Sau khi tình hình dịch COVID-19 trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng được kiểm soát tốt, Quảng Trị đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để phục hồi ngành Du lịch. Một giải pháp bền vững được địa phương chú trọng thực hiện là phát triển bền vững ngành Du lịch với tôn chỉ: Điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng.
Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến cho hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn. Theo đó, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị trong quý 1/2020 chỉ đạt 246.600 lượt (giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019); tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội đạt 235 tỉ đồng (giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019).
Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống dần bình thường trở lại thì hoạt động du lịch của tỉnh cũng từng bước được khôi phục. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành cũng đang kỳ vọng thời gian tới lấy lại đà kinh doanh, nhất là việc khai thác lượng khách nội địa còn nhiều tiềm năng.
Ông Trần Hữu Phước, Giám đốc Công ty Lữ hành THP cho rằng: “Thời gian tới chắc chắn là thời điểm của du lịch nội địa. Trước đây tỉnh ta cũng có những khó khăn nhất định trong việc thu hút khách du lịch trong nước đến lưu trú. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc Quảng Trị là một trong những tỉnh làm tốt công tác phòng chống dịch trong thời gian qua sẽ là một lợi thế rất lớn trong việc tuyên truyền về điểm đến an toàn cho các du khách. Việc mở lại các đường bay sẽ kích cầu du lịch theo hình thức đơn lẻ, dần dần sẽ hình thành du lịch nhóm. Hy vọng tình hình du lịch tỉnh nhà sẽ có nhiều khởi sắc trong nửa cuối năm 2020 này.”
Để tạo cơ sở cho sự hồi sinh của ngành du lịch, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông điểm đến an toàn; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực, các nước trên Hành lang kinh tế Đông- Tây và các thành phố để đưa khách đến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã chủ động, tích cực nhằm biến thách thức thành cơ hội phát triển, trong đó tập trung chú trọng đến chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn lao động; khai thác các tour tuyến đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách trong giai đoạn hiện nay.
Anh Phạm Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Ken Travel cho biết: “Từ khi mở lại các tour du lịch nội địa như: tour Khe Sanh, tour Cồn Cỏ, gần như cuối tuần nào chúng tôi cũng tiếp đón rất nhiều du khách chủ yếu theo nhóm bạn bè, gia đình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ quảng bá rộng rãi hơn để thu hút lượng khách theo đoàn đến các địa điểm này.”
Ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Quảng Trị cho biết: “Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, nửa cuối năm 2020 sẽ có đến 95% lượng khách du lịch là nội địa, 77% trong số đó muốn lựa chọn hình thức nghỉ dưỡng, 67% thích du lịch biển đảo. Với việc xác định thị trường mục tiêu là khách nội địa, tỉnh đang tập trung xây dựng và quảng bá hình ảnh “Quảng Trị - Điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng”. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để kích cầu, phục hồi ngành ngành du lịch địa phương, nhất là loại hình du lịch biển đảo. Thời gian qua, tỉnh ta đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, do đó cần tiếp tục duy trì thành quả này trong thời gian tới. Bởi vì theo khảo sát, hiện nay ưu tiên hàng đầu của khách du lịch không phải là giá cả mà đó là địa điểm an toàn.”
Để xây dựng điểm đến an toàn, ngay từ bây giờ, nhiều địa phương đã yêu cầu các khu, điểm du lịch khi mở cửa trở lại thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh như giám sát, khuyến cáo du khách thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, rửa tay sát khuẩn và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở du khách thực hiện giãn cách nhằm tạo dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện và mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho du khách.
Hiện, tại các khu di tích lịch sử cách mạng, khu dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, Sở VH-TT&DL đã yêu cầu các doanh nghiệp, ban quản lý các khu, điểm du lịch xây dựng bộ tiêu chí để bảo đảm tính an toàn trong kinh doanh, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch sau khi hết COVID-19, trong đó ưu tiên tập trung thị trường du lịch nội địa với các sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch biển, đảo. Ngoài ra, hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực này cũng được tập trung triển khai. Ông Đỗ Văn Bình cho biết thêm: “Thời gian tới, cần phải tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch dựa trên các tiêu chí là những nhà đầu tư có tiềm năng, mong muốn thực sự được đầu tư vào du lịch Quảng Trị cũng như có những hình thức khai thác khác biệt, tạo nên sự hấp dẫn du khách. Đó là một mục tiêu mang tính đường dài cho việc khôi phục và phát triển ngành du lịch địa phương.”
(Nguồn: QRTV)