng, chương trình kế hoạch kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh huyện đảo Cồn Cỏ, với các mục tiêu chính là tập trung xây dựng Cồn Cỏ thành điểm du lịch, trước hết và chủ yếu là du lịch sinh thái biển - đảo, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Trong phát triển kinh tế du lịch, việc đẩy mạnh thông tin, quảng bá và tiếp nhận, lan tỏa thông tin về sản phẩm du lịch mới trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Về mặt này, đảo Cồn Cỏ có lợi thế hơn nhiều so với nơi khác do sự ngưỡng mộ và danh tiếng của hòn đảo nhỏ anh hùng đối với du khách trong nước và quốc tế.
Không chỉ mang trong mình quá khứ hào hùng, tự thân đảo Cồn Cỏ đã là một “thiên đường nhỏ giữa Biển Đông” với sức hấp dẫn đến từ thiên nhiên, cảnh quan, sản vật độc đáo. Cồn Cỏ có hệ sinh thái biển và rừng đa dạng với các bãi tắm hoang sơ, nước biển trong, nhiệt độ nước ổn định; hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng mang đặc trưng của đảo núi lửa Việt Nam; khí hậu trong lành. Nằm trong khu vực biển có hệ tài nguyên phong phú, đa dạng, Cồn Cỏ có nhiều loài hải sản có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao; nhiều loài san hô cứng, rong biển, động vật đáy. Rạn san hô ở Cồn Cỏ được đánh giá rất tốt, độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn… Có thể thấy, chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà còn hướng đến kết hợp với các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh để tạo thành sản phẩm du lịch liên hoàn, hấp dẫn của Quảng Trị.
Hiện thời, Cồn Cỏ luôn đón chào du khách bằng một gương mặt mới. Với chủ trương phát triển kinh tế theo hướng lấy phát triển du lịch - dịch vụ làm trung tâm, nền kinh tế của huyện đảo Cồn Cỏ có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực du lịch có những bước phát triển khả quan, đã hình thành được một số tour với các loại hình du lịch hấp dẫn như du lịch trải nghiệm, du lịch xanh - homestay, du lịch lịch sử về lại chiến trường xưa, thám hiểm đáy biển khu bảo tồn biển…, góp phần đưa lượng khách ra đảo tham quan, du lịch hằng năm tăng từ 20 - 50%, doanh thu tăng từ 25 - 60%. Tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực của huyện như nước mắm, cá khô, trà giảo cổ lam…Để thúc đẩy du lịch phát triển, UBND huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung cho việc thông tin tuyên truyền về định hướng phát triển, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân trên đảo đầu tư nâng cấp các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch như ăn uống, tắm biển, câu cá, lặn ngắm san hô, lửa trại…
Phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho chủ các điểm kinh doanh, hộ dân trên địa bàn về cách chế biến món ăn, pha chế đồ uống, phong cách phục vụ. Chế biến một số sản phẩm hàng hóa đặc sản để phục vụ nhu cầu của du khách như nước mắm, cá khô, trà thảo dược giảo cổ lam… Kêu gọi và hỗ trợ một số doanh nghiệp đầu tư tàu cao tốc vận chuyển khách du lịch. Đến tháng 8/2018 huyện đã tiếp nhận, đưa vào khai thác tàu cao tốc Cồn Cỏ Tourist vận chuyển được 80 hành khách. Từ khi triển khai các hoạt động du lịch, tính đến tháng 12/2020 lượng khách đến với đảo đạt trên 18.000 lượt với tổng doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 21 tỉ đồng. Huyện cũng đã thực hiện công tác quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp du lịch tổ chức tour, kết nối tour đến với đảo. Quan tâm làm tốt vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách cũng như chủ động trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành và thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tham quan du lịch đảo Cồn Cỏ. Ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa du lịch đảo Cồn Cỏ nhằm xây dựng và hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và du khách đến đảo. Nhiều nguồn lực cũng đã được huy động để đầu tư cho hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt, các cơ sở lưu trú, chỉnh trang, tu bổ hạ tầng phục vụ du lịch. Đến nay, trên đảo đã có 2 cơ sở lưu trú gồm 30 phòng với 95 giường và 4 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay có khả năng đáp ứng chỗ nghỉ cho khoảng 40 khách du lịch.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên được chú trọng; diện tích rừng tự nhiên được duy trì ổn định trên 60% diện tích của đảo. Tỉnh Quảng Trị xác định xây dựng và phát triển Khu du lịch biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ là một trong những chương trình, đề án mang tính đột phá, đồng thời cũng định hướng hình thành Khu du lịch quốc gia Cửa Việt - Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc - Đôi bờ Hiền Lương - Cồn Cỏ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nỗ lực của huyện đảo Cồn Cỏ thời gian qua là bước đi quan trọng để cụ thể hóa những quyết sách này.
Dẫu còn nhiều gian khó, song được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị và nỗ lực của quân dân huyện đảo, “chiến hạm xưa” chở đầy hoa thắng trận, “chiến hạm nay” sẽ chở đầy những trọng trách xây dựng thành công huyện đảo Cồn Cỏ vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về văn hóa, xứng đáng là “đảo ngọc” lung linh nơi cửa ngõ tiền tiêu của Tổ quốc…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)