Từ một vùng quê ở chiến khu xưa với nhiều cách biệt, nay xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã vươn lên bắt nhịp với những đổi thay của quê hương, đất nước, đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Ghi đậm dấu ấn cho những đổi thay đó là ngày 28/4/2017, xã long trọng tổ chức đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), là một trong những xã đầu tiên của huyện Cam Lộ đón nhận danh hiệu này.
Có thể nói thay đổi lớn nhất của xã Cam Chính cũng như vùng Cùa nói chung là sau ngày tỉnh Quảng Trị, rồi huyện Cam Lộ được tái lập, chính quyền sát với người dân hơn để có điều kiện lắng nghe, thấu hiểu và đầu tư nguồn lực cho những nơi còn nhiều khó khăn. Xã Cam Chính đã nhận được sự đầu tư khá lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, hệ thống điện phục vụ sản xuất và đời sống. Từ thị trấn Cam Lộ vào vùng Cùa ngày nào còn cách trở, nay đã có đường thảm nhựa, xe chạy êm ru, chỉ vài chục phút là tới. Chợ, trường học, trạm xá cũng được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, tạo nên một sắc diện, sức sống mới.
Trên con đường đi tới, người dân xã Cam Chính đã khai thác tiềm năng thế mạnh của mình với một vùng đất đỏ ba dan màu mỡ, rộng lớn để trồng các loại cây công nghiệp, cây dài ngày có giá trị cao. Dù giá cả nhiều lúc biến động lên xuống thất thường nhưng cây tiêu và cao su, từng được mệnh danh là các loại cây “vàng trắng”, “vàng đen” này đã thực sự mang lại nguồn thu nhập cao, làm thay đổi cuộc sống của biết bao người. Hiện nay dù giá cao su đang ở mức thấp nhưng nhiều gia đình ở Cam Chính mỗi sáng mai thức dậy vẫn có được vài trăm ngàn đến hơn một triệu đồng nếu có được vài ba héc ta cao su đi vào khai thác. Toàn xã hiện có 750 ha cao su, đó là kết quả của nhiều năm người dân tích cực khai phá đất hoang, chuyển đổi cây trồng, vay vốn ngân hàng, hoặc các chương trình, dự án để xã có được diện tích cao su lớn như hôm nay.
Về cây tiêu, xã có 164,45 ha, năm 2019 đạt sản lượng hơn 160 tấn, tăng so với năm trước 88,72 tấn. Xã luôn khuyến khích người dân đầu tư thâm canh, áp dụng biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó người dân cũng tích cực trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc vừa mang lại giá trị kinh tế cao. Diện tích rừng trồng lên tới hơn 1.353 ha. Một số nông dân xã Cam Chính cho biết, chỉ cần trồng vài ba héc ta rừng, với chu kỳ từ lúc trồng đến khi khai thác thời gian 4- 5 năm không ít gia đình có được vài trăm triệu đồng từ khai thác rừng trồng.
Việc chăn nuôi ở Cam Chính cũng đã bước vào giai đoạn mới khi nhiều gia đình chăn nuôi với quy mô khá lớn, từ vài trăm đến cả ngàn con heo nái và heo thịt. Do nằm ở vùng thung lũng tách biệt với bên ngoài nên người chăn nuôi ở đây đã lách được các dịch bệnh, đảm bảo gia súc, gia cầm phát triển tốt. Toàn xã có hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp, xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, tổng đàn heo năm 2019 hơn 26.000 con. Một số gia đình chăn nuôi lớn như gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh, thôn Mai Lộc 2, có thời điểm trong chuồng có tới 1.200 con heo thịt và 100 heo nái. Ngoài ra mô hình chăn nuôi gà mang thương hiệu “gà Cùa” cũng đang phát triển, thời gian gần đây dự án đã cung cấp giống gà cho các gia đình với số lượng 4.600 con.
