Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, sau 20 năm thực hiện chương trình thành phố "5 không," thành phố Đà Nẵng đã cơ bản đạt được những kết quả tích cực.
Ngày 3/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo chuyên đề về mục tiêu, định hướng chương trình thành phố “5 không,” “3 có” và “4 an.”
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, sau 20 năm thực hiện chương trình thành phố "5 không," thành phố Đà Nẵng đã cơ bản đạt được những kết quả tích cực.Sau 2 năm thực hiện "không có hộ đói,” thành phố đã cơ bản xóa hết hộ đói và chuyển sang “không có hộ đặc biệt nghèo.” Đặc biệt, trong quá trình triển khai thành phố đã chọn gần 6.000 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để xây dựng các chính sách đặc thù riêng, tập trung huy động nguồn lực từ nhà nước và cộng đồng xã hội để hỗ trợ.
Đến nay, cơ bản Đà Nẵng không còn hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Với mục tiêu “không có người mù chữ” chuyển sang “không có học sinh bỏ học”, thành phố đã tập trung phổ cập tất cả các cấp học, nhất là không để học sinh phải nghỉ học vì lý do kinh tế và những đối tượng này luôn được chính quyền địa phương, xã hội quan tâm.
Trong mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” thành phố đã thực hiện quyết liệt, các điểm nóng được xử lý triệt để, về cơ bản thành phố không còn tình trạng ăn xin.
Với mục tiêu “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng và không có giết người để cướp của,” mặc dù là nhiệm vụ khó, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tình trạng người nghiện ma túy được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng giết người để cướp của giảm đến mức thấp.
Bên cạnh chương trình thành phố "5 không," năm 2005, thành phố Đà Nẵng tiếp tục đề ra chương trình thành phố "3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị).
Sau 15 năm thực hiện hướng đến mục tiêu "3 có," thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng các khu ký túc xá cho sinh viên, khu nhà ở cho công nhân, khu chung cư và giải quyết bố trí cho thuê gần 10.000 căn hộ; ý thức chấp hành các quy định về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người dân và du khách có sự chuyển biến rõ rệt.
Sau 5 năm thực hiện chương trình thành phố "4 an" (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội), Đà Nẵng đã cơ bản đạt được kết quả nhất định ở các lĩnh vực.
Thành phố đã tập trung xây dựng, chỉnh trang, xử lý các điểm đen giao thông, giải quyết những vấn đề bức xúc về thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm... hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thức ăn, sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý kiến, định hướng, thay đổi, bổ sung các mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay: Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của chương trình thành phố “5 không,” “3 có” và “4 an,” Đà Nẵng dự kiến sẽ tiếp tục giữ lại những mục tiêu phù hợp với thực tiễn hiện nay, đồng thời bổ sung, thay thế, nâng tầm các mục tiêu trong chương trình.
Trong đó, với chương trình thành phố "5 không," Đà Nẵng dự kiến điều chỉnh mục tiêu “Không có học sinh bỏ học” chuyển sang “Không có trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường” hoặc “Không xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em."
Bởi hiện nay tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại đang là vấn đề bức xúc nhất cần phải có chương trình để tập trung xử lý.
Với chương trình thành phố "3 có,” Đà Nẵng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu “Có nhà ở”; xem xét mục tiêu “có việc làm” có thể thực hiện hoặc lồng ghép trong chương trình an sinh xã hội; nếu lồng ghép thì có thể chuyển sang chương trình “có trách nhiệm học tập, sáng tạo, nâng cao chất lượng lao động và khởi nghiệp”...
Đà Nẵng chủ trương tiếp tục duy trì chương trình thành phố "4 an” để phát huy hiệu quả sau đáng mừng sau 5 năm thực hiện.
(Nguồn: TTXVN)