Thành công với mô hình nuôi tôm “ao trong ao”

Lê An |

Sinh ra và lớn lên tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị), một trong những địa phương có nghề nuôi tôm lâu đời trên địa bàn tỉnh, khi thấy nghề nuôi tôm của địa phương ngày càng “xuống dốc” do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2019, anh Hoàng Ngọc Tuấn ở tại thôn Mai Xá đã tự mày mò tìm hiểu và thực hiện thành công mô hình nuôi tôm “ao trong ao”. Tại thời điểm triển khai, đây được xem là mô hình nuôi tôm “ao trong ao” đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao nổi của mình, anh Tuấn vừa cho biết, mặc dù đang rất thành công với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng anh luôn trăn trở khi thấy người nuôi tôm trên địa bàn xã liên tiếp gặp khó khăn do tôm nuôi bị dịch bệnh.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao

Qua tìm hiểu anh nhận thấy nguyên nhân tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh là do mầm bệnh tồn tại trong đất, trong nguồn nước cấp vào ao và trong các ký chủ trung gian như cua, còng… Do vậy, để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh thì giải pháp tốt nhất đó là phải “cách ly” được mầm bệnh, không để các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập được vào ao nuôi. Sau khi tham quan, học tập các mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn từ các tỉnh phía Nam, năm 2019 anh quyết định dồn toàn bộ số tiền hơn 1,2 tỉ đồng dành dụm được của gia đình mua lại một số ao nuôi tôm bỏ hoang ở khu vực Đồng Soi, xã Gio Mai để đầu tư xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong ao nổi.

Anh Tuấn giải thích, thay vì lót bạt các ao nuôi có diện tích lớn rồi lấy nước vào thả nuôi như trước đây thì anh thiết kế các ao nuôi hình tròn, có diện tích nhỏ bằng khung thép không rỉ, phủ bạt HDPE, có đáy dạng hình phễu, vách đứng được đặt ngay trong lòng các ao nuôi cũ. Với tổng diện tích 2 ha, khu nuôi tôm siêu thâm canh của anh Tuấn gồm 4 ao nuôi hình tròn có đường kính 35m, chiều cao 1,2m; được trang bị đầy đủ hệ thống máy sục khí, ống dẫn khí, máy quạt nước, máy cho tôm ăn tự động… Ngoài ra còn có các ao cấp, ao xử lý nước và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường. Quy trình nuôi được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn 1, tôm giống được ương nuôi khoảng 30 ngày trong 1 ao nổi, mật độ nuôi khoảng 3.000 con/m2; giai đoạn 2, tôm giống được chuyển sang các ao nổi còn lại để nuôi thương phẩm, mật độ nuôi khoảng 300 con/ m2. Sau 90 - 100 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng khoảng 40 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Anh Tuấn chia sẻ, ở vụ nuôi đầu tiên, với mật độ thả nuôi 300 con/m2, sau hơn 3 tháng nuôi tôm trong ao nổi đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg, sản lượng đạt hơn 8 tấn. Trừ chi phí và khấu hao tài sản, anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng. “Hiện nay tôi đang thả nuôi vụ tiếp theo và tôm đang phát triển rất thuận lợi”, anh Tuấn cho hay.

Mô hình nuôi tôm bằng ao nổi tuy mới du nhập vào Quảng Trị nhưng đã được áp dụng thành công tại các tỉnh phía Nam từ nhiều năm nay. Mô hình này có ưu điểm là không đòi hỏi diện tích lớn hàng ngàn mét vuông như quy trình nuôi ao vuông mà mỗi ao nổi hình tròn chỉ có diện tích từ 500 - 700 m2 được làm bằng khung sắt, lót bạt, đặt ngay trên bề mặt đất bằng phẳng, trên cát hoặc ngay trong lòng các ao nuôi cũ. Chi phí xây dựng chỉ bằng khoảng 1/3 so với đào ao vuông như trước đây. Diện tích ao nuôi nhỏ nên dễ quản lý, dễ xử lý các biến động của môi trường nước trong quá trình nuôi. Ao nuôi có hình tròn nên khi vận hành máy quạt nước tạo dòng chảy hướng tâm mạnh, vừa đảm bảo cho nước trong ao được đảo đều vừa làm các loại chất thải rắn như xác tôm chết, thức ăn thừa, phân tôm… dễ dàng tụ lại giữa đáy ao, thuận tiện cho việc thu gom và xử lý đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, nền đáy được giữ sạch sẽ suốt vụ nuôi, giảm thiểu vi khuẩn có hại và khí độc tích tụ trong môi trường ao nuôi. Bên cạnh đó, diện tích ao nổi nhỏ nên không đòi hỏi nhiều nhân công chăm sóc, không cần quá nhiều dàn quạt để tạo ra dòng chảy và cung cấp đủ ô xy cho ao nuôi cũng như thu gom chất thải. Mỗi ao chỉ cần lắp đặt 2 giàn quạt nước và 1 giàn sục khí là đủ, nhờ vậy chi phí vận hành quạt nước cũng được giảm đi đáng kể. Việc dễ quản lý môi trường, dịch bệnh, chăm sóc tôm còn hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình nuôi so với ao vuông.