Để xây dựng xã NTM kiểu mẫu, không dừng lại ở 19 tiêu chí của xã NTM, mà phải phấn đấu ở mức cao hơn, trong đó yêu cầu có vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm chủ lực của xã đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,5 lần so với thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên, không còn hộ nghèo (trừ trường hợp bất khả kháng), các hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra còn có một số yêu cầu, tiêu chí khác.
Trong điều kiện của mình, xã Cam Chính đã huy động thêm các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu. Bên cạnh đó hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng tiêu, cao su, vùng trồng rừng. Xã cũng tích cực thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tạo ra giá trị hàng hóa cao hơn. Bên cạnh các loại cây trồng truyền thống, Cam Chính cũng đã dành một số diện tích đáng kể cho việc trồng các loại cây dược liệu, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Đến nay người dân trồng được 1,9 ha cây sắn dây, đạt năng suất 35 tấn, sản lượng 66,5 tấn. Cây chè vằng trồng được 7,55 ha, trong đó 2 ha theo mô hình trồng tập trung; 5 ha trồng xen rừng gỗ lớn tại vùng rừng Bắc Trung Bộ; 0,35 ha trồng tại hộ gia đình và 0,2 ha do Chi hội nông dân thôn Mai Đàn trồng. Cây nghệ cũng trồng được 20 ha, cho năng suất, sản lượng cao với 120 tấn.
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Lâm, điểm nhấn trong phát triển kinh tế, cũng là mô hình mang tính thương hiệu của Cam Chính ngoài cây tiêu đã được khẳng định, còn có cây sắn dây và chè vằng; cây sắn dây chất lượng tốt nhưng đầu ra có khó khăn. Chủ tịch UBND xã nói thêm về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề dịch vụ ở khu vực trung tâm xã, đó là dịch vụ ăn uống, vận tải. Toàn xã có 150 xe ô tô vận tải lớn nhỏ, để chở người và hàng hóa. Xã cũng có hơn 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ gắn với nhu cầu thị trường như sửa chữa điện dân dụng, cơ khí, rèn, cưa xẻ gỗ, mộc, nề, chế biến nông sản, buôn bán vật liệu xây dựng… Trong phát triển thương mạidịch vụ, thuận lợi của xã là có chợ Cùa, nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa của hàng ngàn người dân trong vùng. Ở đây hàng hóa phong phú, đa dạng như các chợ ở vùng đồng bằng, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đáng phấn khởi là trên địa bàn xã đã có 2 cơ sở may mặc, đang xây dựng cơ sở thứ 3 có quy mô 200 đầu máy. Các cơ sở may mặc đã góp phần giải quyết được nhiều lao động. Như vậy xã có một đội ngũ công nhân làm việc ngay trên chính quê hương mình mà không phải đi tới các tỉnh, thành phố lớn. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế nên thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Từ thu nhập bình quân đầu người 34- 35 triệu đồng/năm cách đây vài năm, nay đã lên tới 40 triệu đồng; toàn xã chỉ còn 1,84% hộ nghèo. Đời sống của nhiều đối tượng chính sách, người có công được cải thiện.
Về văn hóa - xã hội, tuy nằm trên địa bàn của một vùng trung du, miền núi nhưng xã Cam Chính có đầy đủ các ngành học, bậc học phổ thông, từ mầm non, tiểu học đến phổ thông trung học, đó là điều kiện thuận lợi để mở mang, nâng cao dân trí. Các trường trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Cam Chính cũng là xã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Xã đạt danh hiệu xã điển hình văn hóa. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được người dân tham gia tích cực. Xã cũng đã vận động và đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Trong thời gian tới, xã Cam Chính đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm tỉ trọng nông-lâm-ngư nghiệp; tăng tỉ trọng công nghiệp- xây dựng-thương mại-dịch vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Phát triển kinh tế song song với việc giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng- an ninh. Động viên Nhân dân thi đua lao động sáng tạo, phát triển sản xuất, giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống, hướng tới sự hài lòng của người dân. Địa phương xem đây là động lực quan trọng để xây dựng xã NTM kiểu mẫu, trở thành vùng quê yên bình, đáng sống.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)