Anh Tuấn chia sẻ, làm ao nổi như thế này vừa tận dụng được các ao nuôi cũ đang bị bỏ hoang hoặc nuôi kém hiệu quả nhưng môi trường trong ao nổi vẫn tách biệt hoàn toàn với ao nuôi cũ, các loại ký chủ trung gian mang mầm bệnh như cua, còng… cũng không thể xâm nhập được. Người nuôi trước khi vào ao đều phải mang ủng, lội qua bể chứa dung dịch thuốc tím và khử trùng tay bằng cồn 70 độ để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh.

Anh Tuấn cũng lưu ý, để nuôi tôm trong ao nổi đạt hiệu quả cao và mang tính bền vững, người nuôi cần phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Lựa chọn con giống sạch bệnh, có chất lượng cao. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ các ao nổi phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên, đây là một trong những yếu tố quan trọng mang lại sự thành công lâu dài. Cụ thể, nước thải trong ao nổi sau khi bơm lên ao tách chất thải rắn, phần vỏ tôm, xác tôm chết và thức ăn dư thừa được lọc qua túi lưới, thu gom vào bể chứa, dùng nước ngọt pha loãng và xử lý bằng men vi sinh để làm phân bón cho cây trồng. Đối với phần lọt qua lưới lọc là phân tôm và xác tảo chết được bơm vào ao lắng, xử lý bằng hóa chất và men vi sinh để tái sử dụng.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Nguyễn Xuân Phương đánh giá, ngoài giảm chi phí đầu tư, mô hình nuôi tôm trong ao nổi theo mô hình “ao trong ao” này còn dễ dàng trong quá trình quản lý, chăm sóc, hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Đây được xem là mô hình nuôi tôm bằng công nghệ mới với nhiều ưu điểm vượt trội, an toàn, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế; có khả năng áp dụng rộng rãi do vốn đầu tư và quy trình kỹ thuật của mô hình ở mức độ vừa phải, phù hợp với điều kiện và khả năng các hộ nuôi tôm. Tùy theo điều kiện kinh tế từng hộ có thể thiết kế ao nuôi từ 200 - 700 m2. “Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND huyện nhân rộng mô hình này ra địa bàn toàn huyện”, ông Phương khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hướng Hoá nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển mô hình chanh leo trên địa bàn

Thanh Huyền |

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Hướng Hoá (Quảng Trị) có nền nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Thực hiện chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, huyện đã làm tốt công tác liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Mô hình trồng cây ổi lê Đài Loan mang hiệu quả kinh tế cao

Nguyễn Trang |

Được đưa vào thử nghiệm từ năm 2018 với qui mô 2,2 hécta trên diện tích đất chuyển đổi từ vườn cây cao su bị gãy đổ do gió bão, mô hình trồng cây ổi lê Đài Loan tại xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) được đánh giá triển vọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Triệu Nguyên trên hành trình về đích nông thôn mới trong năm 2020

Hồ Sỹ Phùng |

Đến hết năm 2019, xã Triệu Nguyên (Dakrong, Quảng Trị) đạt được 16/19 tiêu chí xây dựng NTM. Để về đích NTM vào năm 2020 theo kế hoạch, xã Triệu Nguyên phải hoàn thành 3 tiêu chí còn lại gồm: Tiêu chí thu nhập, tiêu chí tổ chức sản xuất và tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại. Trên cơ sở những kết quả và khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chí này, xã đã đưa ra nhiều giải pháp để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Ngành nông nghiệp Hải Lăng - Những thành tựu nổi bật

Linh Xuân |

Là địa phương thuộc vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh nhưng 30 năm trước đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Hải Lăng quy mô còn nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu kém, thiên tai thường xuyên đe dọa vì vậy đời sống người nông dân hết sức khó khăn. Kể từ ngày lập lại huyện 1/5/1990 đến nay, từ sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương đặc biệt là từ những quyết sách lớn, mang tính đột phá của huyện và sự năng động sáng tạo của nông dân, ngành nông nghiệp Hải Lăng đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc.